Đường Vành đai 4 Hà Nội: Cuộc đua của "nhà giàu" xin rót tiền, ai về đích?

Thế Anh Thứ sáu, ngày 01/10/2021 11:35 AM (GMT+7)
Dự án đường Vành đai 4 Hà Nội đã thu hút được các doanh nghiệp "lớn" muốn "rót" tiền, đề xuất các phương án đầu tư xây dựng.
Bình luận 0

Dự án đường Vành đai 4 TP.Hà Nội là một trong những dự án giao thông trọng điểm của vùng Thủ đô trong giai đoạn tới, Bộ GTVT và UBND TP.Hà Nội đang phối hợp để sớm hoàn thiện báo cáo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án này.

Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội gửi tới UBND TP.Hà Nội về tổng quan dự án, hình thức đầu tư, nguồn vốn đầu tư. Về vốn đầu tư toàn tuyến Vành đai 4, phương án 1, đường đi bằng kết hợp làn cao tốc đi trên cao với 4 làn xe sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 105.000 tỷ đồng.

Phương án 2, đường đi trên cao, hệ thống đường gom và đường sắt đô thị đi như phương án 1, cần tổng vốn khoảng 135.000 tỷ đồng.

Đường Vành đai 4 Hà Nội: Vingroup đề xuất phương án rẻ hơn 36.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Chi tiết quy hoạch đường vành đai 4 - vùng thủ đô. Đồ hoạ: Việt Anh

Về thiết kế dự án vành đai 4 do Bộ GTVT lập và các điều chỉnh về sau, hiện tuyến đường vành đai 4 đã có 4 nhà đầu tư đề xuất được thực hiện dự án theo từng phân đoạn.

Trao đổi với PV Dân Việt, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết: "Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ giao TP.Hà Nội là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án này".

Vị này cho biết thêm: "Để sớm hoàn thiện các phương án đầu tư dự án đường Vành đai 4 TP.Hà Nội, Bộ GTVT đang phối hợp với TP.Hà Nội đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án".

"Hiện nay, dự án Vành đai 4 này đã có một số doanh nghiệp lớn đề xuất các phương án đầu tư và lập hồ sơ triển khai, tuy nhiên, đây chỉ là các đề xuất, cần phải có hội đồng thẩm định, đánh giá một cách tổng thể về dự án", đại diện Bộ GTVT cho hay.

Để làm rõ hơn về phương án đầu tư dự án đường Vành đai 4 Hà Nội, trao đổi với PV Dân Việt, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cho biết: "Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 đang TP.Hà Nội nghiên cứu xem xét các phương án đầu tư. Hiện nay, đơn vị chủ trì dự án này là Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội".

Đường Vành đai 4 Hà Nội: Vingroup đề xuất phương án rẻ hơn 36.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Đường Vành đai 4 Hà Nội sẽ kết nối với các tuyến cao tốc. Ảnh: Dân Việt

Dự án đường Vành đai 4 Hà Nội cũng đã thu hút được các doanh nghiệp "lớn" muốn rót tiền đầu tư vào dự án này gồm có Công ty CP Tập đoàn T&T đề xuất đầu tư 2 đoạn, gồm từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến QL32 và từ QL32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tổng mức đầu tư được lập trước đây cho 2 đoạn này là 16.200 tỷ đồng.

Liên danh Công ty CP đầu tư xây dựng công trình giao thông Phương Thành – Công ty PTHT Nguyên Minh đề xuất làm đoạn từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, bao gồm cả cầu Mễ Sở, tổng kinh phí 9.800 tỷ đồng; Công ty CP tập đoàn Hoành Sơn đề xuất xây cầu Hồng Hà (Đông Anh) và đường dẫn 2 đầu cầu, tổng kinh phí là 8.800 tỷ đồng.

Mới đây nhất, Tập đoàn Vingroup cũng đã lập hồ sơ đề xuất chia tuyến đường làm 3 dự án thành phần để lập hồ sơ triển khai.

Theo phương án của Tập đoàn Vingroup đề xuất đường Vành đai 4 Hà Nội sẽ có tổng mức đầu tư là hơn 94 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 36.000 tỷ đồng so với phương án ban đầu dự kiến của TP.Hà Nội. Về nguồn vốn đầu tư dự án đường Vành đai 4, Tập đoàn Vingroup đề xuất chia dự án thành 3 dự án thành phần để huy động vốn.

Dự án thành phần 1: Giải phóng mặt bằng, tái định cư, nguồn vốn huy động là ngân sách; Dự án thành phần 2: Đầu tư xây dựng hệ thống đường song hành (đường đô thị, đường gom) – nguồn vốn đầu tư là chi đầu tư công (ngân sách); Dự án thành phần 3: Đầu tư xây dựng đường cao tốc và tuyến nối theo hướng đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long – nguồn vốn đầu tư huy động theo hình thức PPP (đối tác công tư).

Trao đổi với PV Dân Việt, Giám đốc Sở GTVT Bắc Ninh Lê Ngọc Tuyển cho biết: "Dự án đường Vành đai 4 đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch từ năm 2011, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai là do vướng mắc về nguồn vốn đầu tư không có".

Ông Tuyển nói thêm: "Dự án Vành đai 4 đi qua 4 tỉnh, đoạn TP.Hà Nội được xây dựng đi trên cao, đoạn Hưng Yên đi dưới thấp, đoạn Bắc Ninh vừa đi trên cao và vừa đi dưới thấp".

"Dự án đường được xây dựng tổng thể theo tiêu chuẩn cao tốc, không chia nhỏ dự án. Tổng mức đầu tư đang dự kiến là hơn 100 nghìn tỷ đồng và được các tỉnh thống nhất TP.Hà Nội sẽ là đơn vị chủ trì thực hiện", ông Tuyển cho hay.

Theo ông Tuyển, phía Sở GTVT Bắc Ninh cũng mong muốn dự án sớm được khởi công, vì đây là dự án liên kết vùng Thủ đô sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cả vùng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem