FBI có liên quan đến cái chết của nhà văn Ernest Hemingway?

Thứ tư, ngày 23/12/2020 18:32 PM (GMT+7)
Trong một bài viết đăng trên tờ New York Times, nhà văn AE Hotchner, người bạn vong niên của đại văn hào Hemingway, cho rằng cái chết của nhà văn Hemingway thật ra có liên quan đến Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI)
Bình luận 0

Hơn nửa thế kỷ qua, nhiều người vẫn còn tin rằng đại văn hào Ernest Hemingway tự sát là do bị trầm uất khi biết sự nghiệp văn chương của mình "tụt dốc". Cũng có một số người cho rằng nguyên nhân tự sát là bởi vì nhà văn Hemingway mắc chứng rối loạn thần kinh hoang tưởng.

Tuy nhiên, sự thật không hoàn toàn đúng như vậy. Nhà văn AE Hotchner, một người bạn vong niên và là người cộng tác trong suốt 13 năm cuối đời của nhà văn đã có cách lý giải khác. Nhà văn Hotchner viết rằng, việc FBI theo dõi nhà văn Hemingway đã góp phần đáng kể vào tâm bệnh của nhà văn Hemingway khiến ông quẫn trí, tự vẫn.

FBI có liên quan đến cái chết của nhà văn Ernest Hemingway? - Ảnh 1.

Cố nhà văn Ernest Hemingway.

Theo nhà văn Hotchner, những ngày cuối trước khi tự vẫn, nhà văn Heningway đã có những biểu hiện và hành vi không bình thường. Ông liên tục hốt hoảng và phát ra những câu nói rất khó hiểu.

Hotchner viết, vào tháng 11/1960, ông đến thăm vợ chồng nhà văn Hemingway tại nhà riêng của nhà văn ở Ketchum, bang Idaho và cùng nhau đi săn chim công. Hotchner nhớ là đã thấy Hemingway liên tục nói đến việc "họ theo sát tôi", và khi được hỏi "họ là ai?" thì nhà văn bảo rằng "họ là FBI".

Hemingway bảo rằng, xe của ông, điện thoại của ông đều bị gắn bọ nghe lén, thư từ bị đọc trộm. Hemingway nhắc đến chi tiết có 2 kiểm toán viên đã kiểm tra tài khoản ngân hàng của ông vào nửa đêm. Khi nhìn thấy những người đàn ông ngồi trong quán bar, tại quầy báo ga xe lửa hay tại những tiệm ăn mà ông và những bạn văn của mình đến, Hemingway đều cho rằng đó là những đặc vụ FBI đang "theo dõi" ông. Nhiều người cho rằng đây là biểu hiện của bệnh hoang tưởng.

Thực ra, việc nhà văn Hemingway mắc chứng hoang tưởng là có thật và việc FBI theo dõi ông cũng có thật, bắt đầu từ cuối Thế chiến II, rất lâu trước khi ông qua đời. Chính việc Giám đốc FBI J. Edgar Hoover cho người theo dõi Hemingway đã làm cho chứng bệnh của nhà văn ngày càng nặng, góp phần làm cho tật nghiện rượu của ông thêm khó chữa dẫn đến nhiều chứng bệnh về gan và tim mạch.

Hồ sơ FBI giải mật năm 1980 theo Luật Tự do thông tin cho thấy Giám đốc Edgar Hoover rất quan tâm theo dõi Hemingway. Đáng lưu ý, trong 120 trang hồ sơ giải mật của FBI có đến 15 trang bị kiểm duyệt bôi đen vì chứa những thông tin nhạy cảm, không thể công bố trước công chúng.

Theo các hồ sơ giải mật thì Hoover đã ra lệnh cho các đặc vụ FBI theo dõi sát nhà văn Hemingway từ năm 1945, khi ông tìm cách lập "mạng lưới tình báo chống phát xít mang tên Crook Factory", cả khi ông neo chiếc du thuyền Pilar ngoài khơi Cuba, và nhất là khoảng thời gian ông đến sống tại Cuba vào các năm 1957 và 1959, 1960. Việc theo dõi kéo dài cho đến khi Hemingway qua đời.

Jeffrey Meyers - nhà nghiên cứu về Hemingway - cho biết, ngay cả khi bị bệnh tâm thần nặng phải nhập viện điều trị tại Viện Điều dưỡng Mayo tháng 11/1960, những y, bác sĩ điều trị bệnh xung quanh Hemingway cũng đều là những người được bí mật giao nhiệm vụ theo dõi Hemingway. Hemingway được "điều trị" bằng phương pháp điện châm. Đến tháng 1/1961, ông được cho xuất viện trong tình trạng "suy sụp nặng". Một đặc vụ khi đó đã báo cáo vắn tắt với Hoover rằng "Hemingway đã bị bệnh cả về thể chất lẫn tinh thần"

Tiểu Khang (Theo Công An Nhân Dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem