EVN lỗ hơn 1,1 tỷ USD: Chắc chắn phải tăng giá điện bán lẻ!

An Linh Thứ sáu, ngày 31/03/2023 18:42 PM (GMT+7)
Trao đổi riêng với PV Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định với khoản lỗ 26.235,78 tỷ đồng, chắc chắn sẽ phải tăng giá điện.
Bình luận 0

EVN lỗ hơn 1,1 tỷ USD, chắc chắn sẽ tăng giá điện

Chiều 31/3 tại trụ sở Bộ Công Thương, Hà Nội, đại diện Bộ Công Thương, EVN và các đơn vị liên quan đã tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm tra về chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN.

Theo ông Ông Trần Việt Hoà - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực: Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 36.294,15 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058,36 tỷ đồng.

EVN lỗ khủng hơn 1,1 tỷ USD trước, "chắc chắn sẽ phải tăng giá điện bán lẻ"! - Ảnh 1.

Đại diện Bộ Công Thương, EVN tại buổi họp báo tại Bộ Công Thương.

"Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện (bao gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng) năm 2022 của EVN lỗ 26.235,78 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác)", đại diện Bộ Công Thương thông tin.

Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực khẳng định: "Lỗ nhiều nhất của EVN là khâu phát điện do chi phí đầu vào tăng cao".

Trước câu hỏi của báo giới xung quanh việc lỗ lớn của EVN, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng cho phép tăng giá điện thời gian tới đây, ông Hoà khẳng định: "Chúng tôi đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định".

Vị này cho biết, theo quy định, cơ chế bán lẻ điện bình quân sẽ được căn cứ vào thông số đầu vào, nếu thông số này thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân 3% trở lên, thì giá điện sẽ được phép điều chỉnh tăng, nếu giảm, giá điện sẽ giảm".

Do giá điện tác động trực tiếp đến tình hình kinh tế vĩ mô, cho nên quyết định 24, các phương án phải báo cáo Thủ tướng xem xét, tuỳ theo mức điều chỉnh sẽ tuỳ thuộc thẩm quyền, nếu tăng giá điện bán lẻ dưới 5% sẽ thuộc thẩm quyền của EVN, Bộ Công Thương, từ 5% sẽ thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương và từ trên 10% sẽ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

"Thời gian qua, tập đoàn EVN đã xây dựng phương án điều chỉnh giá điện, báo cáo cơ quan có thẩm quyền, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phối hợp đơn vị liên quan, rà soát phương án mà EVN xây dựng, chúng tôi đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định", Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho hay.

Trao đổi riêng với PV Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định: "Với khoản lỗ như hiện nay, chắc chắn chúng ta sẽ phải tăng giá điện, bởi Quyết định 24 của Thủ tướng cho phép tăng giá điện, găm giữ giá 4 năm rồi. Vấn đề là mức bao nhiêu là phù hợp đối với tình hình kinh tế xã hội.

"Không phải là con số học đầu vào tăng là đầu ra sẽ phải tăng, giá điện là công cụ điều hành chính sách, mức bao nhiêu, hy vọng sẽ tăng sớm", Phó Tổng giám đốc EVN nhấn mạnh.

Về các khó khăn tài chính và sức ép của EVN, ông Trần Xuân Nam nhấn mạnh: Tình hình tài chính 2022 rất khó khăn, chúng tôi báo cáo Thủ tướng và các cấp có thẩm quyền, bản thân chúng tôi đã cố gắng hết sức để đảm bảo khắc phục khó khăn kể trên.

Thực ra, chỉ số giá than trên thế giới về nguyên liệu đầu vào giá than tăng gấp 3 lần, có thời điểm tăng 4, 5 lần, còn tăng gấp đôi, đây là nguyên nhân lớn đầu vào mua điện giá cao. Trước khó khăn này, EVN đã thực hiện tiết kiệm cắt giảm chi phí sửa chữa, chi phí khác 30%, tiết kiệm 10.000 tỷ đồng; ngoài ra chúng tôi còn tối ưu hệ thống vận hành thuỷ điện, khí.

Do các yếu tố đầu vào, chi phí nhiệt điện than lớn hơn rất nhiều lần. "Nỗ lực lớn như vậy, mới có được kết quả giảm lỗ từ gần 36.300 tỷ đồng xuống còn hơn 26.200 tỷ đồng", Phó TGĐ EVN nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem