EVN xin miễn, giảm thuế phí vì dịch Covid-19: Nhà nước không nên chiều chuộng "con ruột”

Thanh Phong Thứ bảy, ngày 11/04/2020 16:35 PM (GMT+7)
Trước thông tin EVN xin miễn, giảm nhiều loại thuế phí, trao đổi với Dân Việt, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, trong bối cảnh hiện tại, Chính phủ cần lựa chọn, ưu tiên hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế, ảnh hưởng lớn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Bình luận 0

Mới đây, EVN có kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành xem xét, giải quyết một số vướng mắc hiện tại cho Tập đoàn. Theo đó, EVN đề xuất cơ quan chức năng yêu cầu các tập đoàn khoáng sản giảm giá than trộn bán cho hoạt động sản xuất điện.

Ngoài ra, EVN cũng kiến nghị miễn thuế tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường rừng, phí cấp quyền khai thác tài nguyên nước của các đơn vị sản xuất thủy điện với thời gian là 6 tháng, từ tháng 4 đến hết tháng 10/2020.

Trước đó, nhằm góp sức tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, EVN có văn bản đề xuất tới Thủ tướng, Bộ Công Thương,… xem xét miễn, giảm giá điện cho một số đối tượng khách hàng trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Đáng chú ý, đối tượng trọng tâm là các khu vực cách ly tập trung, bệnh viện đang thực hiện nhiệm vụ chữa trị bệnh nhân bị nhiễm Covid-19,…

img

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Tuy nhiên, hiện tại, khi đề xuất giảm giá điện chưa chính thức đi vào thực tiễn, EVN đã xin hàng loạt hình thức hỗ trợ trước. Nói về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, trong bối cảnh các ngành kinh tế đều bị ảnh hưởng, nhà nước cần đánh giá, đưa ra sự hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế trước.

"Trong điều kiện dịch Covid-19 hiện tại, ngành nào cũng sẽ bị tác động. Ngành điện có thể chi phí đầu vào không bị tác động nhiều, hoặc có một số phần vật tư mua của Trung Quốc có thể bị đứt đoạn. Ngoài ra, các hoạt động kinh tế xã hội ít đi khiến nhu cầu thị trường giảm cũng gây khó khăn cho ngành điện. Tuy nhiên, không phải lúc nào cứ có khăn lại xin Chính phủ hỗ trợ. Thực tế, Chính phủ cũng không thể hỗ trợ tất cả các đơn vị gặp khó khăn.

Theo tôi, Chính phủ cần có sự lựa chọn, tập chung cao cho các đối tượng yếu thế nhất ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Hiện tại, việc giãn, giảm thuế, nhà nước đang phải lo cho một loạt các lĩnh vực, trong đó, một số ngành đã rất cấp bách. Nếu như bây giờ giãn, giảm cho cả điện, là một ngành không quá gấp gáp thì nhà nước còn nguồn thu ngân sách ở đâu ra nữa? Hiện tại, nhà nước cần phải gương mẫu, không thể chiều chuộng "con ruột" của mình, cần dành ưu đãi cho các đối tượng khác trong xã hội", bà Lan cho hay.

Ngoài ra, cũng theo đánh giá của bà Lan, việc EVN đề xuất miễn, giảm tiền điện, đặc biệt cho các khu cách ly là một sự đóng góp cho xã hội cần thiết trong thời điểm tất cả cùng chung tay đối phó với dịch Covid-19. Tuy nhiên, khi chưa làm được đã yêu cầu nhà nước miễn giảm thuế phí có thể dẫn tới phần thuế được giãn, giảm có thể lớn hơn phần đóng góp chống dịch.

"Theo tôi, đề xuất như vậy là không thích đáng. Trong trường hợp họ có khó khăn thật sự, ví dụ như phải bù đắp cho các khu cách ly thì để sau tính toán con số cụ thể. Nếu đó là một số tiền quá lớn, không thể bù đắp nổi thì mới xin hỗ trợ. Cách làm hiện tại rõ ràng là không sòng phẳng, một mặt là muốn được danh có đóng góp cho công cuộc chống dịch. Nhưng mặt khác, EVN lại muốn được nhà nước hỗ trợ để bù vào mà cuối cùng vẫn là tiền thuế của người dân", bà Lan phân tích.

img

EVN có xin đề xuất miễn, giảm thuế phí thời điểm hiện tại?

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, hiện tại, trong bối cảnh khó khăn chung, EVN cần san sẻ, "đặt mình vào vị trí khác" trước khi đề xuất. Ví dụ như Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV) hoạt động khai thác than ngày càng sâu, khó hơn, dịch bệnh lại phát triển khiến việc xuống hầm lò trở nên nguy hiểm.

"Dĩ nhiên EVN có những khó khăn nhất định về nhập khẩu than nhưng chúng không phải quá lớn vì than không thiếu đến mức đó. Bao giờ cũng phải có dự trữ than mấy tháng, TKV và Tổng công ty Đông Bắc vẫn cung cấp than cho EVN đều đều. Còn than nhập khẩu thì đã ký hợp đồng sẵn với nước ngoài, họ cứ thế chuyển về, giá vận chuyển có thể cao lên một chút nhưng không đáng kể", ông Thịnh nhận định.

Đối với việc EVN đề xuất xin miễn thuế tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường rừng, phí cấp quyền khai thác tài nguyên nước, ông Trần Đình Sính Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cũng cho rằng không thể chấp nhận được.

Nguyên nhân là do đây là những chi phí để đảm bảo môi trường và nền kinh tế phát triển bền vững. Các khoản thuế, phí liên quan đến môi trường này đã được quy định trong luật, EVN không thể thay đổi cả hệ thống luật vì lợi ích như vậy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem