Đường ống dẫn khí đốt của Nga vào châu Âu có thể sẽ cạn kiệt trong tháng 5?

Lê Phương (Express) Thứ năm, ngày 21/04/2022 08:51 AM (GMT+7)
Gazprom, tập đoàn năng lượng thuộc sở hữu nhà nước của Nga, không đặt thêm công suất vận chuyển khí đốt đến Ba Lan thông qua đường ống dẫn khí Yamal - châu Âu vào tháng 5, theo dữ liệu từ sàn giao dịch GSA.
Bình luận 0
Đường ống dẫn khí đốt của Nga vào châu Âu có thể sẽ cạn kiệt trong tháng 5? - Ảnh 1.

Đường ống Yamal - châu Âu là một tuyến đường chính để xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu. Ảnh: AP

Đường ống Yamal - châu Âu là một hệ thống dài 4.107km, có nhiệm vụ chuyển khí đốt tự nhiên của Nga đến Ba Lan và Đức qua Belarus. Tính đến hôm 19/4, khí đốt vẫn đang chảy qua đường ống, với các dòng chảy được cho là đã tăng theo hướng đông từ Đức vào Ba Lan theo các hợp đồng hiện có.

Nhưng tháng tới có thể là một câu chuyện khác, đây có thể là một nỗi lo lớn đối với Đức vì nước này phụ thuộc rất nhiều vào Nga với 1/3 nhu cầu khí đốt của mình.

Châu Âu nhìn chung nhận khoảng 40% khí đốt từ Nga. Hiện khối vẫn đang theo dõi sát sao việc trừng phạt các lĩnh vực dầu khí của Nga trong suốt nhiều tuần.

Vào tháng trước, Nga cảnh báo rằng nếu "các quốc gia không thân thiện" không trả tiền mua khí đốt bằng đồng rúp, họ sẽ bị cắt nguồn cung.

Các lệnh trừng phạt đã và đang làm tê liệt nền kinh tế Nga, rất nhiều nhà tài phiệt, ngân hàng trung ương và những ngân hàng có liên hệ với Điện Kremlin đều là mục tiêu.

Đáp lại những động thái từ phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin tỏ ra "tức giận" và yêu cầu những người mua khí đốt của Nga "cần mở tài khoản bằng đồng rúp trong các ngân hàng của Nga".

Ông nói: "Thời hạn thanh toán bắt đầu từ ngày 1/4. Nếu các khoản thanh toán không được trả đầy đủ, chúng tôi sẽ coi đây là hành vi không tuân thủ các nghĩa vụ".

Tuy nhiên sau đó, nhiều nước phương Tây đã từ chối yêu cầu. Tổng thống Nga đồng ý tiếp tục cung cấp cho khách hàng theo các hợp đồng hiện có ngay cả khi họ không thanh toán bằng đồng rúp.

Ông nói: "Tất nhiên, Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt tự nhiên theo khối lượng và giá cả đã được ấn định trong các hợp đồng ký kết từ trước. Đây là một thủ tục thanh toán dễ hiểu và minh bạch đối với tất cả người mua nước ngoài, bao gồm cả việc mua đồng rúp của Nga trên thị trường nội tệ của chúng tôi".

Mặc dù vậy, với việc không đặt thêm công suất vận chuyển khí đốt trong tháng tới, có vẻ như ông Putin sẽ giữ nguyên lời cảnh báo ban đầu của mình.

Trước đây, Nga được cho là đã cắt khí đốt của châu Âu, cũng như đường ống Yamal - châu Âu.

Trong vài tháng, dòng khí đốt chạy qua hệ thống đã đi ngược lại về phía Đông, khiến giá khí đốt của châu Âu tăng vọt.

EU hiện đang chuẩn bị tuyên bố lệnh cấm khí đốt từ Nga, thế nhưng Đức dường như tỏ ra phản đối.

Tại Đức, giới chủ và các tổ chức công đoàn đã thống nhất phản đối lệnh cấm nhập khẩu ngay lập tức khí đốt tự nhiên của Nga.

Chính phủ Đức cũng cảnh báo EU rằng việc cấm khí đốt có thể gây ra thảm họa kinh tế.

Phó Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Kinh tế của Đức, Robert Habeck, cho biết: "Chúng tôi đang làm việc mỗi ngày để tạo ra các điều kiện tiên quyết và mở đường cho lệnh cấm vận. Theo quan điểm của chính phủ liên bang, cũng như theo quan điểm của riêng tôi, việc này cần được thực hiện một cách từ từ và đúng lộ trình".

Ở một diễn biến khác, Ba Lan cho biết họ sẵn sàng cho lệnh cấm.

Tháng trước, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết: "Trong 5 năm qua, chúng tôi đã xây dựng đường ống dẫn khí Baltic tới Na Uy và trong sáu tháng tới, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, chúng tôi sẽ không cần dựa vào khí đốt của Nga".

EU vẫn chưa cấm vận khí đốt của Nga, tuy nhiên liên minh đã cam kết cắt giảm nhập khẩu lượng dầu và khí đốt tới 2/3 vào cuối năm nay.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen chỉ ra rằng các lệnh trừng phạt sắp tới đối với Nga sẽ nhằm vào các ngân hàng, cũng như dầu mỏ của Moscow.

Lệnh cấm đối với dầu mỏ của Nga có thể khiến Moscow bị thiệt hại hàng tỷ USD, vì khối này đã chuyển cho ông Putin một khoản tiền đáng kinh ngạc trị giá 52,5 tỷ USD cho dầu thô và 24,3 tỷ USD cho các loại dầu mỏ không phải dầu thô vào năm 2021.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem