Đưa vàng vào tập thể

Thứ ba, ngày 01/03/2011 18:37 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Có lẽ, khi đề xuất về một nghị định cấm hoàn toàn việc kinh doanh vàng miếng, các nhà quản lý chưa bao giờ trả lời được câu hỏi vì sao dân lại chăm chăm mua vàng tích trữ.
Bình luận 0

Câu hỏi vì sao cấm thì đã được các lãnh đạo nhiều ngành chức lần lượt trả lời. Phó Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước sẽ “ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động đầu cơ, găm giữ, thao túng thị trường”.

Một vị khác còn nói rằng: Làm sao đưa toàn bộ lượng vàng vật chất có trong dân chúng vào kho quản lý tập trung do nhà nước quản lý. Và, trên cơ sở vàng của mình nằm trong “ống bơ nhà nước” này người dân có vàng “có thể mở tài khoản tại công ty kinh doanh vàng và yêu cầu các công ty này thực hiện việc lưu ký vàng…”.

Hình như từ sau những “ngày thứ tư đen tối”, liên tiếp trong hai năm vừa rồi, với các cơn điên loạn của giá vàng, các nhà quản lý mới chợt phát hiện rằng sàn vàng bản chất đúng là một thứ sòng bài, càng để tồn tại càng bất ổn.

Họ còn nhận ra thêm rằng với cả trăm, ngàn tấn vàng “còn tồn” trong dân, nhà nước đang chỉ nắm trong tay nguồn dự trữ lớn trên sổ sách. Rằng vàng nằm trong ống bơ, chôn nền nhà chỉ là thứ vàng chết - khi không được đưa vào lưu thông.

Khá khen cho sáng kiến “đưa vàng của dân cho nhà nước quản lý” bởi ở góc độ quản lý, ai cũng biết việc đưa vàng vào tập thể- nhà nước vừa huy động được nguồn lực, vừa tiện bề quản lý. Làm sao có chuyện mua đi bán lại ngoài thị trường tự do, làm sao có những cơn điên loạn của giá vàng khi vàng đã vào tập thể!

Nhưng vấn đề là bao nhiêu phần trăm dân chúng sẽ đồng ý giao vàng cho nhà nước? Bao nhiêu phần trăm trong số hàng chục triệu người tích vàng trong ống bơ từ thế hệ này qua thế hệ khác, đủ trình độ để “mở tài khoản”, thực hiện lưu ký?

Nói không quá lời rằng trong mỗi gia đình người Việt, không nhiều thì ít, đều có vàng tích trữ phòng lúc nhà có việc. Chính vì sự tích trữ sinh ra từ tâm lý, từ sự mất lòng tin, thì chỉ có thể xoá bỏ tích trữ bằng niềm tin.

Bởi nếu chỉ buộc người dân “đưa vàng vào tập thể” bằng biện pháp hành chính trong nỗi nơm nớp lo sợ sẽ rất khó để có thể thực hiện. Ai dám cam kết vàng miếng ngay ngày mai sẽ không biến thành vàng trang sức để vẫn có thể tích trữ, mua bán, khi dân chưa tin.

Mặc dù chế độ Kim bản vị (đảm bảo bằng vàng) đã được xoá bỏ từ năm 1972 nhưng các đồng tiền giấy trên thế giới- có mức độ chuyển đổi cao- được đảm bảo bằng sự ổn định kinh tế, sức mạnh tài chính và mức độ tự do của thị trường. Khi tiền VND hầu như chưa được quốc gia nào khác chấp nhận thì người dân tích trữ tài sản bằng vàng là chuyện rất dễ hiểu.

Với việc cấm kinh doanh vàng miếng, có vẻ người dân đang bị tước bớt quyền sở hữu đối với thứ kim loại quý, đồng thời là tài sản của mình- khi việc kinh doanh- bao hàm cả nghĩa mua bán, bị coi là bất hợp pháp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem