EVFTA chính thức có hiệu lực, đường sang EU rộng hơn với gạo, tôm, đồ gỗ

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 01/08/2020 10:45 AM (GMT+7)
Sau gần 10 năm đàm phán, hôm nay 1/8, EVFTA chính thức có hiệu lực. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đang được kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam như thủy sản, đồ gỗ, gạo...
Bình luận 0

"Theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ giành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (thuế 0%) đối với gạo xay xát và gạo thơm, đồng thời xóa bỏ thuế đối với tấm trong 5 năm. Đây là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang EU trong thời gian tới, bởi khu vực này đang tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo/năm" – ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh.

Cho đến thời điểm này, gạo Việt Nam vẫn còn là một cái tên xa lạ với thị trường EU. Năm 2019, Việt Nam chỉ xuất khẩu được một số lượng hạn chế gạo sang EU với giá trị khiêm tốn là 10,7 triệu USD.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc gạo Việt khó tìm đường sang EU là bởi thuế suất mà EU đang áp lên gạo nhập khẩu từ Việt Nam khá cao, cụ thể là thuế tuyệt đối 175 EUR/tấn với gạo xay xát, 65 EUR/tấn với gạo tấm, 211 EUR/tấn với lúa. Nhưng với việc EVFTA chính thức có hiệu lực, mọi rào cản về thuế suất gần như được xóa bỏ.

Theo dự báo, xuất khẩu gạo vào EU đến năm 2025 sẽ tăng tới 60% so với hiện nay sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực.

EVFTA chính thức có hiệu lực, gạo, tôm, đồ gỗ rộng đường sang EU - Ảnh 1.

Xuất khẩu gỗ sang EU được kỳ vọng sẽ khởi sắc khi EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8. Trong ảnh: Chế biến gỗ ghép thanh tại Công ty Hoàng Thông (Bình Dương).

Mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ cũng được kỳ vọng sẽ bứt phá khi EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trở lại. Đáng chú ý, trong khối EU 27, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Đức đạt 8,5 triệu USD trong tháng 6/2020, tăng 86,7% so với cùng kỳ năm 2019.

 Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất lớn thứ 11 cho Đức, chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng nhập khẩu nên vẫn còn cơ hội để tăng thị phần.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cả nước có hơn 4.600 doanh nghiệp sản xuất, chế biến đồ gỗ. Hiện, các doanh nghiệp kỳ vọng, EVFTA chính thức có hiệu lực sẽ giúp cho ngành gỗ có những đột phá trong xuất khẩu.

EVFTA sẽ giúp doanh nghiệp gỗ Việt Nam tiệm cận vị trí mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ hiện có với khách hàng EU, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến các chuỗi cung ứng đồ gỗ toàn cầu như Mỹ, Nhật Bản. 

Trong khi đó, theo nhận định của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngoài cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, EVFTA chính thức có hiệu lực sẽ giúp sản phẩm thủy sản Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh so với các đối thủ chưa có FTA với EU như Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh hay Indonesia bởi khi EVFTA có hiệu lực, khoảng 212 dòng thuế của ngành thủy sản có thuế suất cơ sở từ 0-22%.

EVFTA chính thức có hiệu lực, gạo, tôm, đồ gỗ rộng đường sang EU - Ảnh 2.

Xuất khẩu tôm sẽ được hưởng ưu đãi về thuế khi EVFTA chính thức có hiệu lực. Ảnh: I.T

Ngoài ra, ngành thủy sản cũng sẽ có cơ hội thu hút giới đầu tư nước ngoài, hiện đại hóa công nghệ chế biến và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận dịnh, tôm chính là mặt hàng được hưởng lợi khi EVFTA chính thức có hiệu lực.

Hiện, mặt hàng này đang chịu thuế suất khá cao (tôm tươi thuế suất 4,2%) nhưng sẽ về 0% ngày khi EVFTA chính thức có hiệu lực, tôm luộc (đang chịu mức thuế 15%) sẽ giảm thuế sau 3-7 năm.

Cá ngừ đông lạnh, cá ngừ hộp cũng sẽ được hưởng lợi nhiều khi mức thuế giảm về 0% sau khi EVFTA có hiệu lực và hạn ngạch cũng nâng lên hơn 10.000 tấn/năm.

Ngoài ra, nhiều mặt hàng chủ lực khác của ngành thủy sản cũng được hưởng ưu đãi để có thể gia tăng xuất khẩu vào EU trong thời gian tới.

"EVFTA sẽ tạo bước đệm để ngành thuỷ sản đi sâu hơn vào thị trường tiêu thụ thủy sản khổng lồ, với dân số trên 500 triệu người, thu nhập bình quân cao, mức tiêu thụ bình quân các sản phẩm thủy sản thuộc hàng đầu thế giới" - VASEP nhận định.

Những cam kết trong EVFTA được kỳ vọng sẽ mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông sản nhiệt đới, thủy sản, giày dép, dệt may, đồ gỗ... Việt Nam cũng tiếp cận các sản phẩm ôtô, dược phẩm, hóa chất, máy móc, thiết bị phụ trợ... của EU.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA), EVFTA dự kiến sẽ thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025. Ủy ban châu Âu ước tính GDP của EU sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035.

Trong 18 năm gần nhất, kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam - EU đã tăng gần 14 lần từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 56,45 tỷ USD năm 2019. Trong đó, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ), còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU (sau Singapore) tại ASEAN.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem