Đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị "tuýt còi", Bộ Giao thông Vận tải nói gì?

Thế Anh Thứ ba, ngày 15/12/2020 17:50 PM (GMT+7)
Trước thông tin tư vấn Pháp "tuýt còi" tàu Cát Linh - Hà Đông sau vận hành chạy thử toàn tuyến và cho rằng không an toàn cho hành khách, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông đã lên tiếng thông tin tới báo chí: "Bộ GTVT chưa nhận được báo cáo về vấn đề này".
Bình luận 0

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị tư vấn Pháp "tuýt còi"

Cụ thể, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã vận hành chạy tất cả 13 đoàn tàu của dự án để kiểm tra các thông số kỹ thuật, kết nối liên hợp. Việc chạy thử đường sắt Cát Linh - Hà Đông có sự giám sát chặt chẽ của nhiều bên. Trong đó, quá trình tàu Cát Linh - Hà Đông vận hành đã được các bên đưa ra nhiều tình huống giả định được đặt ra và yêu cầu có phương án giải quyết ngay, đặc biệt là vấn đề an toàn.

Trong quá trình tàu Cát Linh - Hà Đông chạy toàn tuyến, Tổng thầu Trung Quốc đã bị tư vấn Pháp "tuýt còi" với lý do khi đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông đang vận hành tư vấn Pháp đưa ra tình huống cháy xảy ra ở giữa tàu để đơn vị vận hành xử lý.

Tuy nhiên, Tổng thầu Trung Quốc - lực lượng vận hành không được bấm nút báo động để bơm khí tươi vào, vì đại diện tổng thầu giải thích rằng, khi cháy mà bơm khí tươi vào sẽ làm ngọn lửa bùng cháy thêm (hư hại tàu).

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị "tuýt còi", Bộ GTVT nói gì? - Ảnh 1.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Trước những thông tin tàu Cát Linh - Hà Đông không đảm bảo an toàn cho hành khách khi xảy ra sự cố cháy nổ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông đã lên tiếng thông tin tới báo chí: "Bộ GTVT chưa nhận được báo cáo về vấn đề này".

Theo Thứ trưởng Đông, khi tàu Cát Linh - Hà Đông vận hành thử nghiệm các bến sẽ đưa ra nhiều tình huống giả định để tìm ra các phương án giải quyết và khắc phục sự cố...

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị "tuýt còi", Bộ GTVT nói gì? - Ảnh 2.

Bên trong khoang lái tàu Cát Linh - Hà Đông.

Vận hành thử nghiệm tàu Cát Linh - Hà Đông là bình thường

Về vấn đề bảo vệ an toàn tính mạng con người, Thứ trưởng Đông cho biết, quá trình khai thác vận hành, ngay trên đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông, đường ray, nhà ga đều được đặt ra. Vì vậy, việc vận hành thử nghiệm được thực hiện trong nhiều ngày để có đánh giá kỹ lưỡng, không phải chỉ thử nghiệm vài ngày có thể đánh giá được toàn bộ hệ thống.

Đánh giá về việc đảm bảo an toàn hành khách, Thứ trưởng Đông cho rằng, quá trình tàu Cát Linh - Hà Đông vận hành có nhiều việc phải làm, phải đánh giá, xử lý và thống nhất. Do đó, có nhiều ý kiến khác trong khi đánh giá là bình thường, quan trọng là khi kết luận các bên thống nhất được phương án cuối cùng.

Về nội dung Tư vấn Pháp "tuýt còi" Tổng thầu Trung Quốc do yếu tố không tôn trọng đảm bảo tính mạng con người, Thứ trưởng Đông cho rằng, nhận định này không có cơ sở, vì khi đánh giá đều phải tuân thủ theo tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định...

Về nguyên tắc, việc vận hành phải tuân thủ quy trình chặt chẽ để đảm bảo an toàn khai thác, an toàn cho hành khách và phương tiện, chứ không phải là quan tâm tới con người hơn hay phương tiện hơn.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tuyến chính dài hơn 13km đi trên cao, 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở hơn 900 người, vận tốc thiết kế 80km/giờ và vận tốc khai thác thương mại trung bình 35km/giờ. Khi khai thác, các đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ dừng khoảng 30 giây để hành khách lên xuống và tần suất đoàn tàu đến ga khoảng 6-7 phút/chuyến, giờ cao điểm có thể 2-3 phút/chuyến.

Quá trình vận hành thử từ ngày 12/12, tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ chạy thử mỗi ngày sẽ có 287 lượt tàu chạy; giờ cao điểm từ 5-6 phút/lượt; giờ bình thường 10 phút/lượt; bắt đầu vận hành từ 5 giờ sáng đến 23 giờ đêm, theo đúng lịch trình khai thác thương mại.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị "tuýt còi", Bộ GTVT nói gì? - Ảnh 3.

Đường ray dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Mỗi chuyến tàu sẽ có chuyên gia của Tổng thầu, đơn vị nghiệm thu cùng đi để ghi nhận, đánh giá. Riêng Hà Nội Metro đã huy động toàn bộ cán bộ, công nhân viên, khoảng 700 người lên tuyến làm việc, một số bộ phận kỹ thuật, an toàn, bảo vệ sẽ làm việc 3 ca, đảm bảo ứng trực 24/24 giờ.

Sau thời gian vận hành thử, nếu đạt các yêu cầu kỹ thuật, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ được nghiệm thu và bàn giao cho thành phố Hà Nội, sau đó chuyển giao cho Hà Nội Metro quản lý, vận hành, khai thác.

Theo dự kiến trước đây, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành thử hệ thống vào đầu năm 2020 (sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán), tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên Tổng thầu chưa thể huy động được đầy đủ nhân sự sang Việt Nam, dẫn đến khó khăn trong công tác hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, căn chỉnh các chuyên ngành kỹ thuật thành phần để vận hành thử toàn hệ thống.

Để dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông khai thác vận hành chính thức cần phải được các cơ quan chức năng đánh giá và cấp chứng nhận an toàn hệ thống (do Cục Đăng kiểm VN cấp), nghiệm thu nhà nước, đề nghị cấp chứng chỉ hoàn thành công trình, bàn giao nguyên trạng dự án cho Hà Nội và UBND TP Hà Nội có quyết định đưa hệ thống đường sắt trên vào khai thác, vận hành.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem