EVFTA đang tạo ra sức bật mới cho ngành thủy sản Việt Nam

Quốc Hải Thứ hai, ngày 28/09/2020 06:02 AM (GMT+7)
Kết quả về sự tăng trưởng vượt bậc một số mặt hàng thủy sản tại thị trường EU sau một tháng qua đã cho thấy, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đang tạo ra sức bật mới cho ngành thủy sản Việt Nam…
Bình luận 0
EVFTA đang tạo ra sức bật mới cho ngành thủy sản Việt Nam  - Ảnh 1.

Chế biến tôm tại Thực phẩm Sao Ta (Ảnh: PAN)

Những năm qua, EU luôn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản. Cụ thể, thị trường này luôn chiếm trên 17-18% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trong đó riêng sản phẩm tôm EU chiếm 22% tỷ trọng, cá tra chiếm 11%, các mặt hàng hải sản chiếm 30-35%. Vì thế, khi EVFTA có hiệu lực từ 1/8, mức cắt giảm thuế về 0% sẽ tương ứng với 90% số mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường này.

Ngoài những lợi ích cơ bản là thuế, thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ chưa có Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Ấn Độ, Thái Lan…

Cổ phiếu "nổi sóng" nhờ EVFTA

Vì vậy, không ngạc nhiên khi cổ phiếu nhóm ngành thủy sản liên tục "nổi sóng" trong vài tuần qua, kể cả với những DN có kết quả kinh doanh đi xuống trong nửa đầu năm qua, thì giá cổ phiếu vẫn tăng mạnh. Chẳng hạn, với "ông lớn" Vĩnh Hoàn (VHC), kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, cổ phiếu VHC đạt mức giá 43.650 đồng/CP, tăng khoảng 15% so với hồi đầu năm; dù lũy kế nửa đầu năm 2020, doanh thu và lợi nhuận của VHC lượt giảm 13% và hơn 49,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến VHC thậm chí đưa ra hai kịch bản khá "bi quan", gồm kịch bản thấp là doanh thu và lợi nhuận sẽ giảm 18% và 32%; và kịch bản cao doanh thu sẽ tăng 9,3% và lãi ròng giảm 10%.

Tuy nhiên, sau khi EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8 đến nay, cổ phiếu VHC lại bất ngờ thu hút giới đầu tư bởi đây là mã chứng khoán được nhận định là có nhiều triển vọng tăng giá trị xuất khẩu sang thị trường EU nhờ ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA (EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của VHC, năm 2019, chiếm khoảng 12% tổng giá trị xuất khẩu).

Thêm vào đó, giá trị cổ phiếu VHC càng thu hút khi một báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), kỳ vọng lợi nhuận của VHC sẽ phục hồi trong 6 tháng cuối năm (lợi nhuận quý III tăng 8% so với cùng kỳ năm trước và quý IV tăng 64%) do: Mỹ tăng trữ hàng tồn kho; xuất khẩu sang EU tăng (doanh thu 6 tháng đầu năm tăng 37% bất chấp đại dịch); giá xuất khẩu cá tra dần phục hồi về mức trước đại dịch...

Một mã chứng khoán khác được dự báo cũng hưởng lợi lớn từ EVFTA là "vua tôm" Minh Phú (MPC). Nguyên nhân bởi vì EVFTA được đánh giá là hiệp định có tác động mạnh nhất, tạo bước ngoặt lớn về cơ cấu thị trường cho mặt hàng tôm của Việt Nam. Cụ thể, gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0 - 22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6 - 22%, sẽ được giảm về 0%. Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5 - 26% sẽ được về 0% sau từ 3 - 7 năm.

EVFTA đang tạo ra sức bật mới cho ngành thủy sản Việt Nam  - Ảnh 2.

Chế biến tôm xuất khẩu (Ảnh: PAN)

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, cổ phiếu MPC đạt mức giá 31.200 đồng/CP, tăng khoảng 51% so với hồi đầu năm.

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), trong 6 tháng cuối năm 2020, MPC kỳ vọng xuất khẩu tôm tăng mạnh từ tháng 7 sẽ đẩy lợi nhuận quý III tăng 57% và quý IV tăng 509%, chủ yếu do: Con số tăng trưởng tốt hơn khi so sánh cùng kỳ năm trước do xuất khẩu nửa cuối năm 2019 giảm mạnh sau cuộc điều tra chống bán phá giá của Mỹ; hoàn thành bản điều tra ban đầu đối với vụ kiện chống bán phá giá; và giao các đơn hàng bị hoãn trong quý I và quý II do đại dịch.

