Ép khách vay vốn mua gói bảo hiểm mệnh giá 2 tỷ đồng, nhiều ngân hàng thu đậm từ kinh doanh bảo hiểm

Huyền Anh Thứ tư, ngày 03/08/2022 09:57 AM (GMT+7)
Nhiều ngân hàng ép khách hàng phải mua gói bảo hiểm mệnh giá 2 tỷ đồng mới được vay vốn hoặc giải ngân. Điều đáng nói, hành vi này của các ngân hàng đã từng bị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước "tuýt còi", như vì lợi nhuận, hiện tượng này vẫn ngang nhiên tồn tại ở nhiều ngân hàng.
Bình luận 0

Vay ngân hàng bị "ép" mua thêm gói bảo hiểm nhân thọ mệnh giá 2 tỷ đồng

Theo phản ánh của bà Nguyễn Thùy Linh (Hà Nội), hiện tượng "ép" khách vay tiền mua bảo hiểm vẫn đang diễn ra mặc dù thời gian qua cơ quan quản lý đã nhiều lần lên tiếng chấn chỉnh hoạt động này.

Cụ thể, bà Linh cho biết bà đăng ký vay tiền mua nhà tại một ngân hàng thương mại cổ phần. Khi trao đổi với nhân viên tư vấn khoản vay, nhân viên này yêu cầu bà Linh phải mua kèm gói bảo hiểm nhân thọ.

"Nhân viên cho biết đây là "quy ước bất thành văn" của ngân hàng", bà Linh nói và cho biết thêm, khi đến ký hợp đồng vay, nhân viên ngân hàng đã mời 1 đại lý bảo hiểm (là đối tác của ngân hàng) đến và đưa cho bà Linh hồ sơ yêu cầu bảo hiểm nhân thọ mệnh giá 2 tỷ đồng, mức phí hằng năm là 45 triệu đồng.

Tuy nhiên, phí bảo hiểm cộng khoản vay mua nhà là một gánh nặng lớn với gia đình bà Linh nên đã yêu cầu thay đổi mệnh giá bảo hiểm cùng mức phí đóng và được nhân viên ngân hàng giải thích: "với giá trị khoản vay của bà thì bà phải tham gia bảo hiểm với mệnh giá lớn" và không giải thích gì thêm.

Nhưng do đã đến hạn trả tiền nhà, bà Linh vẫn phải ký hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Thế nhưng, sau đó vị khách hàng này liên hệ nhân viên tư vấn bảo hiểm để hỏi về thủ tục từ chối hợp đồng bảo hiểm và muốn kiến nghị về việc này thì được trả lời "có kiến nghị thì cũng thế thôi".

Vay ngân hàng bị “ép” mua thêm 2 tỷ đồng bảo hiểm: Ngân hàng nào đang “trúng đậm” từ dịch vụ bảo hiểm? - Ảnh 1.

Hiện tượng "ép" khách vay tiền mua bảo hiểm vẫn đang diễn ra mặc dù thời gian qua cơ quan quản lý đã nhiều lần lên tiếng chấn chỉnh hoạt động này. (Ảnh: LD)

Trường hợp của bà Linh cũng không phải cá biệt, một khách hàng A. cũng đăng ký vay mua nhà tại ngân hàng cổ phần này nhưng tại chi nhánh khác cũng xảy ra trường hợp tương tự. Tại chi nhánh này, nhân viên tư vấn xác nhận, nếu không mua bảo hiểm thì khách hàng không được vay.

Tương tự, một khách hàng tại TP.HCM cũng phản ánh, ông thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng để vay vốn. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng "bắt" mua bảo hiểm nhân thọ của Sunlife khiến ông rất bức xúc.

Hơn nữa, nhân viên tư vấn còn thừa nhận: "Nếu anh chị vay tiền và mua kèm một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì sẽ được hưởng nhiều ưu đãi từ khâu duyệt hồ sơ nhanh, giải ngân sớm, lãi suất ưu đãi. Nhưng nếu khách hàng không mua kèm hợp đồng bảo hiểm, khách hàng hoàn thành thủ tục rồi có khi đợi "dài cổ" ngân hàng xét duyệt hồ sơ và có khi không được duyệt luôn, nhất là khi room tín dụng đang cạn như hiện nay".

Trước thực trạng trên các khách hàng đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ giúp giảm bớt việc người dân bị ép tham gia bảo hiểm với mức phí "trên trời" khi vay tiền tại các ngân hàng.

Các ngân hàng đang thu bao nhiêu từ bảo hiểm?

Thực tế, phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (Bancassurance)  được triển khai rộng rãi tại các nước tiên tiến trên thế giới, mang lại trên 60% doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ của mỗi quốc gia.

Tại Việt Nam, bancassurance cũng xuất hiện từ khá lâu, nhưng chỉ khi Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN ngày 2/7/2014 về hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thì hình thức phân phối sản phẩm bảo hiểm này mới được pháp luật bảo vệ, tạo điều kiện phát triển.

Ngày 31/12/2019, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 37/2019/TT- NHNN hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm, giúp các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng tham gia tích cực phân phối sản phẩm bảo hiểm, vừa bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia bảo hiểm.

Đến nay, 40% số lượng hợp đồng khai thác mới đến từ kênh bancassurance, 8 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có doanh thu bancassurance trên 1.000 tỷ đồng.

Thống kê cũng cho thấy, cả doanh thu và tỷ trọng thu nhập từ bancassurance của doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng tăng, từ 65 nghìn tỷ đồng (chiếm 7,8% doanh thu phí bảo hiểm) năm 2017 lên tới 130 nghìn tỷ đồng (chiếm 18,9%) năm 2020. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, thị trường bancassurance cũng tăng trưởng tới 23%.

Về phía các ngân hàng, hoạt động bancassurance đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào lợi nhuận trong năm 2021. 

Điển hình như Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đạt gần 1.700 tỷ đồng phí dịch vụ bảo hiểm trong năm 2021, chiếm hơn 11% tổng thu nhập hoạt động nhờ thương vụ hợp tác với Prudential; Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (TCB) đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 88,4% so với năm 2020 nhờ đẩy mạnh hợp tác với Manulife; Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đạt 1.300 tỷ đồng qua hợp tác với Sunlife…

Thống kê của PV Dân Việt từ báo cáo tài chính quý II/2022 của các ngân hàng có thuyết minh về khoản mục thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm cho thấy, ngoại trừ VIB, các nhà băng khác thu nhập từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm/ hoa hồng dịch vụ bảo hiểm/ hỗ trợ đại lý bảo hiểm tăng từ 11% tới 33,3%. Xét về giá trị tuyệt đối, MB là nhà băng đang có nguồn thu từ dịch vụ bảo hiểm cao nhất lên tới hơn 5.000 tỷ đồng trong 6 tháng. Tiếp theo là VPBank và Techcombank.

Vay ngân hàng bị “ép” mua thêm 2 tỷ đồng bảo hiểm: Ngân hàng nào đang “trúng đậm” từ dịch vụ bảo hiểm? - Ảnh 3.

Thu nhập từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm/Hoa hồng dịch vụ bảo hiểm. (Nguồn: BCTC)

Bancassurance được kỳ vọng chiếm khoảng 50% phí khai thác mới vào năm 2025. Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng đã chỉ ra rằng, đạo đức nghề nghiệp là một trong những rủi ro khi bảo hiểm phân phối qua ngân hàng.

"Một số nơi có những khách hàng phàn nàn về hiện tượng gượng ép mua bảo hiểm hoặc có thể xảy ra xung đột lợi ích giữa các bên khi tổ chức tín dụng triển khai phân phối sản phẩm bảo hiểm. Bởi lúc đó, nhân viên ngân hàng đứng giữa "ngã ba đường" băn khoăn rằng mình sẽ ưu tiên ưu tiên công việc nào hơn: công việc chính tại ngân hàng hay là bán bảo hiểm? Đây là vấn đề cần tháo gỡ trong thời gian tới," ông Lực cho hay.

Do đó, vị chuyên gia này đề nghị, thời gian tới phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó có hành lang pháp lý chi phối nghiệp vụ bancas, gồm cả bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ. Đặc biệt trong đó phải quy định rõ ràng hơn quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên có liên quan.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã có các quy định: Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia bảo hiểm có quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm… Không tổ chức, cá nhân nào được phép can thiệp trái pháp luật đến quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài của bên mua bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã có chỉ đạo các tổ chức tín dụng có hoạt động đại lý bảo hiểm phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống và xử lý nghiêm những trường hợp yêu cầu khách hàng phải mua các loại bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem