EVN lãi gần 700 tỷ đồng năm qua, giá điện chưa minh bạch?
Ngày 18/12, Bộ Công Thương tổ chức công bố bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), cho biết tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN là 332.284,64 tỉ đồng, bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành.
Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 1.727,41 đồng/kWh, tăng 3,58% so với năm 2017. Về cơ cấu giá thành sản xuất kinh doanh điện của từng khâu, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết tổng chi phí khâu phát điện là 255.679,98 tỉ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.329,17 đồng/kWh.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, so với năm 2017, chi phí khâu phát điện năm 2018 tăng do một số yếu tố. Chỉ rõ vấn đề này, ông Tuấn cho biết năm 2018, tổng lượng nước về hồ chứa thủy điện đạt khoảng 365 tỉ m3, thấp hơn khoảng 12 tỉ m3 so với năm 2017, do đó, sản lượng điện từ thủy điện năm 2018 thấp hơn năm 2017.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy trong khi thuỷ điện cạn kiệt, giá than lại tăng rất cao. "Năm 2018, mặc dù giá than nội địa ổn định, tuy nhiên, giá than nhập khẩu năm 2018 tăng mạnh. Cụ thể, giá than Coalfax và giá than NewCastle Index bình quân năm 2018 tăng so với năm 2017 lần lượt là 20,42% và 21,34%"- ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay. Bên cạnh đó, giá dầu và khí cũng tăng đẩy giá thành điện cũng tăng cao.
Theo lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực, sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2018 của EVN là 192,36 tỉ kWh, tăng 10,14% so với năm 2017. Doanh thu bán điện năm 2018 là 332.983,34 tỉ đồng, tăng 14,84% so với năm 2017. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2018 là 1.731,04 đồng/kWh, tăng 4,3% so với năm 2017.
Kết quả, hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN lãi 698,701 tỉ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2018 là 0,47%.
Công khai nhưng không minh bạch
Nói về việc điều chỉnh giá điện, theo đại diện ngành Công Thương, hiện tại, tại từng điều kiện cụ thể, nếu có vấn đề phát sinh cần điều chỉnh giá điện phải theo trình tự, EVN đề xuất, các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
“Theo quy định khi giá điện tăng lên 5%, Tập đoàn có thể đề xuất lên Bộ Công Thương điều chỉnh, đến 10% phải đề xuất lên Thủ tướng. Ngoài ra, còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không phải chỉ mỗi việc giá thành sản xuất tăng lên.” Ông Vượng thông tin thêm.Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) hiện tại, cơ cấu giá điện đã thay đổi do có nhiều loại điện khác nhau và chi phí đầu vào cho từng loại, khu vực điện năng cũng thay đổi. Ví dụ, như khi giá than, hoặc các loại năng lượng tái tạo thay đổi cũng làm giá điện thay đổi.
“Hiện nay, giá điện tại Việt Nam dù thấp hay cao cũng bị chê do “công khai nhưng không minh bạch”. Trong vấn đề công khai, có nội dung rất lớn về mặt cơ chế là phải định hình rõ chu kỳ tăng giá điện.
Theo tôi việc xác định chu kỳ tăng giá điện là hoàn toàn có thể xác định được, không phải cứ lúc nào thích là tăng, “bí” là tăng. Ví dụ như đối với thủy điện có mùa khô, mùa mưa, đó là cơ sở rất cơ bản để tính chu kỳ. Nếu điều chỉnh giá bất thường có thể gây ra các vấn đề tâm lý cho các ngành sản xuất.” ông Thiên nói.
Bên cạnh đó, PGS. TS. Trần Đình Thiên cũng nhận định, trong một số trường hợp bất khả kháng, việc điều chỉnh giá điện bất thường cũng có thể diễn ra. Tuy nhiên, cơ quan quản lý có thẩm quyền cũng cần quy định rõ ràng những trường hợp hợp được xem xét để thay đổi.
“Sau khi đã xác định được chu kỳ, cần luật hóa được cơ chế điều chỉnh giá điện. Nếu trong trường hợp phải điều chỉnh bất thường cũng cần nêu rõ xem những điều kiện thế nào sẽ được xem xét? Với việc xác định rõ ràng, minh bạch như vậy, dư luận xã hội sẽ rất yên tâm.” PGS. TS. Trần Đình Thiên.