Riêng tại thì trường EU, hiện tại tỷ trọng xuất khẩu của MPC vào EU là 11%. Theo dự báo, giá trị xuất khẩu của MPC sang EU trong năm 2020 tăng từ 5-10% so với cùng kỳ nhờ EVFTA có hiệu lực và dịch bệnh Covid-19 tại EU được kiểm soát tốt vào cuối năm.

Một loạt các mã chứng khoán ngành thủy sản khác cũng tăng mạnh trong vài tuần gần đây, dù kết quả kinh doanh bán niên 2020 không phải khả quan. Chẳng hạn, cổ phiếu CMX của Công ty CP Camimex Group tăng gần 17%, dù doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 6 tháng năm 2020 chỉ đạt hơn 3 tỷ đồng, giảm tới 95% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp cũng chỉ đạt hơn 258 triệu đồng, giảm tới 84,8% so với cùng kỳ.

Riêng với cổ phiếu FMC của Công ty CP Thực phẩm Sao Ta kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua đạt mức giá 34.200 đồng/CP, tăng gần 30% so với hồi đầu năm. Đây cũng là "điểm sáng" hiếm hoi của ngành thủy sản khi kết thúc nửa đầu năm 2020, DN này báo lãi ròng tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 52 tỷ đồng.

Mới nhất DN này cho biết, dự kiến có thể đạt doanh số kỷ lục 180 triệu USD năm 2020, tăng trưởng hơn 10% và vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, theo chia sẻ của ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch FMC thì EU sẽ là thị trường lớn nhất của FMC trong năm tới.

Vẫn còn nhiều… "điểm nghẽn"

Dù sóng cổ phiếu ngành thủy sản đang tăng mạnh thời gian gần đây, song giới chuyên gia cho rằng, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở các quốc gia trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường trong suốt quý III/2020. Do đó, dự báo trị giá xuất khẩu thủy sản năm 2020 ước chỉ đạt 8,26-8,3 tỷ USD, giảm 3,8% so với năm 2019.

Ông Trương Đình Hòe, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vasep cho biết, những bất cập trong các văn bản, quy định, thủ tục hành chính áp dụng cho ngành thủy sản đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến DN và hoạt động sản xuất, XK thủy sản chung của cả nước.

Cụ thể, theo Vasep, từ đầu năm 2020 đến nay, tổ chức này đã liên tiếp nhận được phản ánh của nhiều DN về các bất cập của quy định đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài trên bao bì lô thủy sản XK. Theo đó, DN sử dụng mã số mã vạch nước ngoài in trên bao bì hàng hóa khi XK phải có giấy ủy quyền sử dụng mã số mã vạch từ DN nước ngoài. Trong khi trên thực tế, quy định này không hề có trong Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 cũng như tại nhiều quốc gia đang có quan hệ thương mại với Việt Nam.

Ngoài ra, trước đây, thuế phế liệu phế phẩm dư thừa và thuế thu nhập DN đều được nộp cho chi cục thuế địa phương. Nhưng, từ tháng 6/2018 đến nay, các loại thuế này nộp cho cơ quan hải quan, trong khi thuế thu nhập DN vẫn nộp cho chi cục thuế địa phương.

"Quy định này khiến DN mất nhiều thời gian, chi phí thực hiện. Mặt khác, hiện việc xác định sản phẩm "sơ chế" và "chế biến" trong ngành thủy sản cũng chưa được rõ ràng, nên rất nhiều trường hợp cơ quan thuế mặc định áp thuế thu nhập DN thủy sản là 20% trong khi quy định thuế thu nhập DN chế biến thủy sản chỉ là 0 - 15%", Vasep đã nhiều lần lên tiếng về việc này.

Đặc biệt, một vấn đề quan trọng khác là dù phía Ủy ban châu Âu (EC) ghi nhận những nỗ lực và tiến bộ của Việt Nam trong việc thực hiện các cảnh báo khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nhưng việc khắc phục các tồn tại vẫn chưa đạt yêu cầu. Do đó, cảnh báo thẻ vàng IUU với thủy sản Việt Nam đang được tiếp tục gia hạn chứ chưa được gỡ bỏ. Vì thế, ngành thủy sản cần sớm có biện pháp vận động ngư dân tuân thủ hoạt động đánh bắt theo quy định, không vi phạm IUU…

Thống kê của Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, tháng 8/2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 800 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 8 tháng đạt 5,2 tỷ USD.

Đáng chú ý, dù dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biễn phức tạp trên thế giới nhưng số lượng đơn hàng trong tháng 8 sang thị trường EU tăng khoảng 10% so với tháng 7, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lợi thế của Việt Nam là tôm và mực.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem