Gái phố cổ và những chuyện tình vượt biên giới

Chủ nhật, ngày 04/11/2012 06:16 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những cuộc tình vượt biên giới của chị em những làng ven sông Hoài giờ đây đã trở nên rất đỗi bình thường với người dân phố Hội và nhiều nhất có thể kể đến phường Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong…
Bình luận 0

Chỉ với vài phường nhỏ ven sông Hoài (Hội An, Quảng Nam), người dân chủ yếu sống bằng nghề chèo đò, buôn bán, phục vụ nhà hàng, chạy xe thồ... nhưng lại có đến hàng chục, thậm chí hàng trăm phụ nữ, con gái Việt lấy chồng Tây. Những cuộc hôn nhân có thể bắt nguồn từ nghèo khó, hay chắp vá lúc về già… nhưng cuộc sống của họ đã thực sự đổi thay và biết đến hạnh phúc.

Những cuộc tình vượt biên giới của chị em những làng ven sông Hoài giờ đây đã trở nên rất đỗi bình thường với người dân phố Hội và nhiều nhất có thể kể đến phường Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong…

Những gia đình “đa quốc gia”

Chúng tôi gặp chị Trần Thị Hoa (SN 1966) là một trong 4 chị em trong một gia đình đều lấy chồng Tây được nhiều người nhắc đến. Ba mẹ Hoa, ông bà đình Trần Văn Danh và bà Nguyễn Thị Cúc (trú số 15 - Phan Bội Châu, Sơn Phong) đi đâu cũng tự hào về gia đình “đa quốc gia” với 4 cô con gái Trần Thị Hoa, Trần Thị Huệ (SN 1968), Trần Thị Hương (SN 1970) và cô út Trần Thị Hằng (SN 1974) của họ.

img
Chị Hoa đang trao đổi bên ông chồng Tây của mình

Hoa cho biết, do nhà nghèo, từ nhỏ chị em cô đã phải nghỉ học, bươn chải kiếm sống. Nhưng “trời lại thương”, dù suốt ngày dãi nắng dầm mưa buôn thúng bán mẹt, chèo đò đưa khách, nhưng cả 4 chị em mặt mũi đều sáng sủa, da trắng, cao xấp xỉ trên dưới 1,7m. Đặc biệt, nhờ quanh năm “bám” khách Tây nên tất cả đều nói tiếng Anh như gió (tiếng bồi - P.V), riêng Hoa và Hằng còn biết 2 - 3 thứ tiếng.

Hỏi về “nhân duyên” lấy chồng Tây của 4 chị em trong nhà, Hoa kể, bắt đầu từ năm 1995, khi Trần Thị Hương gặp anh Runno (người Pháp) - nhiếp ảnh gia đang làm việc cho hãng máy ảnh Leica nổi tiếng, đến Hội An du lịch. Mới gặp nhưng Runno đã mê tít cô gái Việt có vẻ đẹp mặn mà vùng sông nước, với giọng nói xứ Quảng đặc trưng... Chỉ một thời gian ngắn, họ tổ chức lễ cưới rồi đưa nhau về Pháp sống.

Sang Pháp, Hương được chọn ngay vào làm người mẫu cho hãng máy ảnh Leica. Bất ngờ hơn, Hương được chọn là người mẫu ảnh đẹp nhất nước Pháp, liên tục được đăng trên các tạp chí nổi tiếng. Vài năm tiếp theo, mấy chị em Hương đều lần lượt làm dâu trời Tây.

Hoa lấy anh David (người Australia) - một nhà quay phim điện ảnh; Huệ lấy chồng người Mỹ, làm nghề kinh doanh nhà hàng; Hằng là em gái út cũng được một anh tên là Henri - kỹ sư xây dựng “rước” sang Hà Lan... Bây giờ cô nào cũng có 2 - 3 con. Nhiều cô gái ở phố Hội cứ nhìn chị em Hoa mà thầm ghen tỵ: “Sao đời chúng nó may mắn thế!”.

Những câu chuyện về đại gia đình “đa quốc gia” còn nhiều khi tìm đến làng chài nay thuộc khối Đồng Hiệp, An Hội (Minh An). 3 chị em Nguyễn Thị Tân (lấy chồng người Thụy Điển tên Carl Abdreason), Nguyễn Thị Hồng (lấy chồng người Pháp), Nguyễn Thị Mai (chồng người Thụy Sĩ) hiện điều sinh sống tại Hội An.

Ông Nguyễn Văn Tấn, công an phường Minh An cho biết, hầu hết những phụ nữ ở Hội An lấy chồng Tây đều sống chủ yếu bằng nghề chèo đò, buôn bán, phục vụ nhà hàng, chạy xe thồ. Những năm trước đây người dân còn rất nghèo nên hầu như con em họ chỉ học cao nhất đến cấp 2 rồi phải bỏ học lăn lóc kiếm sống.

Nghề đơn giản nhất vẫn là chèo đò đưa khách du lịch trên sông Hoài. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ khoảng hơn 10 năm gần đây đã có hơn 60 phụ nữ ở khu vực An Hội, Đồng Hiệp lấy chồng Tây. Nhưng không phải ai muốn cũng được, trước hết, để tìm hiểu, trò chuyện với nhau, các cô gái Việt phải biết ngoại ngữ. Đặc biệt, họ phải giữ nguyên sự chất phác, dịu dàng, thật thà, là những phẩm hạnh mà người nước ngoài rất quý.

img
Chị Trần Thị Thu, cùng chồng, anh Pascal (Pháp) lãng mạn bên nhau dạo phố

Tình già trên bến sông Hoài

Theo chỉ dẫn của ông Dương Nam Phương, công an phường Cẩm Phô, chúng tôi tìm đến nhà bà Đỗ Thị Tràn (khối 2, Cẩm Phô), có cuộc đời gian nan và vất vả ở xóm vạn đò An Hội bên sông Hoài. Trong căn nhà trị giá cả tỷ đồng, bà Tràn vừa chăm sóc cho ông chồng Tây 77 tuổi vừa bộc bạch: “Đã bước qua tuổi 50, nhưng có lẽ nói về chuyện gia đình, tôi chỉ thực sự cảm thấy hạnh phúc trong 10 năm trở lại đây thôi...”. 20 tuổi, bà Tràn lấy chồng.

Cũng như bao cô gái khác ở xóm vạn đò, lớn lên từ con đò, lấy chồng cũng mưu sinh trên con đò, cứ thế ngày ngày bà bươn chải trên sông Hoài, còn chồng làm nghề thợ hồ đây đó để nuôi 2 con. “Nhưng đời hay phụ kẻ khó”, bà Tràn nói. Năm 1989, chồng có vợ bé, rồi bỏ bà cùng 2 con mà đi. Cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, bà Tràn ôm con đi dọc các tỉnh miền Trung từ Hội An vào Phan Rang, Phan Thiết... để kiếm sống. Năm 2000, mẹ con bà trở về, lại lấy con đò làm kế mưu sinh bên xóm vạn đò An Hội.

Giữa năm 2000, bà Tràn nhận chở một ông khách “Tây ba lô” tuổi đã 65 đi ngắm cảnh sông nước Hội An. Lênh đênh giữa dòng sông thì trời đổ mưa, chỉ có 1 chiếc áo mưa duy nhất, bà đưa cho ông Tây, còn bà chịu ướt. Đò về bến, ông Tây cũng lên bờ… Cứ tưởng chuyện qua rồi, nhưng chưa đầy một tháng sau, ông Tây lại xuất hiện tại bến, tìm đến đò bà Tràn.

Và không đầy một tuần ở Hội An, cuộc tình “sét đánh” giữa ông “Tây ba lô” và người chèo đò nên duyên. Ông Tây này tên Kiell Ka Kan Sson (SN 1935, người Thụy Điển, là kỹ sư cơ khí hàng không, cũng đã có gia đình cùng 2 con, các con ông đều đã trên 40 tuổi, có việc làm ổn định, ông ly dị vợ đã hơn 30 năm nay.

Ông Sson cho biết, từ rất lâu ông không còn nghĩ đến chuyện lại lập gia đình, chỉ đi du lịch khắp nơi để khuây khỏa, ai ngờ lần đầu đến Việt Nam, đến Hội An, trái tim ông lại rung động... Sau khi nghe bà Tràn kể hoàn cảnh, ông Sson quyết định “chúng ta hãy làm một gia đình”. Ngày 29.1.2001, họ làm lễ cưới, có người thân 2 bên gia đình hẳn hoi, chú rể Tây hơn cô dâu Việt gần 30 tuổi, nhưng họ cũng tổ chức một tuần trăng mật.

Bà Tràn đưa ông Sson đi thăm khắp miền xứ Quảng… Lúc bà Tràn kể, ông chồng Tây luôn nhìn bà vợ Việt nở nụ cười hiền từ, mãn nguyện, nói: “Tôi đã lấy em thì Việt Nam là quê hương tôi, tôi sẽ chết ở đây để được gần em mãi mãi...”.

Điều đáng ghi nhận là những trường hợp như bà Tràn không phải duy nhất, ví như bà Lê Thị Mỹ (52 tuổi) bà Hoàng Thị Bình (56 tuổi) ở An Hội, đều lấy chồng Đan Mạch, bà Lê Thị Hồng 54 tuổi, ở Mỹ An, lấy chồng Thụy Sĩ, họ đều xuất thân từ nghèo khổ, đã ít nhất một lần đổ vỡ, nhưng nay đều rất hạnh phúc với mối tình vào tuổi… xế chiều.

Ở Hội An bây giờ không hiếm cảnh các cặp vợ chồng Tây - Việt đưa nhau về thăm quê rồi lại ra đi, hoặc định cư hẳn. Tất cả đều ấm êm hạnh phúc như từ mấy trăm năm nay phố cổ vẫn trầm mặc bên dòng sông Hoài thanh bình.

Theo Dòng Đời

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem