“Gác” bằng kĩ sư điện về quê làm nông

05/01/2021 11:10 GMT+7
Bằng tất cả quyết tâm xây dựng mô hình nông nghiệp bền vững, Huỳnh Thanh Dư (xã Mỹ Ngãi, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) đã từ bỏ giấc mơ làm kĩ sư Điện tử Viễn thông để về quê làm nông nghiệp một cách tử tế và giàu kiến thức.

Bằng tất cả quyết tâm xây dựng mô hình nông nghiệp bền vững, Huỳnh Thanh Dư (xã Mỹ Ngãi, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) đã từ bỏ giấc mơ làm kĩ sư Điện tử Viễn thông để về quê làm nông nghiệp một cách tử tế và giàu kiến thức.

Khiến “vùng đất cằn nở hoa”

Chúng tôi đến với nông trại dược liệu Meron Farm (xã Mỹ Ngãi, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) của Huỳnh Thanh Dư vào một ngày nắng gắt cuối năm 2020. Nhìn nông trại trù phú với các loại dược liệu xanh mướt, ít ai biết khoảng 1 năm trước, nơi đây từng là cánh đồng đất sét cứng như đá, đến máy xới cũng phải “bó tay”. Và bất ngờ hơn, người khiến “vùng đất cằn nở hoa” lại là một cử nhân ngành Điện tử Viễn thông của trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

“Gác” bằng kĩ sư điện về quê làm nông - Ảnh 1.

Anh Huỳnh Thanh Dư và nông trại dược liệu của mình

Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, tò mò về đất nước vốn chỉ có sa mạc và cát nhưng có một nền nông nghiệp trù phú, tháng 7/2018, Huỳnh Thanh Dư quyết định đăng ký đi thực tập sinh nông nghiệp ở Israel để tìm hiểu về ngành nông nghiệp hiện đại.

Trải qua một năm tu nghiệp ở nước ngoài, làm việc trong các nông trại và quan sát cách người Israel vận hành nền nông nghiệp của họ, Dư bắt đầu có những suy nghĩ nhiều hơn về việc thay đổi cách làm nông nghiệp tại Việt Nam. “Khi ở Israel tôi thấy nông nghiệp của họ rất phát triển và học được nhiều triết lý về việc làm, tư duy của họ. Tôi rất trăn trở, suy nghĩ về một mô hình nông nghiệp bền vững để theo đuổi”, Dư chia sẻ.

Đi Israel là cơ duyên lớn nhất để Dư bắt đầu với việc làm nông nghiệp và cũng là cơ hội để anh gặp được người bạn đời Thanh Mi cùng chung chí hướng. Hai người kết hôn và lựa chọn quê Dư để xây dựng nông trại, phát triển nông nghiệp theo hướng mới. Trong những ngày tháng đầu, Dư và vợ gặp không ít trở ngại, trong đó cải tạo đất là vấn đề phức tạp và tốn nhiều chi phí nhất bởi mảnh đất này trước kia vốn trồng lúa, bị nhiễm độc và nhiều phèn, nắng bị khô, mùa mưa dễ úng nếu cải tạo không tốt, cây rất dễ chết. Đối mặt với khó khăn, Dư cho biết bài học lớn nhất anh học được ở người Israel là tinh thần luôn cải tiến công việc, tiết kiệm hết sức.

Để giải quyết vấn đề, Dư để cỏ mọc tự nhiên, đồng thời trồng cây tới đâu bón phân tới đó. Sau đó tận dụng nguồn thân, lá cây chuối sẵn có rồi cả mọi loại thân cây rau cỏ khác để ủ phân vi sinh. Cách này vừa hỗ trợ dưỡng chất và lợi khuẩn cho đất, vừa giúp họ chủ động được nguồn phân cho vườn. Hàng ngày, vợ chồng Dư cần mẫn cuốc từng cục đất khô cứng, làm đến đâu bón phân, trồng cây tới đấy cho đến khi những cây atiso đỏ, đậu biếc, sả và một số giống hoa bắt đầu đâm chồi. Nhờ có sự góp sức của đội ngũ tình nguyện viên, từ 4/2020 đến nay, nông trại có diện tích 6000m2 đã được phủ xanh hoàn toàn bởi hơn 20 loại dược liệu. Nông trại cũng dần cho nguồn thu từ các sản phẩm như siro, trà atiso đỏ, đậu biếc, bạc hà...

Mỗi ngày, vợ chồng Dư cùng các tình nguyện viên bắt đầu làm việc tại nông trại từ 7 giờ sáng đến giữa trưa thì về ăn cơm, nghỉ ngơi. Chiều 2 giờ lại tiếp tục công việc cho đến khi hoàng hôn buông xuống. Đặc biệt, quy trình canh tác nông trại phải đảm bảo được nguyên tắc “3 không”: Canh tác không hóa chất; không phân hóa học và không thuốc trừ sâu, diệt cỏ. Nông trại của Dư hướng tới triết lý “Nông nghiệp vì sức khỏe” dựa trên ba nền tảng chính: “Khỏe cho Đất, Khỏe cho Người Nông dân, Khỏe cho Người tiêu dùng”, cùng với phương châm “Thuốc là thực phẩm, thực phẩm là thuốc”, từ đó tạo nên những sản phẩm tốt cho sức khoẻ con người từ chính nguồn nguyên liệu sạch, an toàn, tự nhiên.

Ước mơ xây dựng hệ sinh thái riêng cho nông dân

Trong khi nhiều nông dân đã quen với việc tăng năng suất cây trồng bằng sự hỗ trợ của thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vô cơ, vợ chồng Dư và nhiều người trẻ đã chọn hướng đi khác. Điều vợ chồng Dư muốn truyền tải cũ̃ng rất đơn giản, đó là tương lai của nông nghiệp Việt Nam chính là con người. Khi người nông dân có tri thức hơn thì nền nông nghiệp sẽ có cơ hội thay đổi.

Trong câu chuyện với Dư, chúng tôi hỏi rằng làm nông nghiệp hữu cơ có phải đang là lý tưởng và xu hướng của nhiều bạn trẻ, Dư chỉ cười đáp: “Người trẻ làm nông nghiệp thường có hai kiểu. Hoặc bỏ phố về quê, được sống nhẹ nhàng, chỉ cần trồng đủ ăn, hoặc muốn làm và phát triển nông nghiệp. Tôi thuộc kiểu người thứ hai”.

Dư chia sẻ thêm, khác với suy nghĩ làm nông nghiệp công nghệ cao khi về nước, ở Meron farm, Dư gọi cách bản thân đang làm là nông nghiệp “công nghệ thấp”. Nói như vậy bởi thời gian đầu, do nguồn vốn hạn hẹp nên anh và vợ làm bằng sức chân tay là chủ yếu, sử dụng phân bò ủ với rơm, dung dịch vi sinh và không dùng hệ thống tưới nhỏ giọt. Với Dư, vấn đề quan trọng nhất là làm sao để quản lý trang trại hiệu quả, chuyển đổi tư duy nông nghiệp sang tư duy kinh doanh nông nghiệp chứ không chỉ sản xuất đơn thuần.

“Gác” bằng kĩ sư điện về quê làm nông - Ảnh 2.

“Chúng ta luôn nói muốn nông nghiệp phát triển, người nông dân được giàu nhưng nếu chỉ đứng ở trên thì không thể hiểu tâm thế của họ được. Có một nghịch lý rằng làm nông rất cực khổ, giá trị nông sản đáng ra phải cao, người nông dân đáng ra phải được tôn trọng nhưng thực tế lại không như vậy. Trong khi đó, ở Israel, nông nghiệp rất phát triển, người nông dân được đề cao”, Dư trăn trở.

Dư tâm sự, điều khó khăn nhất với những người làm mô hì̀nh nông nghiệp như anh ở Việt Nam là việc kết nối, xây dựng mô hình liên kết: “Tại Israel người nông dân không cô độc. Họ có một hệ sinh thái riêng, có nơi thu mua, có trung tâm nghiên cứu, có người làm truyền thông, quảng bá sản phẩm. Tất cả liên kết, hợp tác với nhau để tạo nên chuỗi giá trị cho nông sản. Với tôi hiện nay, công đoạn làm nông dân rất hạnh phúc nhưng đến khâu bán hàng thì đã đỡ vui hơn một chút”.

Chia sẻ dự định trong tương lai, thay vì mở rộng nông trại của mình, Dư cho biết sẽ cố gắng phát triển Meron Farm thành một mô hình kiểu mẫu. Sau đó, hướng tới trở thành một nông trại trung tâm, liên kết với những nông hộ vệ tinh để hình thành một hệ sinh thái nông trại dược liệu, giúp họ làm nông nghiệp sạch, tạo ra các mô hình bền vững tương tự. Nghiêm túc với con đường của mình, khi chúng tôi hỏi nếu khi hết hạn thuê đất, trong vài năm nữa công sức cải tạo, nông trại này sẽ không còn nữa, Dư có ý định dừng lại khát vọng của mình. Dư chỉ cười hiền: “Tôi sẽ tiếp tục xây dựng ở chỗ khác, sẽ không tiếc gì cả. Công sức cải tạo đất, gây dựng nông trại thời gian qua là những thử nghiệm quý giá. Khi thành công thì chúng ta đi đâu cũng có thể gây dựng lại được. Tôi học được triết lý rất hay của người Israel, đó là dù họ không có gì để sở hữu, có thể đi khắp nơi trên thế giới để làm việc nhưng cái họ mang về là trí tuệ”./.


P. Ngân
Cùng chuyên mục