"Gánh" gần 3.800 tỷ nợ vay, Đức Long Gia Lai báo lãi lớn, DLG vẫn là "cổ phiếu trà đá"

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 08/11/2019 14:26 PM (GMT+7)
Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG) của ông Bùi Pháp báo lãi sau thuế “đột biến” trên 96 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng gần gấp 3 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, DLG vẫn đang gánh tới 3.800 tỷ đồng nợ vay và thị giá cố phiếu vẫn hẩm hiu quanh mức 1.500 đồng/cp.
Bình luận 0

Báo cáo tài chính quý III/2019 của Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG) cho thấy, doanh thu quý III/2019 của doanh nghiệp này đạt gần 658 tỷ, lợi nhuận 46,7 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với quý III/2018.

Theo lãnh đạo Đức Long Gia Lai, lợi nhuận trước thuế quý III/2019 tăng so với cùng kỳ chủ yếu là do công ty ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính tăng 40,72 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018. Do công ty mẹ kết chuyển thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty TNHH SX-TM-DV Đồng Phú Hưng chiếm tỷ trọng cao và các công ty thành viên phát sinh thu nhập từ hoạt động đầu tư tài chính.

“Ôm” gần 3.800 tỷ nợ vay, lợi nhuận 9 tháng tăng gần 3 lần

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 2.118 tỷ, đạt 66% kế hoạch năm. Trong đó, lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử đóng góp đến 1.425 tỷ đồng, tương đương 66% tổng cơ cấu doanh thu của DLG, trở thành lĩnh vực có đóng góp lớn nhất vào doanh thu công ty này trong suốt 4 năm qua.

img

Bên cạnh lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử với đóng góp lớn nhất, lĩnh vực BOT cũng ghi nhận 261 tỷ đồng trong 9 tháng qua từ hoạt động thu phí cầu đường thông qua 04 trạm thu phí tại Gia Lai và Đăk Nông.

Lợi nhuận sau thuế 9 tháng của Đức Long Gia Lai cán mốc 96,2 tỷ, tăng gần 3 lần so với lợi nhuận cùng kỳ năm 2018, vượt mục tiêu 9 tháng và đạt 80% kế hoạch năm.

Theo ban lãnh đạo DLG, năm 2019 dự kiến sẽ là năm đầu tiên trong suốt nhiều năm công ty không chỉ cán đích mà còn có thể vượt 6% lợi nhuận đã đề ra. Nếu như mục tiêu này thành công, năm 2019 sẽ là một năm “đặc biệt” với DLG của ông Bùi Pháp bởi đã nhiều năm qua, DLG thường xuyên lên kế hoạch kinh doanh lạc quan, nhưng kết quả thực hiện đều ở mức rất thấp.

Chẳng hạn, năm 2018, DLG đặt mục tiêu đạt 140 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, nhưng thực hiện chỉ 10% kế hoạch.

Trước đó, năm 2017, kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 200 tỷ đồng, song mới hoàn thành được 44%. Năm 2016, DLG thực hiện được 43,5% kế hoạch lãi 220 tỷ đồng - là năm có kết quả tốt nhất của Công ty.

Trong 9 tháng đầu năm, ngoài khoản doanh thu tài chính đột biến gần 43 tỷ kể trên, chi phí tài chính của Đức Long Gia Lai cũng tăng thêm 9%, từ mức 244 tỷ lên 266 tỷ đồng. Nguyên nhân là do lãi suất tiền vay tại các TCTD tăng. Tính đến thời điểm 30/9, tổng nợ vay của Đức Long Gia Lai xấp xỉ 3.787 tỷ đồng, chiếm 42% tổng tài sản và vượt qua vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Tuy đang là “con nợ” lớn song Đức Long Gia Lai của ông Bùi Pháp có tới hàng nghìn tỷ đồng cho vay với các tổ chức và cá nhân khác nhau được ghi nhận tại báo cáo tài chính của doanh nghiệp tính tới thời điểm cuối tháng 9/2019. Kèm theo đó, lãi từ tiền gửi, tiền cho vay của công ty cũng tăng nhẹ so với cùng kỳ, đạt trên 38 tỷ đồng.

img

Tính tới 30/9, tổng tài sản của DLG đạt hơn 8.916 tỷ đồng, tài trợ chủ yếu bằng các khoản phải thu ngắn hạn (3.157 tỷ đồng). Bên kia bảng cân đối, Đức Long Gia Lai của ông Bùi Pháp ghi nhận tới 5.339 tỷ đồng nợ phải trả, tăng 100 tỷ so với đầu năm. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến hết quý III/2019 đạt 136 tỷ đồng.

Cũng phải nói thêm rằng, trong 3 năm trở lại đây, lợi nhuận của DLG có xu hướng đi xuống, trong khi ngược lại, quy mô tài sản, nguồn vốn lại tăng nhanh qua các đợt chào bán tăng vốn và tăng vay nợ. Đây là nguyên nhân khiến các chỉ số sinh lời của DLG suy giảm đáng kể, hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm gần nhất đều đã xuống dưới mức 1%.

Cổ phiếu hết hy vọng?

Đồng hành với bức tranh tài chính “èo uột” trong những năm vừa qua, thị giá cổ phiếu DLG của Đức Long Gia Lai – hàn thử biểu đo sức khỏe tài chính và triển vọng của doanh nghiệp cũng lao dốc.

Cổ phiếu DLG của Đức Long Gia Lai chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán với giá 30.000 đồng/cp. Sau khi chào sàn với định giá cao, cổ phiếu DLG rơi vào vòng luẩn quẩn và tuột dốc về dưới vùng giá chào sàn và hiện chỉ còn quanh vùng giá 1.500 đồng/cp.

Đáng chú ý, cổ phiếu DLG liên tục rơi vào tình trạng dò đáy, có lúc còn rơi xuống vùng giá 1.200 đồng/cp. Tính tới thời điểm hiện tại, dù kết quả kinh doanh có khả quan hơn song thị giá DLG vẫn chỉ đứng ở mức giá 1.570 đồng/cp.

img

Diễn biến thị giá DLG

Nhìn vào đây có thể thấy giá của DLG hiện nay thậm chí không mua nổi cốc trà đá trong khi Đức Long Gia Lai là doanh nghiệp thuộc nhóm các “đại gia” tập đoàn với hàng chục công ty thành viên, liên kết với chiến lược kinh doanh “khủng”.

Trước tình trạng “hẩm hiu” của cổ phiếu, quỹ ngoại Pyn Elite cũng liên tục bán ra lượng lớn cổ phiếu DLG. Hiện, Pyn Elyte còn sở hữu hơn 14,8 triệu cổ phiếu DLG, và không còn là cổ đông lớn của Đức Long Gia Lai với tỷ lệ nắm giữ 4,95%.

Với diễn biến hiện nay của DLG, ở một góc độ nào đó có thể thấy cổ đông của Đức Long Gia Lai đã không còn đặt niềm tin vào doanh nghiệp cũng như hy vọng của cổ phiếu DLG?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem