Gắn “sao” OCOP, tạo cú hích cho nông sản

Minh Ngọc Thứ tư, ngày 20/05/2020 05:55 AM (GMT+7)
Đông Anh (Hà Nội) được đánh giá là địa phương có tiềm năng và lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế làng nghề với nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo quy hoạch; nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao.
Bình luận 0

Đây được coi là nền tảng và lợi thế để Đông Anh phát triển Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP).

Sẵn sàng chớp thời cơ

Năm 2019, huyện Đông Anh được TP.Hà Nội công nhận 20 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao (tượng gỗ Long Mã, đậu phụ sạch Dafusa), 18 sản phẩm đạt 3 sao. Nhiều sản phẩm của huyện Đông Anh được gắn "sao" OCOP là yếu tố quan trọng thúc đẩy sản xuất, tạo "cú hích" cho những sản phẩm mới sẵn sàng tiếp cận thị trường lớn, có tính cạnh tranh cao.

Gắn “sao” OCOP, tạo cú hích cho nông sản  - Ảnh 1.

Sản phẩm "Điêu khắc quả mít" của anh Đỗ Văn Cường, thôn Thiết Úng đã được TP. Hà Nội công nhận 3 sao. Ảnh: Minh Ngọc

"Để tạo động lực thúc đẩy chương trình OCOP, huyện Đông Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp... tham gia hội chợ xúc tiến thương mại; kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các kênh phân phối hiện đại, tạo chuỗi liên kết bền vững để góp phần nâng cao giáa trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng".

Ông Nguyễn Văn Thiềng

Để làm được điều này, trên địa bàn huyện Đông Anh đã hình thành nhiều cơ sở chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm, các làng nghề, làng nghề truyền thống được bảo tồn, phát huy như bún Mạch Tràng, tương Việt Hùng, bánh chưng Liên Hà, đậu làng Chài Võng La, làng nghề gỗ mỹ nghệ Thiết Úng…

Nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ xuất hiện ở thôn Thiết Úng (xã Vân Hà) từ lâu đời. Qua hàng chục thế hệ, nhiều lớp nghệ nhân trẻ nối tiếp cha ông, cứ thế theo dòng chảy thời gian, đồ gỗ mỹ nghệ Thiết Úng dần tạo được thương hiệu trên thị trường.

Năm 2019, sản phẩm "Điêu khắc quả mít" của anh Đỗ Văn Cường (thôn Thiết Úng) được TP.Hà Nội đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao. Là gia đình có truyền thống làm làm nghề điêu khắc gỗ nhiều đời nay, anh Cường cho biết: "Ở đây, gia đình nào cũng làm nghề này, mỗi người lại có những bí quyết và chuyên về mỗi dòng sản phẩm riêng. Nhờ đó nhiều gia đình đã có cuộc sống ngày một sung túc. Như cơ sở của tôi, có rất nhiều sản phẩm chạm khắc tinh xảo, giá trị cao lên tới hàng trăm triệu đồng".

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, sản phẩm chạm khắc gỗ của làng nghề Thiết Úng rất phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, bao gồm các đồ dùng gia đình, đồ văn phòng, đồ thủ công mỹ nghệ. "Các sản phẩm gỗ mỹ nghệ của làng nghề Thiết Úng không chỉ được ưa chuộng ở thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước châu Âu.

Để khẳng định chất lượng sản phẩm, cũng như tiếp cận các thị trường lớn, tiềm năng, năm 2020, cơ sở của anh Cường tiếp tục đăng ký tham gia Chương trình OCOP với 2 sản phẩm "Lợn phú quý" và "Đài nến hoa sen".

Thu hút nhiều chủ thể tham gia

Theo Sở NNPTNT Hà Nội, Đông Anh là địa phương đầu tiên trên địa bàn thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đến nay, huyện đã khảo sát, đánh giá được 233 sản phẩm của 84 chủ thể sản xuất. Đông Anh đã lựa chọn 40 sản phẩm để đánh giá, xếp hạng "sao" năm 2020.

Để thúc đẩy Chương trình OCOP phát triển trong thời gian tới, ngay từ đầu năm 2020, UBND huyện Đông Anh đã quyết định xây dựng đề án phát triển nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 - 2025 theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Là năm đầu tiên có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, chị Trần Thị Thanh (chủ cơ sở sản xuất và chế biến gà tần Thiên Thanh) cho biết: "Để tiếp cận thị trường được dễ dàng cũng như mong muốn thành phố và huyện hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tôi đã quyết định đăng ký tham gia Chương trình OCOP".

Chị Thanh cho biết, bản thân là người đam mê với nông nghiệp từ nhỏ, sau khi từ bỏ công việc tư vấn kỹ thuật chăn nuôi cho các trang trại, chị đã xây dựng trang trại nuôi hàng nghìn gà thịt thương phẩm và đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng khu chế biến sản phẩm đóng hộp, với 2 sản phẩm chính là cháo gà ác gạo lứt và gà ác tần thuốc bắc.

"Nếu được gắn "sao" OCOP chúng tôi sẽ có cơ hội được phân phối tại các hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi, mang lại hiệu quả kinh tế cho cả nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng" - chị Thanh kỳ vọng.

Trao đổi với PV NTNN, ông Nguyễn Văn Thiềng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh cho hay: Các chủ thể cần xây dựng hướng đi bài bản, thực hiện đồng bộ các giải pháp như nâng cao chất lượng, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói nhằm nâng cao giá trị, thương hiệu, từ đó có thể mở rộng đầu ra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem