FDI từ Trung Quốc đột biến 450%: Không để Việt Nam trở thành nơi "bán giấy phép"
Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 16,74 tỷ USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ 2018.
Vốn Trung Quốc cũng tăng, đạt 2 tỷ USD ở tất cả hợp phần mà riêng phần đăng ký cấp mới là 1,56 tỷ USD, tăng 450% so với con số 280 triệu USD cùng kỳ 2018.
Tính đến hết tháng 5, Trung Quốc vẫn dẫn đầu về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới và năm 2019 là năm đầu tiên ghi nhận vốn FDI đăng ký cấp mới từ Trung Quốc vươn lên dẫn đầu. Riêng trong tháng 5, Hàn Quốc đã vượt nước này về lượng vốn đăng ký mới vào Việt Nam với 357 triệu USD, trong khi Trung Quốc là 247 triệu USD.
Liên quan đến vấn đề này, Góc nhìn chuyên gia Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).
Ông Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương.
FDI tăng nhanh do tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Thưa ông, vì sao dòng vốn FDI lại tăng mạnh, đặc biệt là dòng vốn từ Trung Quốc?
Từ trước đến nay, chưa bao giờ có tốc độ tăng nhanh như thế.
Theo tôi, dòng vốn đầu tư nước ngoài tràn vào Việt Nam trong những tháng gần đây là do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Những sản phẩm nào mang thương hiệu “made in China” bị Mỹ đánh thuế vì thế nên không xuất khẩu được Mỹ. Chính vì thế, nhà đầu tư nước ngoài đã dịch chuyển dòng vốn đầu tư sang các quốc gia khác như Việt Nam, Thái Lan, Indonexia hay Ấn Độ.
Riêng với Trung Quốc, họ đầu tư vào Việt Nam để có nhãn hiệu sản xuất tại Việt Nam để tránh được thuế. Nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi Trung Quốc và chuyển 1 phần sang Việt Nam chứ không phải Việt Nam nhận được hết tất cả vì đây là một môi trường rất cạnh tranh. Hiện tại, Ấn Độ cũng đang nổi lên là một nươc thu hút nước ngoài rất có hiệu quả.
Không chỉ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, mà còn vì mặt bằng chi phí nhân công tại Trung Quốc tăng cao, tín dụng thắt chặt và tình hình nợ doanh nghiệp tư nhân tại Trung Quốc.
Về phía Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến Việt Nam trước hết là vì Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi như nhân công giá rẻ hơn, ưu đãi thuế và đặc biệt là việc Việt Nam tham gia rất nhiều các FTA, xuất khẩu đi các thị trường khác với ưu đãi thuế quan lớn.
Đó là những yếu tố khiến cho nhiều nước đã chọn Việt Nam làm điểm dừng chân lý tưởng trong chuyển dịch dòng vốn đầu tư.
Dòng vốn FDI tăng mạnh đó là tín hiệu tốt hay xấu, thưa ông?
Đó là 1 tín hiệu tích cực. Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn, thu hút được công nghệ và tạo được công ăn việc làm cho người lao động. Điều này đồng nghĩa với sự tăng trưởng từ GDP. Như chúng ta đã biết, tăng trưởng GDP hiện nay của Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp FDI.
Chính vì thế, sự gia nhập của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam càng là cơ hội cho Việt Nam tăng trưởng nhanh về GDP. Nhưng về lâu dài, Việt Nam không thể "sống nhờ" vào FDI mãi, chúng ta phải dựa vào sự phát triển của khối doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh mặt tích cực, việc dòng vốn Trung Quốc, cũng như vốn FDI vào Việt Nam kỷ lục cũng sẽ tạo ra những thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải cạnh tranh giành khách hàng với doanh nghiệp của những nước lớn có trình độ sản xuất chuyên nghiệp ngay tại thị trường trong nước.
Vấn đề ở đây là chúng ta phải tiếp tục khuyến khích cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển để có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Chúng ta không nên quá ưu đãi đối với doanh nghiệp FDI. Chúng ta phải có điều kiện ràng buộc để doanh nghiệp FDI kết nối với các doanh nghiệp trong nước.
Trong khi doanh nghiệp nhà nước không vươn lên được, doanh nghiệp tư nhân bị hạn chế về chính sách hay luật lệ, doanh nghiệp FDI được hưởng nhiều ưu đãi và phát triển nhanh chóng thì sẽ rất bất lợi cho nền kinh tế.
Không để Việt Nam trở thành nơi "bán giấy phép"
Người dân Việt Nam thường ấn tượng không tốt về Trung Quốc. Vậy việc dòng vốn Trung Quốc đổ vào Việt Nam tăng tới 450% trong thời gian qua thì nên ứng xử thế nào, thưa ông?
Chúng ta đừng bao giờ đặt câu hỏi đó là dòng vốn của ai, từ đâu, từ Trung Quốc, Mỹ hay Hàn Quốc? Điều đó tôi cho rằng không có ý nghĩa.
Chúng ta không nên có bất kỳ thành kiến nào về dòng vốn của Trung Quốc, mà chúng ta cần xem xét rằng doanh nghiệp đó tốt hay không, làm ăn nghiêm túc đến đâu…Nếu họ thực sự tốt, thực sự nghiêm túc trong việc đầu tư để cùng phát triển thì chúng ta có thể chấp nhận họ dù họ đến từ đâu đi chăng nữa. Quan trọng hơn nữa là họ đầu tư vào đây đảm bảo công nghệ thân thiện với môi trường, đảm bảo xử lý nước thải, rác thải.
Đồng thời, chúng ta cần xác định học gì, học như thế nào và trong bao lâu từ doanh nghiệp FDI? Trên cơ sở đó, nhà đầu tư nước ngoài có nguồn gốc ở đâu không phải là yếu tố quyết định.
Vốn đăng ký cấp mới của 5 đối tác lớn nhất tại Việt Nam. Đơn vị: Triệu USD (Ảnh: NDH)
Cũng phải nói thêm rằng, Việt Nam là cửa ngõ của Trung Quốc với ASEAN nên không lý do gì họ đi qua cửa ngõ vào một khu vực cộng đồng mà chúng ta không đồng tình bởi trong Luật đầu tư nước ngoài chúng ta có luật là không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư.
Tôi cũng lưu ý, là doanh nghiệp Trung Quốc rất khéo trong việc vận động hành lang (lobby). Những điều ấy, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Mỹ hay Liên Minh Châu Âu nghiêm cấm cho nên họ không làm. Chính vì vậy, với nhà đầu tư Trung Quốc khi đổ vốn vào Việt Nam thì các cơ quan giám sát phải giám sát nghiêm túc để bảo vệ lợi ích của đất nước, môi trường chứ không phải để nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư, trục lợi và tàn phá môi trường của Việt Nam.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc FDI của Trung Quốc đổ vào Việt Nam tăng mạnh thời gian qua sẽ không tránh được tình trạng Transshipment kiểu FDI trá hình. Ông nghĩ sao về điều này?
Điều này là hoàn toàn có cơ sở. Như chúng ta đã biết, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này sẽ khiến cho hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ gặp khó khăn, nền kinh tế Trung Quốc chậm lại. Như vậy, Trung Quốc cần một nơi trung gian để làm bàn đạp cho xuất khẩu những mặt hàng hiện nay Trung Quốc đang bị Mỹ đánh thuế.
Cũng như việc hàng hóa từ Trung Quốc tuồn qua Việt Nam, dán mác Việt Nam để xuất sang Mỹ thì Trung Quốc hoàn toàn có thể nghĩ tới việc đặt một cơ sở theo kiểu doanh nghiệp FDI trá hình để thực hiện việc đó.
Theo tôi được biết, cơ quan giám sát của Hoa Kỳ cũng đang chú ý đến hiện tượng doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam nhưng chỉ đầu tư một cách hình thức là xây mấy tòa nhà để lắp ráp và gắn mác “made in Việt Nam”. Nếu như những mặt hàng có hàm lượng sản xuất tại Việt Nam quá thấp và bị Mỹ phát hiện ra, nhiều khả năng mặt hàng đó của Việt Nam sẽ rơi vào sự trừng phạt thương mại của Mỹ.
Ví dụ như hàng Dệt may hay Da giày của chúng ta bị Mỹ phát hiện ra rằng được sản xuất từ Trung Quốc và về Việt Nam dán mác thì lúc đó Mỹ có thể có chế tài, đánh thuế gây bất lợi cho những dòng sản phẩm này chúng ta.
Hơn bao giờ hết chúng ta phải nghiêm túc, thận trọng trong việc giám sát dòng vốn đầu tư FDI, trong đó có FDI Trung Quốc, nếu không thì chúng ta sẽ phải trả giá đắt. Tuyệt đối, không để Việt Nam trở thành nơi "bán giấy phép", trở thành nơi để doanh nghiệp FDI "ở tạm" nhằm lợi dụng xuất xứ.
Ngoài việc nâng cao vai trò của cơ quan thanh tra, giám sát. Chúng ta cần làm gì để tận dụng được dòng vốn FDI một cách hiệu quả nhất, thưa ông?
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hứa hẹn những cơ hội tích cực nếu Việt Nam có thể nắm bắt. Nhưng thách thức cho Việt Nam cũng không nhỏ khi cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng tiếp nhận làn sóng chuyển dịch sản xuất. Chính vì thế, để tận dụng được cơ hội từ làn sóng FDI đổ vào Việt Nam, chúng ta cần phải có sự chuẩn bị tốt từ cơ sở hạ tầng, logistics, hoàn thiện môi trường kinh doanh … Nếu không đáp ứng được những điều đó thì dòng vốn kia vào cũng không thể hoạt động thuận lợi.
Bên cạnh đó là việc chú trọng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Cuối cùng là vai trò của Chính phủ, phải nhìn ra những thuận lợi, khó khăn và đưa ra những chính sách điều phối thích hợp, kinh tế Việt Nam sẽ có cơ hội đi lên.
Ngoài ra, như tôi đã phân tích ở trên, chúng ta cần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân thay thay vì ban hành quá nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI. Đã đến lúc Việt Nam cần rà soát lại các chính sách ưu đãi về thuế khóa hay đất đai đối với FDI, nhằm tạo môi trường bình đẳng hơn với các doanh nghiệp trong nước.