Fed tăng lãi suất lần thứ 10: Chuyên gia chỉ đích danh 3 tác động "không bình thường" và cơ hội của Việt Nam

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 05/05/2023 06:00 AM (GMT+7)
Chia sẻ với Dân Việt, TS. Lê Xuân Nghĩa chỉ đích danh 3 tác động "không bình thường" trong lần tăng lãi suất lần thứ 10 của Mỹ. Với Việt Nam, những tác động theo các chuyên gia là "không đáng kể".
Bình luận 0

Fed tăng lãi suất: 3 tác động "không bình thường"

Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % lên mức 5-5,25%. Với lần tăng lãi suất thứ 10 này, lãi suất điều hành của Fed đã lên mức cao nhất kể từ năm 2007 cho tới nay. Nguyên nhân là vì lạm phát tại Mỹ có thể sẽ không giảm nhanh như dự báo trước đó.

Trong thông cáo báo chí, Fed đã không còn nhắc đến kỳ vọng tăng lãi suất trong các cuộc họp tiếp theo báo hiệu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ có thể đã đến hồi kết. Dù vậy, việc Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết sẽ không cắt giảm lãi suất khi lạm phát vẫn ở mức cao đã tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường.

Fed tăng lãi suất lần thứ 10: 3 tác động "không bình thường", cơ hội nào cho Việt Nam? - Ảnh 1.

TS. Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.

Dù không bất ngờ bởi quyết định tăng lãi suất của Fed, song TS. Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia chỉ ra 3 tác động "không bình thường" trong lần tăng lãi suất này của Fed.

Thứ nhất, Fed tăng lãi suất thì đồng USD, theo ông Nghĩa, lẽ ra phải tăng giá. Thế nhưng, thực tế cho thấy đồng bạc xanh "lao dốc" ngay sau quyết định tăng lãi suất của Fed. Dữ liệu ngày 4/5 cho thấy, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm mạnh 0,74%, xuống mốc 101,22.

Hai là, tăng lãi suất ở mức độ thấp (chỉ 0,25 điểm %), chứng khoán Mỹ thay vì ổn định, hoặc tăng điểm, cũng sụt giảm ngay sau khi Fed tăng lãi suất.

Ba là, việc tăng lãi suất của Fed lần này khiến cho dân chúng lo ngại hơn rằng kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục đi xuống, từ nguy cơ suy thoái nhẹ có thể trở thành nguy cơ suy thoái sâu.

"Lần tăng lãi suất này của Fed gần như không được thị trường hoan nghênh. Vì vậy, nhiều người cho rằng trong thời gian tới Mỹ sẽ không còn tăng lãi suất và chuyển sang chu kỳ giảm lãi suất", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Việt Nam không chịu nhiều áp lực, cơ hội giảm lãi suất điều hành

Từ những phân tích kể trên, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng tỷ giá hối đoái của Việt Nam sẽ ít chịu áp lực từ quyết định tăng lãi suất lần này của Mỹ. Bởi Việt Nam đang có thặng dư thương mại khá lớn (trên 6,4 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm) và đồng USD của Mỹ giảm giá như đã đề cập ở trên. Điều này sẽ giúp cho tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài ổn định hơn khi Việt Nam đã và đang có nhiều biện pháp khôi phục kinh tế nhất.

Đó là tác động tích cực. Về tác động tiêu cực, vị chuyên gia này cho rằng mối lo ngại về suy thoái kinh tế trở lên mạnh mẽ hơn, lượng đơn đặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể giảm hơn. Trong tháng 4 chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đã giảm mạnh xuống chỉ còn 46,7 điểm. Đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam ở dưới ngưỡng 50 điểm, phản ánh hoạt động sản xuất chế tạo đang bị thu hẹp.

Từ đó, theo ông Nghĩa đây là cơ hội để Ngân hàng Nhà nước nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ hiện đang bị thắt chặt quá mức, từ đó thúc đẩy thị trường nội địa phát triển, giảm bớt những tác động tiêu cực từ bên ngoài.

"Mặc dù Fed đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm %, song chúng ta dự đoán Mỹ sẽ không còn tiếp tục tăng lãi suất được nữa bởi nếu tăng kinh tế Mỹ sẽ đi vào suy thoái sâu. Cùng với đó, chúng ta cũng dự đoán được rằng đồng USD vẫn trong xu thế giảm. Do đó, đây là cơ hội để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất", ông Nghĩa nói.

Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng lưu ý thêm, tốt nhất chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải có động thái tích cực hơn nữa để hỗ trợ cho phục hồi đà tăng trưởng của Việt Nam, nếu không kinh tế sẽ tiếp tục lao dốc trong quý II này.

Fed tăng lãi suất lần thứ 10: 3 tác động "không bình thường", cơ hội nào cho Việt Nam? - Ảnh 2.

Fed tăng lãi suất nhưng Việt Nam không chịu nhiều áp lực, cơ hội giảm lãi suất điều hành.

Nêu quan điểm của mình, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, với nền kinh tế mở như Việt Nam chắc chắn sẽ chịu tác động bởi việc nâng lãi suất của Fed. Tuy nhiên, vị chuyên gia này đánh giá mức độ ảnh hưởng là "không đáng kể". Lý do là, mức tăng 0,25 điểm % là mức tăng nhẹ và đã được thị trường dự báo trước.

Các chuyên gia cũng thừa nhận rằng, Fed tăng lãi suất lần này không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam, có chăng tác động chỉ mang tính ngắn hạn bởi chính sách tài khóa, tiền tệ của Việt Nam đã khá ổn định. Hơn nữa, phía Ngân hàng Nhà nước đã có kế hoạch từ trước và có hành động hạ lãi suất, bơm thanh khoản cho thị trường.

Trên thực tế, dù thời gian qua Fed không ngừng tăng lãi suất và các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới vẫn đang trong quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm đối phó với lạm phát tăng cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn "ngược" xu hướng. Biểu hiện là, chưa đầy 1 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã có tới 2 lần giảm lãi suất điều hành vào tháng 3 và tháng 4 vừa qua. Điều này theo quan điểm của ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO Công ty AFA Capital, Việt Nam chấp nhận chính sách tiền tệ độc lập.

Hay nói cách khác, bối cảnh hiện nay cho thấy động thái của Fed hiện không quá quan trọng với thị trường Việt Nam, ít nhất là trong ngắn hạn. Một số diễn biến cụ thể cũng cho thấy lãi suất tiết kiệm trên thị trường dân cư vẫn trong xu hướng hạ nhiệt, đi ngược với diễn biến của Fed. Kéo theo đó, nhiều ngân hàng thương mại cũng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, thậm chí có ngân hàng giảm tới 4%/năm.

Đơn cử như tại Vietcombank, nhà băng này vừa quyết định triển khai giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho vay VND cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với thời gian áp dụng trong 03 tháng từ 01/05/2023 đến hết 31/07/2023 (không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá, thấu chi…). Trước đó, Vietcombank đã triển khai chương trình giảm lãi suất cho vay áp dụng trong 4 tháng, từ 01/01/2023 đến hết 30/04/2023.

Hay như tại PVcomBank, nhà băng này thông báo đẩy mạnh triển khai gói tín dụng ưu đãi lên tới 13.500 tỷ đồng phục cho vay khách hàng với mức lãi suất cho vay giảm tới 4% so với lãi suất thông thường. Đối tượng được hưởng ưu đãi gồm các khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, mua nhà/đất để ở, mua ô tô, các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ vay sản xuất kinh doanh các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất và phân phối các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu… Gói tín dụng ưu đãi này sẽ được triển khai đến hết 31/01/2024 hoặc khi hết dư địa giải ngân.

Với gói tín dụng này, tùy theo mục đích vay vốn tại PVcomBank, khách hàng có thể được hưởng lãi suất ưu đãi khởi điểm chỉ từ 10%/năm, hạn mức lên tới 20 tỷ đồng, linh hoạt phương án trả lãi, gốc.

Ngoài ra, các doanh nghiệp m.SME (các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa), hộ kinh doanh gia đình, các tiểu thương, chủ cơ sở sản xuất… có nhu cầu vay vốn bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh cũng là đối tượng khách hàng của gói tín dụng này với mức lãi suất áp dụng từ 10,49%/năm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem