Gần 90% doanh nghiệp xuất nhập khẩu tuân thủ pháp luật hải quan ở mức thấp

Trần Khánh Thứ sáu, ngày 16/09/2022 14:04 PM (GMT+7)
Tổng Cục Hải quan cho biết, trong số hơn 190.000 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, gần 90% doanh nghiệp xuất nhập khẩu tuân thủ pháp luật hải quan ở mức thấp.
Bình luận 0

Doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan ở mức thấp

Ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan nhấn mạnh như thế tại Hội nghị Triển khai và ký kết biên bản ghi nhớ chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Hội nghị do Tổng Cục Hải Quan phối hợp Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức ngày ngày 16/9 tại TP.HCM.

Theo ông Hoàng Việt Cường, Đảng và Nhà nước đã đưa ra các giải pháp quyết liệt tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19.

Hội nghị Triển khai và ký kết biên bản ghi nhớ chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Ảnh:P.V

Hội nghị Triển khai và ký kết biên bản ghi nhớ chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan tổ chức tại TP.HCM. Ảnh:P.V

Trong đó, việc khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan là một trong những chủ trương lớn nhằm thực hiện các Nghị quyết hàng năm của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo thống kê, trong hơn 190.000 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu thì có trên 10% doanh nghiệp tuân thủ ở mức trung bình. Có đến 89% doanh nghiệp đang tuân thủ ở mức thấp, hoặc không tuân thủ pháp luật hải quan.

Tháng 7/2022, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 1399 về việc ban hành Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Lợi ích mà chương trình đem lại cho doanh nghiệp tham gia là cắt giảm thời gian thông quan; giảm chi phí, cảnh báo các yếu tố tiềm ẩn rủi ro và giảm thiểu tối đa việc vi phạm pháp luật hải quan cho doanh nghiệp.

Trong số hơn 190.000 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, gần 90% doanh nghiệp xuất nhập khẩu tuân thủ pháp luật hải quan ở mức thấp. Ảnh minh họa: Trần Khánh

Trong số hơn 190.000 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, gần 90% doanh nghiệp xuất nhập khẩu tuân thủ pháp luật hải quan ở mức thấp. Ảnh minh họa: Trần Khánh

Khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan

Ông Cường cho biết, vì đây là chương trình thí điểm, giai đoạn đầu chỉ có khoảng hơn 266 doanh nghiệp được lựa chọn tham gia.

Từ đây, cơ quan Hải quan sẽ có cái nhìn tổng thể để xây dựng phương pháp phù hợp cho từng loại hình doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các loại hình kinh doanh xuất nhập khẩu.

Lợi ích mà chương trình đem lại cho doanh nghiệp tham gia là cắt giảm thời gian thông quan; giảm chi phí, cảnh báo các yếu tố tiềm ẩn rủi ro và giảm thiểu tối đa việc vi phạm pháp luật hải quan cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Trần Khánh

Lợi ích mà chương trình đem lại cho doanh nghiệp tham gia là cắt giảm thời gian thông quan; giảm chi phí, cảnh báo các yếu tố tiềm ẩn rủi ro và giảm thiểu tối đa việc vi phạm pháp luật hải quan cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Trần Khánh

Đến nay, cả nước có 1.413 đại lý làm thủ tục hải quan. Tổng cục Hải quan cũng cho biết sẽ ưu tiên cho đối tượng là các đại lý làm thủ tục hải quan.

Giai đoạn sau, tùy theo điều kiện và khả năng của mỗi địa phương sẽ tăng dần số lượng doanh nghiệp tham gia chương trình.

"Mục tiêu của chương trình, là sau 2 năm triển khai, tất cả doanh nghiệp tham gia từng bước cải thiện mức độ tuân thủ, 80% mức tuân thủ trung bình và cao", ông Cường nói.

Ông Hồ Ngọc Phan - Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) cho biết, chương trình này trước hết đem lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp.

Hải quan các địa phương và đại diện 16 doanh nghiệp tham gia ký kết biên bản ghi nhớ tham gia chương trình khuyến khích tuân thủ pháp luật hải quan. Ảnh: P.V

Hải quan các địa phương và đại diện 16 doanh nghiệp tham gia ký kết biên bản ghi nhớ tham gia chương trình khuyến khích tuân thủ pháp luật hải quan. Ảnh: P.V

Các doanh nghiệp vừa có lợi ích, đồng thời cũng cần phải có nghĩa vụ chấp hành đúng pháp luật bằng việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan Hải quan để đánh giá lại thực trạng việc tuân thủ pháp luật Hải quan hiện nay.

Đồng thời, chương trình nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan Hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cục Quản lý rủi ro là đơn vị đầu mối, phối hợp với các ngành liên quan và các hiệp hội doanh nghiệp đưa ra các hướng dẫn chi tiết, cũng như chịu trách nhiệm điều phối chung để chương trình đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Tại hội nghị, cơ quan Hải quan các địa phương như Cục Hải quan TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và đại diện 16 doanh nghiệp tham gia ký kết biên bản ghi nhớ tham gia chương trình.

Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID) tài trợ nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam áp dụng cách tiếp cận quản lý rủi ro trong lĩnh vực hải quan, cũng như hỗ trợ thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Dự án được thực hiện trong 5 năm (2018-2023) với tổng vốn 21,7 triệu USD. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ Việt Nam phát triển môi trường thương mại và đầu tư hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem