Được làm giám đốc, được trao vốn tiền tỷ, nông dân xứ Quảng phất lên như "diều gặp gió"

Trương Hồng Thứ tư, ngày 18/05/2022 15:06 PM (GMT+7)
Nhiều cán bộ, hội viên nông dân ở Quảng Nam không chỉ được bầu giữ các chức vụ quan trọng như Giám đốc, Phó giám đốc Hợp tác xã, Tổ hợp tác mà còn được “bơm vốn” kịp thời, trao cần câu để vươn xa “câu cá lớn” vươn lên làm giàu.
Bình luận 0

Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam là huyện Nông thôn mới (NTM) đầu tiên của tỉnh Quảng Nam, đây cũng là huyện điểm. Đối với Phú Ninh, mục tiêu chính trong xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Xây dựng NTM mà nơi nào đời sống nông dân không được nâng lên thì nơi đó xem như chưa thành công và vai trò chủ thể của nông dân chưa được phát huy.

Được làm giám đốc, được trao vốn tiền tỷ, nông dân xứ Quảng phất lên như diều gặp gió - Ảnh 1.

Trung tâm hành chính huyện Phú Ninh khởi sắc sau khi có chủ trương xây dựng huyện điểm NTM (Ảnh: T.H)

Do vậy, trong thời gian qua, Hội Nông dân huyện Phú Ninh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập. 

Ông Võ Thanh Anh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam cho biết: Đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm để đánh giá công tác Hội và phong trào nông dân tại địa phương. Trên cơ sở đó, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo hướng dẫn và cử cán bộ tham gia sinh hoạt tại các chi Hội nông dân thôn, khối phố để khảo sát, tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của hội viên nông dân; đồng thời phối hợp đồng bộ với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương.

Khi cán bộ, hội viên nông dân làm Giám đốc

Ông Võ Thanh Anh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam cho biết: Hội Nông dân huyện Phú Ninh đã hướng dẫn thành lập các Chi, Tổ hội nghề nghiệp để phát triển sản xuất. Có thể kể đến việc thành lập chi hội chăn nuôi ở thôn Hòa Bình, xã Tam Thái gồm 18 hội viên gắn với tập huấn kỹ thuật, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm chăn nuôi và hướng dẫn hội viên chi Hội vay vốn ưu đãi từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Liên Việt để đầu tư chuồng trại và con giống; từng bước hình thành chuỗi liên kết chăn nuôi bò chất lượng cao...

Được làm giám đốc, được trao vốn tiền tỷ, nông dân xứ Quảng phất lên như diều gặp gió - Ảnh 2.

Ông Võ Thanh Anh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam kiểm tra cánh đồng lúa đen của nông dân địa bàn (Ảnh: T.H)

Trên cơ sở các Chi, Tổ hội nghề nghiệp, Hội đã hướng dẫn thành lập các Hợp tác xã mà giám đốc, phó giám đốc là cán bộ nòng cốt từ các Chi hội nông dân. Từ đó Hội Nông dân huyện, Hội Nông dân xã chỉ đạo và phối hợp triển khai các chuỗi liên kết giá trị, nâng cao thu nhập cho nông dân. Điển hình như HTX Nông Lâm nghiệp Phú Ninh do Hội Nông dân huyện trực tiếp chỉ đạo để từng bước hỗ trợ nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị và cung ứng các loại cây giống chất lượng cho nông dân phát triển kinh tế.

HTX Nông nghiệp & Kinh doanh tổng hợp Đại Phát do Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp làm giám đốc, HTX Nông nghiệp Tâm Đức Phú do Chi hội trưởng thôn Đàn Thượng làm giám đốc…

Được làm giám đốc, được trao vốn tiền tỷ, nông dân xứ Quảng phất lên như diều gặp gió - Ảnh 3.

Nhiều sản phẩm của nông dân Phú Ninh sản xuất ra được đăng ký nhãn mác, bảng quyền nhằm khẳng định vị thế của ngành nông nghiệp tại địa phương (Ảnh: T.H)

"Trên cơ sở các HTX, THT do Hội Nông dân huyện hướng dẫn thành lập, Hội đã chỉ đạo và phối hợp xây dựng các mô hình phát triển sản xuất và từng bước nhân rộng.

Hội đã chỉ đạo HTX Nông lâm nghiệp Phú ninh triển khai mô hình trồng ớt cao sản SV433 của Ấn Độ, hỗ trợ 40.000 cây giống cho 22 hội viên nông dân xã Tam Thành trồng 2 ha ớt theo chuỗi giá trị và đã liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con.

Hiện nay đã cho thu hoạch và dự kiến thu nhập bình quân 400 triệu/ha. Hiện nay, HTX đã ký kết các Hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Trân Châu tại TP. HCM để sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu và đang phối hợp ươm 500.000 cây giống quế cao sản để thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất trồng keo.

Các hội viên nông dân đã đăng ký chuyển đổi 20ha đất trồng keo sang trồng quế xuất khẩu trong năm 2022. Thu nhập dự kiến gấp 15 lần so với trồng keo…", ông Anh nhấn mạnh.

Được làm giám đốc, được trao vốn tiền tỷ, nông dân xứ Quảng phất lên như diều gặp gió - Ảnh 4.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường trong một lần thăm quan mô hình sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Phú Ninh tham gia hội chợ trưng bày sản phẩm OCOP (Ảnh: T.L)

Cũng theo ông Võ Thanh Anh, trong vụ đông xuân 2021 - 2022, HTX cùng với Hội Nông dân huyện xây dựng mô hình sản xuất 1ha gạo chất lượng cao ST25. Thu nhập bình quân tăng gấp 1,5 lần so với lúa thường. Hiện nay HTX đang nhân rộng trong vụ hè thu và xây dựng sản phẩm OCOP 3 sao gắn với xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong thời gian đến.

Được làm giám đốc, được trao vốn tiền tỷ, nông dân xứ Quảng phất lên như diều gặp gió - Ảnh 5.

Một mô hình chăn nuôi heo rừng của nông dân Phú Ninh (Ảnh: T.H)

Bên cạnh đó, Hội đã phối hợp với HTX Tâm Đức Phú vận động hội viên Tam Lãnh tham gia chuổi liên kết heo đen bản địa với sự tham gia 39 hộ số lượng 318 con. Kết quả đến nay mô hình đã cho hiệu quả kinh tế rất cao. Thu nhập bình quân từ 30 triệu đến 40 triệu đồng/hộ/tháng. Từ 39 hộ nuôi theo chuỗi đến nay đã nhân rộng trên 100 hộ. Tổng đàn heo đen bản địa của Phú ninh hiện nay gần 4.500 con…

Trao cần câu bằng cách "bơm vốn" cho nông dân

Ông Võ Thanh Anh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Ninh cho biết thêm: "Các chương trình hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất, phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, nhu cầu thiết thực của hội viên nông dân, phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương.

Đặc biệt, có mối quan hệ mật thiết trong vận động và tập hợp lực lượng nông dân. Những nội dung hỗ trợ đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân thì sẽ tập hợp được lực lượng và phong trào ngày càng mạnh mẽ và ngược lại.

Qua đó, thời gian qua Hội Nông dân huyện Phú Ninh đã phối hợp với nhiều đơn vị, doanh nghiệp, ngân hàng hỗ trợ nguồn vốn cho nông dân trên địa bàn, việc này như trao cần câu cho nông dân vươn xa "câu cá lớn" để ổn định cuộc sống".

Được làm giám đốc, được trao vốn tiền tỷ, nông dân xứ Quảng phất lên như diều gặp gió - Ảnh 6.

Nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi trên địa bàn huyện Phú Ninh được hỗ trợ vốn để phát triển (Ảnh: T.H)

Theo đó, Hội Nông dân Phú Ninh đã phối hợp với Trung dạy nghề & Hỗ trợ nông dân tỉnh triển khai thực hiện tốt các chương trình dịch vụ hỗ trợ nông dân như xây dựng 3 điểm cung ứng giống cây ăn quả tại xã Tam Thái, Tam Phước, Tam Lộc. Hằng năm, cung ứng gần 10.000 cây giống ăn quả đảm bảo chất lượng cho nông dân cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn gắn với tổ chức các lớp dạy nghề trồng cây ăn quả, chăn nuôi.

Được làm giám đốc, được trao vốn tiền tỷ, nông dân xứ Quảng phất lên như diều gặp gió - Ảnh 7.

Nông dân Phú Ninh đầu tư máy móc hiện đại để phục vụ vào sản xuất nông nghiệp (Ảnh: T.H)

Bên cạnh đó, mỗi năm triển khai dạy nghề cho nông dân gần 10 lớp. Đồng thời trong năm qua, Hội Nông dân đã tổ chức thực hiện tốt chương trình cung ứng phân bón trả chậm để giúp cho các hộ nông dân phát triển sản xuất trong điều kiện nông dân đang gặp khó khăn về giá cả đầu vào tăng cao. 

Riêng vụ Đông Xuân 2021-2022 đã cung ứng 400 tấn phân các loại đảm bảo chất lượng, cây trồng phát triển tốt, giá thành thấp hơn các loại phân bán trên thị trường. Nâng số lượng phân bón trả chậm lên gấp cả chục lần so với trước đây.

Được làm giám đốc, được trao vốn tiền tỷ, nông dân xứ Quảng phất lên như diều gặp gió - Ảnh 8.

Hội Nông dân huyện Phú Ninh phối hợp với Trung dạy nghề & Hỗ trợ nông dân tỉnh triển khai thực hiện tốt các chương trình dịch vụ hỗ trợ nông dân như xây dựng 3 điểm cung ứng giống cây ăn quả tại xã Tam Thái, Tam Phước, Tam Lộc (Ảnh: T.H)

Đối với việc phát triển kinh tế cần phải có nguồn vốn mới mạnh dạng đầu tư và để nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, thì nguồn vốn cũng hết sức cần thiết. Do đó, Hội đã huy động nhiều nguồn vốn hỗ trợ cho nông dân, hằng năm ngân sách huyện, ngân sách xã và các nguồn huy động khác đều tăng nguồn vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện. Trong năm qua, gần 20 dự án vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng.

Được làm giám đốc, được trao vốn tiền tỷ, nông dân xứ Quảng phất lên như diều gặp gió - Ảnh 9.

Được làm giám đốc, được trao vốn tiền tỷ, nông dân xứ Quảng phất lên như diều gặp gió - Ảnh 10.

Nhiều mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại đã giúp nông dân Phú Ninh ổn định cuộc sống, phất lên làm giàu (Ảnh: H.C)

Bên cạnh đó, Hội đã ký kết hợp tác với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt hỗ trợ và bảo lãnh cho 65 nông dân vay không thế chấp với số tiền gần 7 tỷ đồng. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện theo dõi, quản lý tốt nguồn vốn vay, đến nay tổng dư nợ qua Hội Nông dân trên 90,647 tỷ đồng. Đã giải ngân gần 25 tỷ đồng cho nông dân vay từ nguồn vốn giải quyết việc làm để đầu tư sản xuất kinh doanh.

Được làm giám đốc, được trao vốn tiền tỷ, nông dân xứ Quảng phất lên như diều gặp gió - Ảnh 11.

Nhờ vào các chính sách kèm sự hỗ trợ, tuyên truyền quyết liệt của giai cấp Hội Nông dân, bộ mặt nông thôn ở huyện Phú Ninh khởi sắc nhờ xây dựng NTM (Ảnh: T.H)

"Qua các chương trình này đã giúp nông dân trên địa bàn huyện tiếp cận nguồn vốn tín chấp từ ngân hàng thương mại, hạn chế nạn tín dụng đen ở nông thôn, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập.

Với các giải pháp, các chương trình hỗ trợ trên, đã tác động rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế của nông dân. Số hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp hằng năm không ngừng tăng lên. Đời sống của nông dân không ngừng cải thiện, góp phần quan trọng để hoàn thành các tiêu chí xã, huyện NTM", ông Anh chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem