Ế ẩm vì Covid-19, nông dân lên facebook bán được cả tấn nhãn, xoài

Nguyễn Vy Thứ sáu, ngày 10/04/2020 19:15 PM (GMT+7)
Dịch Covid-19 khiến giao thương ngưng trệ, giá nông sản rớt thảm, thương lái ngó lơ. Nhiều nông dân đang mày mò bán hàng qua các mạng xã hội như một cách xoay xở để tự cứu mình. Ban đầu chỉ bán lẻ vài kg xoài, nhãn, nhưng dần dần bà con cũng tiêu thụ được cả tấn.
Bình luận 0

Mày mò tự cứu

Các vườn nhãn tiêu da bò ở Tây Ninh đã vào vụ thu hoạch nhưng nông dân đang lo lắng vì thương lái đến thu mua rất chậm. Ông Nguyễn Văn Cảnh (huyện Hòa Thành) kể, vườn nhãn nhà ông vụ này dự kiến sẽ thu khoảng 10 tấn trái. Nhưng dịch Covid-19 bùng phát, các cửa khẩu thông thương hàng hóa với Trung Quốc, Campuchia đều bị siết chặt.

img

Mùa nhãn ở Tây Ninh đã vào vụ nhưng thương lái đến thu mua rất chậm. Ảnh: Vũ Nguyệt

Việc tiêu thụ khó khăn khiến giá nhãn rớt xuống từng ngày. Vài ngày trước, có người thông báo với ông Cảnh thu mua nhãn mức 5.500 - 6.000 đồng/kg, nhưng đến giờ chỉ còn hơn 4.000 đồng/kg. Không chịu ngồi yên nhìn giá giảm, ông Cảnh cùng một số nông dân quyết định đăng lên các nhóm mua bán hàng trên facebook để tìm cách tự cứu mình.

Theo ông, nhiều nhóm, hội có đến vài trăm nghìn thành viên. Nếu quảng cáo được sản phẩm vào đó, chắc chắn sẽ tìm được người mua. Trồng số lượng lớn mà bán lẻ từng ký thì rất lắt nhắt nhưng thà bán được còn hơn không. “Nhiều người ban đầu chỉ mua vài kg hoặc vài chục kg, sau đó thấy ngon nên quay lại mua thêm cho gia đình”, ông Cảnh kể.

Thời điểm này, nhiều loại trái cây chủ lực của Đồng Nai cũng sắp vào chính vụ thu hoạch, trong đó có trái xoài. Bà Vũ Thị Nhân, ngụ xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) kể, nhà có diện tích gần 1ha trồng xoài. Trước đây, cứ tới mùa thu hoạch là thương lái tự động gọi điện đặt hàng, hẹn ngày đến hái rồi thanh toán toàn bộ cả vườn.

Thế nhưng năm nay, bà Nhân chờ mãi vẫn chưa thấy các mối cũ liên lạc, xoài thì đã cận kề ngày chín. Đó là chưa kể, từ mùa dịch Covid-19 đến nay, giá xoài liên tục giảm. Hiện đầu ra trái xoài còn rất hạn chế. Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh thành đang khác thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Chính phủ nên xe cộ đi lại khó khăn, việc vận chuyển số lượng lớn cũng gặp khó. Mỗi ngày trôi qua mà chưa có người liên lạc đặt cọc mua hàng là bà Nhân lại thêm lo, nóng ruột như ngồi trên lửa. 

img

Người dân rao bán sản phẩm của mình trên mạng xã hội

Thương lái đến vườn mua rất ít, mà nếu có, họ chỉ lựa mua những trái đẹp. Còn lại, trái xấu mã mình không bán được. Giá đã giảm gần 10.000 đồng/kg so với hồi năm trước.

“Nhưng việc lo hơn nữa là nếu không có người mua, không hái kịp vụ này sẽ ảnh hưởng đến vụ trái năm sau. Coi như lỗ năm này kéo dài sang năm khác nữa”, bà Nhân nói.  

Thấy mẹ ngày đêm sốt ruột, con gái bà Nhân gợi ý bà đăng lên mạng để bán. Các con bà hỗ trợ chụp hình, quay clip vườn xoài, góp công đóng hàng, gửi đơn vị vận chuyển… Nhờ vậy mà bà Nhân đã bán được gần một nửa vườn xoài. Bà Nhân kể, ban đầu người mua chỉ có bạn bè, người quen. Dần dần cũng có một số mối bán lẻ liên hệ để lấy hàng.

Cần chuyên nghiệp hơn

Ngụ cùng huyện Cẩm Mỹ, ông Nguyễn Văn Hà cho biết đợt sau tết, ông bán được lứa đầu tiên cho thương lái khoảng gần 5 tấn xoài. Trong vườn còn lại khoảng 5 tấn trái nhưng nhiều thương lái đang “ngó lơ”.

Ông Hà cũng lần mò đăng thông tin trên trang facebook cá nhân. Với giá bán xoài từ 30.000-35.000 đồng/kg, thế mà ông Hà cũng đã bán được gần 2 tấn quả bằng hình thức kinh doanh này.

Mọi năm thương lái đến hái một lần vài tấn. Tuy nhiên, năm nay ông phải làm quen với việc tự bán, tự “ship” đến khách hàng đặt mua trên mạng. Ông Hà chia sẻ, hình thức này còn khá mới mẻ với những nông dân chân chất như ông. Nhưng hoàn cảnh khó khăn đặt ra những thác thức buộc mình phải nỗ lực thích nghi.

“Nếu đầu tư kỹ và bài bản, bán hàng qua mạng có thể mở ra cơ hội mới cho nông dân tự chủ động đầu ra chứ không phải phụ thuộc nhiều vào thương lái như trước”, ông Hà nói.

img

Khách hàng trực tiếp lên tận vườn xoài để tìm hiểu để đặt mua. Ảnh: Nguyễn Vy

Bà Trần Thị Tươi, một khách hàng ở TP.HCM cho biết, khi thấy nhà vườn giới thiệu mặt hàng xoài cát đang vào mùa trên mạng xã hội, bà đích thân lên tận Đồng Nai tìm hiểu để đặt mua số lượng lớn. Bà Tươi cho rằng, việc nông dân tận dụng thế mạnh của mạng xã hội để tiêu thụ nông sản, giảm bớt các đầu mối trung gian là cách vượt qua những khó khăn trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, việc này cần sự đầu tư, chăm chút cả về hình ảnh, chất lượng sản phẩm và khâu giao hàng. “Nông dân xưa nay vốn chỉ lo khâu sản xuất nên việc tự tìm đường tiêu thụ cho lượng lớn nông sản sẽ còn lúng túng”, bà Tươi nhận xét.

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê có trên 64 triệu người sử dụng mạng xã hội. Các chuyên gia nông nghiệp đánh giá mạng xã hội đã giúp việc mua bán thuận tiện hơn thông qua điện thoại, máy tính.

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của phương thức này là độ tin cậy về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Người mua vẫn chủ yếu mua món hàng dựa trên cảm nhận hay độ tin cậy của kênh bán hàng trực tuyến. Nông dân ngoài việc tận dụng ưu thế từ thương mại điện tử cần hướng tới cách thức kinh doanh chuyên nghiệp và trung thực, không lừa dối khách hàng.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem