"Đừng nghĩ đến tiền, hãy nghĩ chuyển đổi số để tiến lên hay sẽ lụi tàn?"

H.Anh Thứ sáu, ngày 21/05/2021 07:02 AM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, TS. Võ Trí Thành cho hay chuyển đổi số là vấn đề sống còn của các doanh nghiệp, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở mọi nơi trên thế giới. Nhưng phải thấy rõ, chuyển đổi số doanh nghiệp là một tiến trình đầy gian lao, cũng không có đáp án sẵn cho mọi doanh nghiệp.
Bình luận 0

Chuyển đổi số, kinh tế số hiện nay đang là xu thế của toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược. Với sự xuất hiện của của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và cú hích tái bùng phát của dịch Covid-19, thế giới đang ở điểm đột phá của quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh chuyển đổi số.

Đặt trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang thực sự phải đối mặt với một thách thức lớn: "To be or not to be/Tồn tại hay không tồn tại". Trong thời đại CMCN 4.0 và "số hóa", đó cũng chính là câu hỏi: "Chuyển đổi số để tiến lên hay là sẽ lụi tàn?"

Doanh nghiệp Việt đã nhận thức được tính tất yếu của chuyển đổi số, kinh tế số hay chưa? Kinh nghiệm để doanh nghiệp chuyển đổi số thành công. Xung quanh vấn đề này, Chuyển động số của Dân Việt đã có cuộc trao đổi cùng TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương - CIEM).

TS Võ Trí Thành: Chuyển đổi số cần rất nhiều tiền là ý nghĩ không hoàn toàn đúng - Ảnh 1.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Chuyển đổi số không có đáp án sẵn cho mọi doanh nghiệp

Ông đánh giá thế nào về nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi số, kinh tế số và thực tế triển khai?

Chưa khi nào Việt Nam có khát vọng phát triển gắn với CMCN 4.0 và chuyển đổi số như hiện nay. Đặc biệt, không chỉ Chính phủ mà bản thân cộng đồng doanh nghiệp cũng dần thay đổi cách nhìn nhận về chuyển đổi số.

Tại một hội thảo diễn ra 3 năm trước, khảo sát 300 DN thì có tới 70% DN không tin vào CMCN 4.0, nhưng tại một khảo sát doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) diễn ra vào năm 2020, có tới 30% doanh nghiệp đã có đầu tư công nghệ, máy móc để chuyển đổi cách thức vận hành, sản xuất, kinh doanh.

Với sự xuất hiện của của cuộc CMCN 4.0, đa số doanh nghiệp đã tin là cần chuyển đổi số và phải làm để có thể thành công.

Điều đó cho thấy, chuyển đổi số không chỉ là nhu cầu của Chính phủ, mà còn là nhu cầu tất yếu của cộng đồng doanh nghiệp.

TS Võ Trí Thành: Chuyển đổi số cần rất nhiều tiền là không hoàn toàn đúng - Ảnh 2.

Không chỉ Chính phủ mà bản thân cộng đồng doanh nghiệp cũng dần thay đổi cách nhìn nhận về chuyển đổi số.

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt chủ yếu ở vị trí mới nhập cuộc CMCN 4.0 và chuyển đổi số. Theo điều tra năm 2018 của Bộ Công Thương, tỷ lệ này chiếm tới 82% doanh nghiệp, và có tới 16/17 ngành khảo sát đang có mức độ sẵn sàng thấp dù phần lớn có ý thức "số".

Theo Cameron và cộng sự (2019), doanh nghiệp cơ bản sẵn sàng chuyển đổi số về hạ tầng và hậu cần song ít chuẩn bị về tài chính, chiến lược và sản xuất thông minh.

Khảo sát công nghiệp chế tác trong Ueki (2019) chỉ ra rằng, 35% doanh nghiệp Việt Nam chưa có kế hoạch áp dụng ICT cho quản lý chuỗi cung ứng (Thái Lan 38%) và 77% doanh nghiệp không chia sẻ dữ liệu về hoạt động nhà máy với khách hàng hoặc nhà cung ứng (Thái Lan: 40%); mức áp dụng ICT cho giám sát sản xuất, quản lý dây chuyền cung ứng và kiểm soát chất lượng thấp.

Điều này dẫn tới việc, doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở vị trí thứ yếu trong "ăn chia" chiếc bánh doanh thu kinh tế số; trong khi đó vai trò chi phối của các tập đoàn như Samsung, Intel... là rất nổi trội.

- Những doanh nghiệp đã có ý thức "số" và bắt tay vào chuyển đổi số như ông đề cập, có phải đều có chung một "đáp án" hay không thưa ông?

Nhấn mạnh, chuyển đổi số là vấn đề sống còn của các doanh nghiệp, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở mọi nơi trên thế giới. Nhưng phải thấy rõ, chuyển đổi số doanh nghiệp là một tiến trình đầy gian lao, cũng không có đáp án sẵn cho mọi doanh nghiệp.

Thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà tại các quốc gia khác, nhiều công ty, tập đoàn theo đuổi chuyển đổi số đã thành công. Thế nhưng, không phải "cứ biết, cứ hiểu là sẽ thắng lợi".

Một minh chứng thực tế là có những doanh nghiệp như Google, Facebook, mới sinh ra trong thời chuyển đổi số, song chỉ qua một thời gian ngắn đã tiến lên chiếm lĩnh vị thế hàng đầu trên toàn cầu nhờ bắt nhịp xu thế đúng cách, đúng thời điểm, và biết tập trung nỗ lực chủ yếu vào các giá trị cốt lõi là con người và công nghệ.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lớn có lịch sử phát triển hàng trăm năm nhưng đã không bắt kịp thời "số hóa", hoặc mong muốn chuyển đổi số nhưng chưa thành công, đã tụt lại phía sau, thậm chí có nguy cơ đi tới phá sản như Sears…

Theo Tech Talk (2018), trên bình diện chung, mức độ thâm nhập của công nghệ số vào doanh nghiệp hiện chỉ là 37%. Thêm nữa, số dự án số thất bại hoặc bị hủy bỏ cũng khá phổ biến.

Cuộc khảo sát toàn cầu của Fujitsu cũng cho thấy, có tới 33% trong tổng số 1.625 lãnh đạo doanh nghiệp được phỏng vấn đã hủy bỏ ít nhất một dự án số trong vòng hai năm, với chi phí trung bình bỏ ra là 660.000 USD.

Chuyển đổi số doanh nghiệp là cả một sự đổi mới bản thân, quyết liệt, bài bản, đòi hỏi không chỉ có tư duy chiến lược với mục đích rõ ràng, mà cả những bước thực thi rất cụ thể.

Nhưng trong một khảo sát của MIT Sloan Management Review và Deloitte University Press phát hiện ra rằng, chỉ có 15% doanh nghiệp bước vào triển khai số có được kế hoạch như vậy.

Đây được xem là một trong những yêu cầu cơ bản nhất và nó lý giải vì sao không ít doanh nghiệp không thành công và thậm chí thất bại trong chuyển đổi số.

Chuyển đổi số cần rất nhiều tiền là ý nghĩ không hoàn toàn đúng

- Vậy theo kinh nghiệm của ông, muốn chuyển đổi số thành công thì doanh nghiệp cần lưu ý tới vấn đề gì?

Doanh nghiệp cần lưu ý đến 5 trụ cột khi chuyển đổi số đó là văn hóa và chiến lược kinh doanh số, gắn kết và tối ưu trải nghiệm khách hàng, tối ưu quy trình, công nghệ hóa, phân tích và quản lý dữ liệu.

Trong đó, quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp làm chuyển đổi số là văn hóa doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải xác định công nghệ quan trọng nhưng nó thay đổi liên tục, văn hóa mới là gốc của chuyển đổi số trước khi triển khai các vấn đề khác.

Và để thành công, tôi nghĩ đến 3 bài học lớn nhất ở đây.

Một là "nghĩ lớn, làm cụ thể". Nghĩa là, tầm nhìn chiến lược phải đủ dài, đủ sâu, song cần bắt đầu thực thi quyết liệt từ những việc "nhỏ", có tính sáng tạo và mức độ lan tỏa cao.

Hai là, gắn bó chuyển đổi số với chiến lược công ty. Cần hết sức coi trọng mối quan hệ mật thiết giữa chuyển đổi số với chiến lược công ty.

Một khảo sát của McKinsey từng cho thấy, 55% những người tham gia đến từ các doanh nghiệp triển khai thành công chuyển đổi số cho biết chiến lược chuyển đổi số của họ liên kết rất chặt chẽ với chiến lược kinh doanh; thậm chí họ sẵn sàng điều chỉnh chiến lược kinh doanh cho phù hợp với chuyển đổi số.

Ba là, lãnh đạo phải đi tiên phong. Lãnh đạo, giám đốc điều hành và giám đốc công nghệ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong chuyển đổi số doanh nghiệp. Chính họ là những người phải đối mặt nhiều nhất công việc/ quy trình liên quan đến kiến thức số, các xu hướng chuyển đổi, cũng như phải tham vấn với các bộ phận công nghệ và IT của doanh nghiệp.

Nhưng cũng phải nhắc đến những hỗ trợ thích hợp, thiết thực của Nhà nước rất cần thiết cho tiến trình đó. Đất nước cần tiếp thêm lửa cho những xu hướng chuyển đổi tích cực của doanh nghiệp.

- Chuyển đổi số là một quá trình tốn kém, đầu tư nhiều về tiền bạc đối với mỗi doanh nghiệp, ông có đồng tình với quan điểm này hay không?

Người ta thường nghĩ chuyển đổi số cần rất nhiều tiền là ý nghĩ không hoàn toàn đúng.

Chuyển đổi số không nhất thiết là một quá trình tốn kém, đầu tư nhiều về tiền bạc và nguồn lực. Doanh nghiệp có một cách tiếp cận là tự cấp ngân sách, tận dụng công nghệ số để tiết kiệm chi phí, sử dụng khoản tiền tiết kiệm được tái đầu tư vào chuyển đổi số, và tiếp tục vòng quay không ngừng. Một khi đã khởi động được, sẽ có quán tính thúc đẩy để tiếp tục tiến bước mà không quá tốn kém cho đầu tư mới

Hơn nữa, quan sát trên thực tế cho thấy, sản phẩm, kinh nghiệm, nguồn lao động, chất lượng nguồn nhân lực, cách thức sản xuất kinh doanh đâu là vấn đề được doanh nghiệp lựa chọn làm trước mới là quan trọng.

Nhiều doanh nghiệp bước đầu làm là sản phẩm, họ tạo ra thị phần, doanh thu từ đó họ dùng tiền đó để đầu tư.

Hiện chúng ta có thể quan sát rõ nhất là Tập đoàn Vingroup khi chuyển sang lĩnh vực mới họ không vứt bỏ các lĩnh vực cũ của mình trước đó. Bởi lĩnh vực cũ là "con gà đẻ trứng vàng", dẫu họ sản xuất ô tô nhưng họ vẫn chú trọng vào lĩnh vực bất động sản.

Hay FPT họ có thể bán hết các cửa hàng nhưng họ không bán hết bởi đó là nguồn tiền thu để FPT dùng vào việc đổi mới sáng tạo và làm công nghệ số, đó là cách mà gắn với chiến lược của doanh nghiệp.

TS Võ Trí Thành: Chuyển đổi số cần rất nhiều tiền là không hoàn toàn đúng - Ảnh 5.

Hình ảnh sản xuất tại nhà máy VinFast

Sẽ không "lỡ nhịp" lần nữa khi có sự vào cuộc mạnh mẽ

- Ở tầm vĩ mô hơn, Việt Nam xem CMCN 4.0 và chuyển đổi số như một cơ hội lịch sử để tạo bứt phá phát triển, "bắt kịp" và "tiến cùng" thời đại. Việt Nam liệu có bỏ lỡ cơ hội này không?

Thực tế là từ sau khi thống nhất đất nước năm 1975, Việt Nam đã hai lần nhấn mạnh vai trò then chốt của khoa học kỹ thuật và công nghệ song không thể thực hiện thành công.

Không đổi mới mạnh mẽ về tư duy, thiếu quyết tâm chính trị cao, Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội vàng phát triển và tụt hậu xa hơn.

Lý do cơ bản là Việt Nam, dù nhận diện thời cơ nhanh và đúng, song chỉ dừng lại ở nhận thức, không quyết liệt triển khai hành động, với cách thức chuẩn bị phù hợp trong chuyển hóa các điều kiện và năng lực thực tiễn, đặc biệt là năng lực thể chế, để vượt qua thách thức và thúc đẩy phát triển.

Con đường xa nhất vẫn là từ lời nói đến việc làm. Vì vậy, tuy có tiến lên, đất nước vẫn không thực sự bắt nhịp được vào quỹ đạo phát triển mới của thế giới.

Lần này, trước vận hội lớn của CMCN 4.0, ý chí chính trị của Việt Nam đã và đang được chuyển hóa thành phương hướng chiến lược và các chương trình hành động quốc gia. Chúng ta cũng đã thu được những kết quả tích cực nhất định. Nhưng, cách thức triển khai công cuộc "tiến công" vào CMCN 4.0 còn ít nhiều mang tính "phong trào".

Dù vậy, chúng ta sẽ không "lỡ nhịp" lần nữa khi có sự vào cuộc mạnh mẽ của lãnh đạo các cấp, đặc biệt là của người đứng đầu, sự "đau đáu" trong nghĩ suy và quyết liệt trên thực tế khi nói về phát triển, về chuyển đổi số. Vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu phải được đề cao hơn bao giờ hết. Đây là điểm quan trọng.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem