Đường sắt có thể dừng chạy tàu vì vướng mắc chuyển đơn vị chủ quản?

Minh Hiếu Thứ tư, ngày 19/02/2020 11:30 AM (GMT+7)
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá toàn diện những ưu điểm và nhược điểm của đề xuất chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về lại Bộ GTVT quản lý đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Bình luận 0

Trong văn bản của Văn phòng Chính phủ gửi tới Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu hai cơ quan này đánh giá toàn diện những ưu điểm và nhược điểm của đề xuất này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án sắp xếp vào đầu tháng 3/2020.

img

Đường sắt Việt Nam gặp khó khăn về bảo trì hạ tầng. (Ảnh: Thế Anh)

Trên thực tế, sau khi được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) gặp nhiều khó khăn khi không được giao dự toán ngân sách cho bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt hay quản lý vốn nên đã thiếu tính chủ động và phá vỡ điều hành tập trung thống nhất trong đảm bảo an toàn, chạy tàu thông suốt và có thể dẫn tới khả năng phải dừng chạy tàu.

Theo lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, khó khăn lớn nhất chính là việc quản lý, bảo trì hạ tầng đường sắt. Lý do được nêu ra là bởi VNR không còn là đơn vị trực thuộc Bộ GTVT nên không phù hợp với khoản 1 Điều 49 Luật Ngân sách Nhà nước khi quy định phải giao dự toán chi ngân sách Nhà nước cho đơn vị trực thuộc Bộ GTVT.

Từ khi VNR được chuyển đơn vị chủ quản, Bộ GTVT đã có quyết định giao Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức triển khai dự toán chi ngân sách Nhà nước để thực hiên công tác quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt Quốc gia. Tuy nhiên, việc quản lý này gặp nhiều khó khăn do Cục Đường sắt không đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ này bởi không có đủ nhân sự để tổ chức quản lý, triển khai, thực hiện dự toán và quản lý chất lượng bảo trì công trình xây dựng.

Đặc biệt, là không có quy định pháp luật nào phù hợp để Cục Đường sắt ký hơp đồng đặt hàng với VNR do Tổng công ty chỉ có chức năng tổ chức quản lý tài sản và quản lý công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt (chủ đầu tư), chức năng thực hiện bảo trì (nhà thầu) là 20 Công ty cổ phần do Tổng công ty nắm giữ cổ phần chi phối.

Đáng chú ý, trong trường hợp Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ký hợp đồng đặt hàng cũng không thể ký tiếp hợp đồng với các Công ty CP đường sắt do Luật Đấu thầu và Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dich vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, không có quy định về trường hợp đơn vị nhận đặt hàng (nhà thầu) được phép ký lại toàn bộ khối lượng hợp đồng đặt hàng cho các đơn vị khác tiếp theo.

Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng: “Do nguồn kinh phí mới đáp ứng đươc 40% định mức kinh tế -kỹ thuật nên cũng không thể tổ chức đấu thầu để lựa chọn các nhà thầu khác theo quy định của pháp luật do đặc thù quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt tại khu vực”.                                            

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem