Đứt gãy chuỗi logistics khiến doanh nghiệp xuất khẩu TP.HCM điêu đứng

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 18/01/2022 16:43 PM (GMT+7)
Đứt gãy chuỗi logistics khiến doanh nghiệp xuất khẩu TP.HCM điêu đứng sau đại dịch Covid-19. Hiệp hội Logistics TP.HCM đề nghị cần tạo cơ chế đặc biệt cho các doanh nghiệp Việt Nam để dẫn dắt thị trường.
Bình luận 0

Logistics khiến doanh nghiệp xuất khẩu TP.HCM điêu đứng

Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội lương thực - thực phẩm TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp (DN) ngành lương thực thực phẩm thường phải dự trữ nguyên vật liệu cho chế biến trong 3-6 tháng.

Trong đợt cao điểm bùng phát dịch Covid-19, DN đã sử dụng hết tất cả nguồn dự trữ để chế biến, phục vụ nhu cầu xã hội.

Bây giờ, DN muốn mua lại thì giá nguyên vật liệu tăng từ 15-40% so với thời điểm trước dịch. Trong khi đó phí dịch vụ logistics tăng cao.

Các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm tại hội chợ giới thiệu sản phẩm chủ lực TP.HCM trước dịch Covid-19. Ảnh: Nguyên Vỹ

Các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm tại hội chợ giới thiệu sản phẩm chủ lực TP.HCM trước dịch Covid-19. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bà Chi nhấn mạnh, khó khăn bậc nhất hiện nay vẫn là vấn đề logistics vì nhiều DN tỏ ra thận trọng, không dám nhận đơn hàng mới.

Và thực tế, khó khăn trong khâu logistics cũng đã khiến nhiều DN mất đơn hàng, mất các thị trường đã dày công vun đắp.

Theo bà Chi, Nhà nước đang nói rất nhiều đến xuất khẩu chính ngạch. Tuy nhiên, DN ngành lương thực thực phẩm đang xuất khẩu tiểu ngạch rất nhiều.

Nhà nước cứ kêu gọi "Các DN không đưa hàng lên biên giới nữa". Tuy nhiên, đó không phải là cách tháo gỡ vướng mắc cho lâu dài.

"Việc này lại nằm ngoài tầm kiểm soát của DN. Hy vọng Chính phủ sớm có giải pháp tháo gỡ", bà Chi nói.

Ông Nguyễn Chánh Phương – Phó Chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM - cũng cho biết, phí logistics tăng cao khiến DN ngành gỗ không dám tiếp nhận đơn hàng dài hạn.

Theo ông Phương, hiện tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam chỉ khoảng 400 tỷ USD. Việt Nam vẫn chưa phải là thị trường quá lớn để có tiếng nói đủ trọng lượng đối với ngành logistics thế giới.

Còn các thị trường khác như Trung Quốc, Ấn Độ có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn. Tiếng nói của họ đối với ngành logistics cũng có trọng lượng hơn, dễ dàng giải quyết vấn đề chi phí logistics cho quốc gia.

Ngành gỗ mặc dù có thị trường đầu ra tốt, tuy nhiên những mặt hàng giá trị cao hoặc các thiết kế mới không có cơ hội giới thiệu ra thị trường thế giới.

Nguyên nhân do dịch bệnh làm gián đoạn. Và, logistics vẫn là vấn đề nan giải nhất hiện nay.

"Bản thân một hiệp hội ngành hàng không thể đủ tầm giải quyết trong bối cảnh khó khăn toàn cầu", ông Phương nói.

Tạo cơ chế đặc biệt cho các DN Việt Nam dẫn dắt thị trường

Ông Huỳnh Văn Cường – Phó Chủ tịch Hiệp hội logistics TP.HCM - cho biết, khó khăn, vướng mắc của hoạt động logistics toàn cầu tác động tới Việt Nam diễn ra cả trước và sau dịch Covid-19.

Để tháo gỡ, cần có sự chung tay của tất cả các thành phần trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là vai trò lãnh đạo thành phố và trung ương.

Container hàng hóa tập kết tại Tân Cảng Sài Gòn. Ảnh: Nguyên Vỹ

Container hàng hóa tập kết tại Tân Cảng Sài Gòn. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Cường cho biết, mức thu phí cơ sở hạ tầng cảng biển tại TP.HCM dự kiến áp dụng cho hàng quá cảnh, trung chuyển, hàng qua kho ngoại quan hiện nay ở mức cao (với mức thu 2,2 triệu đồng với container 20 feet và 4,4 triệu đồng với container 40 feet).

Điều này khiến các hãng tàu buộc phải cân nhắc các dịch vụ tại cảng biển ở Việt Nam. Và khả năng các hãng tàu sẽ dịch chuyển lượng hàng này qua các cảng lân cận trong khu vực.

Như thế sẽ đi ngược lại định hướng của Chính phủ: "Nâng cao lưu lượng hàng hóa tại các cảng cửa ngõ Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải, đưa các cảng này trở thành đầu mối thu gom và trung chuyển hàng hóa trong nước và quốc tế".

Do đó, ông Cường cho rằng, cần phải có chính sách phù hợp để thu hút lượng hàng này trong bối cảnh các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan đang có lượng hàng quá cảnh, trung chuyển lớn qua Việt Nam.

Bản thân các nước này cũng đang tập trung phát triển mạnh đường sắt, và cảng biển.

Nếu không có chính sách thu hút hấp dẫn thì các cảng biển Việt Nam sẽ mất lượng hàng này. Và khi hãng tàu thay đổi tuyến hàng hải và thói quen của các khách hàng thì khó mà thu hút lại.

Vì thế ông Cường đề xuất: Điều chỉnh giảm chi phí hạ tầng cảng biển cho các loại hình hàng hóa trung chuyển, quá cảnh, hàng gởi kho ngoại quan; các thủ tục cần thông thoáng hơn.

Một tàu hàng vẫn chuyển container hàng hóa rời cảng TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Một tàu hàng vẫn chuyển container hàng hóa rời cảng TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Việc quan trọng thứ hai là Việt Nam cần hình thành mạng lưới các DN logistics lớn. Đồng thời có cơ chế đặc biệt cho các DN này phát huy vai trò dẫn dắt thị trường, giảm chi phí logistics, giúp ngành logistics Việt Nam phát triển.

Theo ông Cường, cần thẳng thắn nhìn nhận: Các công ty logistics tại Việt Nam mới chỉ cung cấp các dịch vụ phổ thông cơ bản; còn thiếu tiềm lực và kinh nghiệm.

Vấn đề cốt lõi là 65% hàng hóa nhập khẩu và 73% hàng hóa xuất khẩu được thực hiện bởi DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Hầu hết các gói logistics đều được chỉ định từ các gói thầu quốc tế. Và đương nhiên, "miếng bánh" còn lại trong nước chỉ là một phân đoạn nhỏ trong chuỗi cung ứng.

Nhìn lại cách các công ty logistics (của châu Á) phát triển, tuy không phải hoàn toàn, nhưng phần lớn công ty sản xuất sẽ ưu tiên công ty logistics quốc gia.

Như vậy, Chính phủ cần khoanh vùng các công ty sản xuất được xác định là mũi nhọn của quốc gia. Từ đó định hướng ưu tiên hợp tác với các công ty logistics đầu ngành Việt Nam theo đúng tinh thần "người Việt Nam ưu tiên dùng dịch vụ của công ty Việt Nam".

Trong nước hiện có hơn 4.000 DN hoạt động trong lĩnh vực logistics, với khoảng 80% vốn pháp định từ 1,5 đến 2 tỷ đồng.

"Các DN logistics vừa và nhỏ vẫn có cơ hội khi mỗi phân khúc DN sản xuất sẽ phù hợp với các phân khúc từng công ty logistics khác nhau; trên tinh thần cộng hưởng để sản xuất và logistics cùng phát triển", ông Cường chia sẻ.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem