Facebook bị “đòi tiền” tại xứ sở Chuột túi và hành động của Việt Nam?

H.Anh Thứ sáu, ngày 19/02/2021 18:30 PM (GMT+7)
Giới luật sư cho rằng, Việt Nam cũng nên suy nghĩ đến việc yêu cầu Google và Facebook chia sẻ lợi nhuận với các cơ quan báo chí, để bảo vệ cơ quan quyền thông trong nước. Câu chuyện Facebook bị “đòi tiền” tại Úc là một điển hình.
Bình luận 0

Chính phủ Úc vừa quyết định cấm người dùng nước này xem tất cả nội dung tin tức trên nền tảng Facebook, dù rằng điều này đồng nghĩa với việc người dân Úc không thể truy cập cả vào những tài khoản Facebook chính thức của chính phủ.

Chính phủ Úc và Facebook "đấu nhau" vì về vấn đề trả phí

Động thái được đưa ra chỉ chưa đầy 1 ngày sau khi Facebook mạnh tay cấm người dùng Úc không thể xem và chia sẻ tin tức của mọi hãng truyền thông địa phương cũng như quốc tế trên nền tảng mạng xã hội này, động thái bị Thủ tướng Úc Scott Morrison chỉ trích là "kiêu ngạo" và "đáng thất vọng".

Facebook đưa ra quyết định trên sau khi chính phủ Úc dự kiến thông qua dự luật yêu cầu tập đoàn này cũng như nhiều nền tảng trực tuyến bao gồm Google chia sẻ lợi nhuận kiếm được với các tập đoàn truyền thông Úc, một điều mà Facebook cho rằng vô lý.

"Họ đã hiểu sai mối quan hệ giữa Facebook và các đơn vị xuất bản tin tức. Trái với suy nghĩ của họ, chính các hãng xuất bản tin tức mới là đơn vị cần và muốn chia sẻ thông tin trên mạng xã hội của chúng tôi" - phát biểu của ông Campbell Brown, Phó chủ tịch mảng quan hệ tin tức quốc tế Facebook.

Facebook bị “đòi tiền” tại xứ sở Chuột túi và hành động của Việt Nam? - Ảnh 1.

Hành động của Facebook bị nhiều Chính phủ chỉ trích

Facebook thậm chí còn xóa sạch nhiều tài khoản mạng xã hội cho chính phủ Úc hậu thuẫn, bao gồm các trang cung cấp thông tin cập nhật về đại dịch Covid-19 và các mối đe dọa cháy rừng.

Trong khi Facebook "nổi khùng" với chính phủ Úc, Google - một nền tảng trực tuyến khác dự kiến chịu tác động lớn sau dự luật chia sẻ lợi nhuận nói trên - lại chọn cách ứng xử khác hẳn. Hôm 17/2 (giờ Mỹ), Google tuyên bố đồng ý thỏa thuận chia sẻ doanh thu với tập đoàn truyền thông Úc News Corp - tập đoàn sở hữu hàng loạt hãng truyền thông lớn bao gồm The Wall Street Journal và New York Post.

Không chỉ tại xứ sở Chuột túi, Chính phủ ở các nước khác cũng đang gây sức ép buộc Google, Facebook và các công ty internet khác phải trả tiền cho các hãng tin tức và các nhà xuất bản.

Tại Châu Âu, Google đã phải thương lượng với các nhà xuất bản Pháp sau khi một tòa án vào năm ngoái đã duy trì lệnh nói rằng các thỏa thuận như vậy là bắt buộc theo chỉ thị bản quyền của Liên minh Châu Âu năm 2019.

Pháp là Chính phủ đầu tiên thực thi các quy tắc, quyết định cho thấy Google, Facebook và các công ty khác sẽ phải đối mặt với các yêu cầu tương tự ở các khu vực khác của khối thương mại 27 quốc gia châu Âu.

Năm ngoái, Facebook thông báo họ sẽ trả tiền cho các tổ chức tin tức của Mỹ bao gồm The Wall Street Journal, The Washington Post và USA Today. Tuy nhiên, đến nay vẫn là ẩn số.

Việt Nam thì sao?

Nhìn nhận về vấn đề này, luật sư La Văn Thái (đoàn luật sư Tp.Hà Nội) cho biết, yêu cầu Facebook hay Google trả phí cho các cơ quan báo chí của Chính phủ Úc là hoàn toàn đúng đắn, nhằm đảm bảo tính công bằng trong kinh doanh cho các cơ quan báo chí của quốc gia này.

"Với Facebook và Google – họ được hưởng lợi từ việc chia sẻ nội dung của các cơ quan báo chí. Khi anh sử dụng thông tin của báo chí để thu lợi thì lợi ích mà anh thu được phải được cần được chia sẻ bằng việc trả phí cho tác giải cho cơ quan báo chí sở hữu những thông tin đó. Đó mới là công bằng, chứ không thể sử dụng "chùa" tài nguyên của báo chí để thu lợi", ông Thái nhấn mạnh.

Facebook bị “đòi tiền” tại xứ sở Chuột túi và hành động của Việt Nam? - Ảnh 3.

Việt Nam cũng nên suy nghĩ đến việc yêu cầu Google và Facebook chia sẻ lợi nhuận với các cơ quan báo chí, để bảo vệ cơ quan quyền thông trong nước?

Tại Việt Nam, trong diễn đàn "Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu" được tổ chức tại Hà Nội năm 2020 vừa qua đã từng đề cập, một khó khăn được nêu ra là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, phần lớn các tòa soạn sụt giảm tới 50% doanh thu. Trong khi đó, những năm qua, doanh thu của Google và Facebook tại Việt Nam luôn chiếm phần lớn tổng doanh thu trên thị trường quảng cáo trực tuyến. Cụ thể năm 2019, tổng giá trị thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt nam khoảng 648 triệu USD thì Facebook đã chiếm tới 275 triệu USD và Google là 174,9 triệu USD.

Đáng chú ý, nguồn thu quảng cáo của Google và Facebook tại Việt Nam có sự đóng góp lớn từ mảng tin tức sử dụng lại nguồn từ các báo và trang tin, qua đó giúp mang lại lượng views và giữ chân người dùng. Tuy nhiên trong suốt nhiều năm qua, các đường link tin tức báo chí được dẫn lại trên Facebook hay những bài viết được Google lấy lại sử dụng cho dịch vụ Google News đều là "dùng chùa" mà không hề có sự chia sẻ lại nguồn doanh thu quảng cáo thu được nhờ mảng tin tức này.

Trước thực tế này, luật sư Thái cho rằng, Việt Nam cũng nên suy nghĩ đến việc yêu cầu Google và Facebook chia sẻ lợi nhuận với các cơ quan báo chí, để bảo vệ cơ quan quyền thông trong nước.

"Theo hiểu biết của tôi, hiện những ràng buộc giữa Facebook hay Google vào Việt Nam mới dùng lại ở câu chuyện về an ninh chính trị, bảo mật thông tin,… còn chưa có quy định nào hay cơ quan nào đề xuất về việc thu phí bản quyền nội dung cho các cơ quan báo chí. Nếu chúng ta chưa có thì chúng ta cũng nên suy nghĩ đến, đảm bảo lợi ích hài hòa cho tất cả các bên", vị luật sư này nhấn mạnh.

Đồng tình, nhiều luật sư khác cũng nhấn mạnh, nếu các nhà sản xuất nội dung, cơ quan thông tấn, truyền thông, báo chí Việt Nam muốn lấy được tiền từ nền tảng mạng xã hội hoặc công cụ tìm kiếm như Facebook, Google thì phải có các quy định của luật. Ví dụ, phải sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ, trong đó có quy định các công cụ tìm kiếm nếu tạo link thì phải trả phí thì mới thực hiện được, còn như hiện nay thì không thể thu tiền được từ Google hoặc Facebook.

"Việt Nam nên tham khảo và áp dụng một điều luật tương tự nhằm bảo vệ những nhà sáng tạo nội dung, các nhà xuất bản báo chí. Sự giúp đỡ về mặt pháp lý như thế sẽ giúp cân bằng "quyền lực" giữa các nền tảng xã hội với vai trò phân phối thông tin và phía còn lại là những người sản xuất nội dung", một chuyên gia khuyến cáo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem