Gần 89.000 tỷ đồng đã bơm vào hệ thống ngân hàng

Nguyễn Minh Thứ tư, ngày 22/06/2016 10:46 AM (GMT+7)
Thông qua việc mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, ước tính Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ròng vào hệ thống ngân hàng gần 89.000 tỷ đồng trong 5 tháng qua.
Bình luận 0

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong vòng 4 tháng qua, NHNN đã mua vào khoảng 8 tỷ USD (tương đương khoảng 178.000 tỷ đồng) giúp cải thiện dự trữ ngoại hối.

Việc mua vào một lượng lớn ngoại tệ như vậy đồng nghĩa với việc NHNN phải bơm một lượng lớn VND tương ứng ra thị trường (phản ánh trong tăng trưởng cung tiền M2). NHNN không công bố cụ thể khối lượng mua ngoại tệ trong từng thời điểm nhưng qua quan sát thanh khoản hệ thống ngân hàng (thể hiện qua lãi suất liên ngân hàng giảm và tình hình đấu thầu TPCP thuận lợi). 

Gần 90.000 tỷ đồng đã bơm vào hệ thống ngân hàng

Theo số liệu công bố từ NHNN, tăng trưởng cung tiền M2 tính đến cuối tháng 5 đạt mức 6,75% so với cuối năm 2015 trong khi tăng trưởng tín dụng ở mức thấp hơn (5,48%).

Theo tính toán của CTCK Bảo Việt (BVSC), chênh lệch giữa phần tăng thêm của cung tiền M2 và phần tăng thêm của tín dụng là 255.143 tỷ đồng. Một phần lượng tiền dư ra này đã được các NHTM đầu tư mới vào kênh trái phiếu Chính phủ (TPCP) với tổng lượng vốn ròng rót vào đây là 58.739 tỷ đồng.

Ngoài ra, lượng vốn NHNN bơm ròng qua kênh OMO trong 5 tháng qua cũng đạt gần 3.000 tỷ đồng. Như vậy, tính tổng cộng, phần chênh giữa cung tiền và cầu tiền trong nền kinh tế tính đến thời điểm cuối tháng 5 ước tính khoảng 95.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 4,2 tỷ USD).

BVSC cho rằng việc tình trạng dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện nay chỉ mang tính tạm thời và ngắn hạn. “Với rủi ro lạm phát đang tăng nhanh trở lại (CPI cuối tháng 5 đã đạt mức 2,28% trong khi cùng kỳ năm 2015 mới đạt 0,95%), NHNN sẽ phải rất thận trọng trong việc điều tiết cung tiền”, BVSC cảnh báo.

Trên thực tế, trong hai tuần đầu tháng 6, NHNN đã phát hành trở lại tín phiếu ngân hàng kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày với giá trị khoảng 40.000 tỷ đồng. Động thái này có thể nhằm mục đích hút bớt lượng tiền dư thừa trong hệ thống về.

“Tuy vậy, việc vận dụng các nghiệp vụ bơm/ hút vốn có thể có độ trễ nhất định nên thanh khoản hệ thống có thể sẽ vẫn ở trạng thái dồi dào trong một vài tuần nữa. Đây là điểm tích cực đối với lãi suất liên ngân hàng, đồng thời giải tỏa áp lực tăng đối với lãi suất huy động trên thị trường. 

BVSC ước tính dù còn phụ thuộc nhiều vào động thái bơm/hút ròng của NHNN qua các kênh để thay đổi tổng cung tiền M2 nhưng riêng phần đầu tư ròng vào TPCP của các NHTM thêm từ nay cho đến cuối năm sẽ vào khoảng 30.000 tỷ đồng (phần dự kiến phát hành trừ đi phần đáo hạn).

“Đây là lượng vốn không quá lớn so với lượng đầu tư ròng vào TPCP của các ngân hàng trong 5 tháng đầu năm (58.739 tỷ đồng) nhưng cũng sẽ giúp hấp thụ bớt lượng thanh khoản dư ra hiện nay”, BVSC ước tính. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem