Fed tăng lãi suất và báo hiệu thêm 6 lần tăng tiếp: Ngân hàng Nhà nước có đổi chính sách tiền tệ?

Huyền Anh Chủ nhật, ngày 20/03/2022 10:00 AM (GMT+7)
Giới phân tích tiếp tục duy trì quan điểm cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong năm 2022 sẽ không bị nhiều tác động lớn đối với việc Fed tăng lãi suất.
Bình luận 0

Trong cuộc họp 15 – 16/3 (giờ Mỹ), các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bỏ phiếu để tăng lãi suất cơ bản thêm một phần tư điểm phần trăm (0,25 điểm %) và báo hiệu thêm 6 lần tăng lãi suất nữa từ đây đến cuối năm 2022 để chống lại lạm phát, vốn vẫn ở mức đỉnh của 40 năm.

Ngoài ra, theo ông Powell – Chủ tịch Fed, Fed đã kết thúc chương trình mua trái phiếu để bơm tiền ra ngoài vào tuần trước và có thể hoàn tất kế hoạch thu hẹp bảng cân đối tài sản gần 9 nghìn tỷ USD của Fed vào cuộc họp FOMC tiếp theo vào ngày 03/05 và 04/05 (bắt đầu chương trình thắt chặt định lượng - QT), và để thực hiện chương trình đó trong T6/2022.

Nếu lạm phát không giảm vào giữa năm 2022, ước tính rằng Fed có khả năng sẽ tăng lãi suất nhiều hơn vào cuối năm 2022 cùng với việc đẩy nhanh chương trình thắt chặt định lượng của mình.

Fed tăng lãi suất và báo hiệu thêm 6 lần tăng tiếp: 3 yếu tố giúp Việt Nam “xoa dịu” tác động - Ảnh 1.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bỏ phiếu để tăng lãi suất cơ bản thêm một phần tư điểm phần trăm (0,25 điểm %) và báo hiệu thêm 6 lần tăng lãi suất nữa từ đây đến cuối năm 2022. (Nguồn: ACBS)

Nhận diện 3 tác động nhãn tiền khi Fed tăng lãi suất

Đối với Việt Nam, các chuyên gia đánh giá, việc Fed tăng lãi suất cũng sẽ có tác động đến Việt Nam nhưng không nhiều vì cơ quan quản lý và các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư đã dự báo được trước vụ việc này.

Dù vậy, theo TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, việc Fed tăng lãi suất cũng sẽ có một số tác động nhất định.

Thứ nhất, việc này sẽ khiến cho chi phí vay và trả nợ nước ngoài bằng đồng USD bị tăng lên.

Thứ 2 sẽ tác động một phần đối với tỷ giá vì USD đã đang và sẽ còn tăng giá và tỷ giá sẽ tăng nhẹ.

Thứ 3, có thể bắt đầu thêm sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư tức là khi Fed tăng lãi suất thì dòng vốn sẽ quay trở về Mỹ vì lãi suất ở đó cao hơn và một phần quay trở lại châu Âu vì mức độ rủi ro ở đó được đánh giá thấp.

Tuy nhiên, ông Lực đánh giá khả năng dịch chuyển vốn không nhiều vì Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường đầu tư hấp dẫn.

"Fed tăng lãi suất sẽ tác động một phần nhỏ đến tiến trình phục hồi kinh tế của Việt Nam nhưng không đáng kể," TS Cấn Văn Lực đánh giá.

Ba yếu tố giúp Việt Nam không chịu tác động lớn khi Fed tăng lãi suất

Tại báo cáo vừa cập nhật, nhân viên phân tích tại ACBS Trịnh Viết Hoàng Minh cho biết, ACBS tiếp tục giữ quan điểm việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong năm 2022 sẽ không bị nhiều tác động lớn đối với việc Fed tăng lãi suất.

Ước tính, lãi suất tại Việt Nam có thể sẽ tăng trong 6 tháng cuối năm 2022 tối đa 0,5%.

Đồng thời, theo nhân viên phân tích tại ACBS Trịnh Viết Hoàng Minh, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ xu hướng tiếp tục mở rộng nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 nếu hội tụ 3 yếu tố.

Thứ nhất, Fed sẽ chỉ tăng lãi suất với tổng mức tăng cao nhất là 2% nhưng Fed sẽ chưa bắt đầu chương trình thắt chặt định lượng (tức là rút tiền ra khỏi hệ thống).

Hai là, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam duy trì trong mức 4%, chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn có xu hướng tiếp tục được mở rộng để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế.

Ba là, xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng kinh tế chính của đất nước khi các hoạt động sản xuất dần phục hồi và kim ngạch xuất khẩu dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi và một danh sách dài các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã đạt được cho đến nay như EVFTA, UKVFTA, CPTPP.

Fed tăng lãi suất và báo hiệu thêm 6 lần tăng tiếp: 3 yếu tố giúp Việt Nam “xoa dịu” tác động - Ảnh 3.

Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ xu hướng tiếp tục mở rộng nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 nếu hội tụ 3 yếu tố. (Ảnh:TTX)

Cũng theo vị này, tác động lớn chính của việc Fed tăng lãi suất chủ yếu ảnh hưởng đến dòng vốn nước ngoài. Trong ngắn hạn, với lịch sử của các đợt tăng lãi suất khác của Fed, dòng vốn vào các thị trường mới nổi sẽ luôn đảo chiều và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Tuy nhiên, ACBS kỳ vọng dòng vốn ra khỏi thị trường Việt Nam sẽ chủ yếu đến từ thị trường tài chính. Việt Nam, với nền tảng kinh tế vĩ mô tốt và chừng nào lạm phát còn được duy trì ở mức dưới 4%, sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là trong ngành công nghiệp sản xuất.

Về tỷ giá, bất chấp việc Fed tăng lãi suất, ông Trịnh Viết Hoàng Minh kỳ vọng đồng nội tệ tại ngân hàng và thị trường "chợ đen" sẽ tiếp tục giữ giá trong năm 2022.

3 yếu tố củng cố cho kỳ vọng của các chuyên gia ACBS đó là, xuất khẩu dự kiến sẽ vẫn duy trì tăng trưởng mạnh; FDI giải ngân dần hồi phục và FDI đăng ký vào Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng sau khi chúng ta kiểm soát được sự bùng phát dịch Covid-19 trên bình diện toàn quốc và mở cửa nền kinh tế hoạt động trở lại, nhất là khu vực sản xuất công nghiệp, nhờ danh sách dài các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) mà Việt Nam đã đạt được cho tới thời điểm này; và nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào (ước lượng đạt 111 tỷ USD vào cuối T9/2021).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem