Đường bay Việt Nam - Trung Quốc ảnh hưởng tới hàng không ra sao?

Thế Anh Thứ bảy, ngày 25/02/2023 10:50 AM (GMT+7)
Theo các chuyên gia, tốc độ phục hồi ngành hàng không còn phụ thuộc vào mức độ, lộ trình mở cửa rộng rãi của Trung Quốc và một số quốc gia khác.
Bình luận 0

Thị trường Trung Quốc chiếm thị phần rất lớn của hàng không Việt Nam

Cục Hàng không Việt Nam quyết định và yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam lùi thời hạn khai thác chuyến bay tới Trung Quốc đến cuối tháng 4 hoặc sang tháng 5/2023. Việc mở lại đường bay tới Trung Quốc phải chờ các quyết định tiếp theo của Trung Quốc về việc cho phép khách du lịch đến Việt Nam khiến cho tiến độ phục hồi của ngành hàng không Việt Nam gặp khó khăn.

Đánh giá về thị trường hàng không đang hoạt động, ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) cho rằng: "Dù hàng không Việt Nam có nhiều khó khăn và phải đối mặt với những thách thức lớn, nhưng vẫn có những cơ hội để phục hồi".

Đường bay Việt Nam - Trung Quốc ảnh hưởng tới hàng không ra sao? - Ảnh 1.

Đường bay Việt Nam - Trung Quốc chưa mở lại ảnh hưởng lớn tới tiến độ phục hồi của các hãng hàng không. Ảnh: VNA

"Hàng không Việt Nam phát triển khi có thị trường nội địa có tiềm năng và có cơ hội khai thác những thị trường quốc tế có dung lượng lớn", ông Nề đánh giá.

Theo ông Nề, khi hàng không quốc tế chậm phục hồi, hàng không Việt Nam có cơ hội khai thác thị trường trong nước như một bước đệm, giai đoạn 'chạy đà' trở lại để mau chóng phục hồi các hoạt động trên thị trường quốc tế khi các giãn cách được xóa bỏ.

Tuy nhiên, để phục hồi và phát triển trở lại, ngành hàng không cần sớm mở lại thị trường hàng không quốc tế. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm thị phần rất lớn trong tổng số doanh thu của các hãng hàng không. Việc Trung Quốc chậm mở cửa, các đường bay phải lùi thời hạn hoạt động trở lại ảnh hưởng tới kế hoạch phục hồi của ngành hàng không.

Trong khi đó, ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng: "Việc mở lại thị trường vận tải hàng không năm 2022 đã giúp doanh thu vận tải hành khách phục hồi nhanh chóng".

Ông Lực cho hay: "Tốc độ phục hồi ngành hàng không còn phụ thuộc vào mức độ và lộ trình mở cửa rộng rãi của Trung Quốc và một số quốc gia khác".

"Việc nối lại hoạt động du lịch, đi lại bằng đường hàng không tới Trung Quốc và các nước sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu toàn ngành năm 2023", ông Lực nhìn nhận vấn đề.

Đường bay Việt Nam - Trung Quốc ảnh hưởng tới hàng không ra sao? - Ảnh 2.

Ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đông tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. Ảnh: P.H

Hàng không Việt Nam có triển vọng tăng trưởng

Ông Lực cũng chỉ ra cơ hội trước mắt với hãng hàng không Việt khi năm 2023 triển vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt (dự báo ở mức 6-6,5%, so với thế giới khoảng 2%).

Cùng với đó, lượng khách du lịch dự báo sẽ phục hồi trở lại mức trước dịch; nhu cầu về vận tải hàng hóa tăng cao; giá nhiên liệu dự báo sẽ giảm so với năm 2022; tỷ giá và lãi suất tại Việt Nam cơ bản ổn định. Về trung và dài hạn, ngành hàng không có nhiều tiềm năng phát triển… được kỳ vọng hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vượt qua khó khăn trong năm 2023.

Là hãng hàng không đã chuẩn bị các phương án, kế hoạch để sớm mở lại đường bay tới Trung Quốc, ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng giám Vietnam Airlines cho biết: "Thị trường hàng không quốc tế đóng góp 40% sản lượng khách, 60% doanh thu và nội địa là ngược lại".

"Khi các đường bay quốc tế, đặc biệt là đường bay tới Trung Quốc và các nước khác chưa mở lại, có nghĩa là hàng không chưa hoàn toàn phục hồi", ông Thành khẳng định.

Theo ông Thành, ngày 8/1/2023 vừa qua, Trung Quốc chưa đưa Việt Nam vào 20 quốc gia cấp visa theo đoàn. Nhật Bản và Hàn cũng đang siết lượng khách. Đến nay, kế hoạch mở lại đường bay giữa Việt Nam - Trung Quốc vẫn còn bỏ ngỏ khiến cho đà phục hồi bị ảnh hưởng, bởi thị trường hàng không Trung Quốc chiếm tỷ lệ doanh thu lớn đối với hãng.

Đường bay Việt Nam - Trung Quốc ảnh hưởng tới hàng không ra sao? - Ảnh 3.

Hành khách quốc tế tham khảo các chuyến bay tại sân bay Nội Bài. Ảnh: NIA

Theo Cục Hàng không Việt Nam, năm 2019 (trước dịch Covid-19), thị trường hàng không Việt Nam - Trung Quốc có 14 hãng hàng không hai nước khai thác.

Việt Nam có 4 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, và Vietjet Air khai thác 72 đường bay từ 5 điểm tại Việt Nam (Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc và Nha Trang) đến 48 điểm tại Trung Quốc với tổng tần suất đạt 276 chuyến/chiều/tuần thường lệ và 145 chuyến/tuần/chiều không thường lệ (tổng cộng 421 chuyến/tuần).

"Sản lượng vận chuyển năm 2019 đạt xấp xỉ 8 triệu khách, trong đó các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển đạt trên 4,6 triệu khách, chiếm trên 60% thị phần", Cục Hàng không Việt Nam cho biết.

Cục Hàng không Việt Nam đánh giá Trung Quốc là thị trường quốc tế lớn thứ 2 của Việt Nam (chỉ đứng sau thị trường Hàn Quốc) với lượng hành khách đi lại phần lớn là khách du lịch.

Giữa tháng 2/2023, ngành du lịch Trung Quốc công bố mở lại tour du lịch đến 20 quốc gia, nhưng Việt Nam không có tên trong danh sách này. Điều này được đánh giá đã làm chậm kế hoạch khai thác của các hãng hàng không Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem