Gánh nặng “con nợ” nghìn tỷ Gang thép Thái Nguyên trên vai VNSteel

Nguyên Phương Thứ ba, ngày 05/11/2019 16:46 PM (GMT+7)
Dù đã lên kế hoạch thoái vốn khỏi Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) từ lâu, song tới nay VNSteel và SCIC vẫn loay hoay, chưa thể thực hiện. Thêm vào đó, VietinBank từ chối giải phóng nghĩa vụ bảo lãnh của VNSteel với khoản vay hàng nghìn tỷ đồng của Tisco cho tại Dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.
Bình luận 0

img

Sau nhiều năm, VNSteel vẫn chưa thể thoái vốn khỏi Tisco.

Vướng khoản bảo lãnh nghìn tỷ cho Gang thép Thái Nguyên, VNSteel loay hoay thoái vốn

Dù vẫn là công ty mẹ sở hữu 65% cổ phần tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco), song từ năm 2017, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) đã không còn thực hiện hợp nhất kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này.

Nguyên nhân được VNSteel đưa ra là ngày 13/5/2019, doanh nghiệp nhận được thông báo từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) về việc chỉ đạo phương án thoái vốn tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) theo kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Phiên họp thứ 7 Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ thuộc ngành công thương.

Cụ thể, do tỷ lệ sở hữu của VNSteel tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) sẽ không duy trì trong dài hạn, do đó, VNSteel không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của Tisco vào báo cáo tài chính hợp nhất của mình.

Thực tế, VNSteel còn một khoản cam kết bảo lãnh thanh toán cho khoản vay 1.864 tỷ đồng của Tisco. Song VNSteel cho biết đã hoàn thành thương thảo với Tisco để xác định giá trị các tài sản đảm bảo liên quan đến khoản bảo lãnh này.

Song sau nhiều năm, VNSteel vẫn chưa thể thoái vốn khỏi Tisco.

img

Một góc dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. (Ảnh minh hoạ).

Đề cập tới những khó khăn mà VNSteel và SCIC đang gặp phải tại Dự án mở rộng sản xuất Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 do Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) làm chủ đầu tư, báo cáo mới đây từ Bộ Công Thương gửi tới Quốc hội cho thấy, khó khăn lớn nhất là việc dự án chưa xử lý được vướng mắc hợp đồng EPC với nhà thầu MCC nên vẫn ở trong tình trạng xây đựng dở dang, tạm dừng thi công.

Về phía VNSteel, dù đã lên phương án thoái vốn tại Tisco, song phía VietinBank từ chối giải phóng nghĩa vụ bảo lãnh của VNSteel với khoản vay của Tisco cho tại Dự án mở rộng sản xuất Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Điều này khiến các bên liên quan phải tính tới phương án kiến nghị Thủ tướng bán đấu giá toàn bộ cổ phần VNSteel tại để đảm bảo công khai, minh bạch, thu hồi tối đa phần vốn VNSteel. Đồng thời, thu hút nhà đầu tư có năng lực tài chính, quản trị nhằm tái cơ cấu doanh nghiệp.

Gang thép Thái Nguyên vướng nợ nghìn tỷ, cử tri cả nước mong sớm xử lý cá nhân gây thất thoát

Đối với Dự án mở rộng sản xuất Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng dư nợ đến cuối năm 2018 là 3.031 tỷ đồng. Trong đó, khoản vay tại VietinBank có số dư gốc vay là 1.895 tỷ đồng và Ngân hàng Phát triển (VDB) cho vay 1.136 tỷ đồng. Riêng VDB đã thực hiện khoanh nợ với dự án.

Do dự án chưa hoàn thành và đưa vào sử dụng nên không có nguồn để trả nợ. Chủ đầu tư cũng gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn trả nợ đầy đủ theo hợp đồng tín dụng.

Đánh giá từ Bộ Tài chính cho thấy, chính sách tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho Dự án mở rộng sản xuất Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 mới chỉ tập trung tháo gỡ khó khăn cho dự án và xử lý vốn vay tại các ngân hàng thương mại (không tính vào nợ xấu) mà chưa có giải pháp với vốn tí dụng đầu tư như giao nguồn để cơ cấu nợ cho dự án.

img

Dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 ngừng thi công nhiều năm khiến cử tri cả nước nhiều lần bày tỏ sự bức xúc.  (Ảnh minh hoạ)

Còn theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 của Tisco, dù nợ được tiết giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên tình hình mất cân đối tài chính tại doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết. Nợ hiện vào mức 8.039 tỷ đồng, bao gồm nợ ngắn hạn là 5.119,5 tỷ đồng, nợ dài hạn là 2.919 tỷ đồng.

Với mức vốn chủ sở hữu 1.899 tỷ đồng, số nợ đang cao gấp hơn 4 lần vốn chủ sở hữu. Riêng số nợ vay là 4.976,5 tỷ, cao gấp 2,6 lần vốn chủ sở hữu.

Đối với khoản đầu tư vào Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, khoản chi phí xây dựng dở dang của dự án này được thể hiện trên BCTC của Tisco đến ngày 30/9/2019 là 5.287 tỷ đồng.

Khoản chi phí này đã khiến cử tri cả nước và các ĐBQH nhiều lần bày tỏ sự bức xúc. Trong một kiến nghị gửi tới Quốc hội mới đây, cử tri tỉnh Long An thêm một lần nêu lên những tồn tại ở dự án: “Hiện nay, TISCO đang lâm vào tình trạng khó khăn, mất cân đối tài chính nghiêm trọng, phần lớn do mắc kẹt tại dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên, với chi phí đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng.

Dự án được triển khai từ năm 2007 cho đến nay nhưng vẫn không hoạt động làm ảnh hưởng tiêu cực đến thực hiện sản xuất kinh doanh của công ty và tư tưởng người lao động. Đề nghị sớm làm rõ trách nhiệm và xử lý các tổ chức, cá nhân gây thua lỗ, thất thoát vốn đầu tư. Quá trình xử lý cần công khai cho người dân giám sát”.

VNSteel đang kinh doanh ra sao?

Trở lại với tình hình hoạt động kinh doanh của Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel), BCTC hợp nhất quý III/2019 của doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.702,5 tỷ đồng, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Do khoản giá vốn hàng bán chỉ giảm 6,6% nên biên lợi nhuận gộp của VNSteel tiếp tục thu hẹp còn 2,9%. Lợi nhuận gộp vì vậy cũng giảm 36% xuống 168 tỷ đồng.

img

Lợi nhuận VNSteel giảm sâu do hụt phần lãi từ các doanh nghiệp liên doanh, liên kết. (Ảnh: Lê Tiên)

Doanh thu hoạt động tài chính gần 19 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ khoản này là âm 126 tỷ đồng. Chi phí tài chính giữ nguyên giúp hoạt động tài chính bớt lỗ. Ngược lại, lãi từ công ty liên doanh, liên kết chỉ đem về 85 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ.

Mở rộng thêm về hoạt động kinh doanh của VNSteel trong 4 năm trở lại đây, một số nhà đầu tư vẫn nhớ một câu chuyện xuất hiện vào cuối năm 2016. Đó là sự chênh lệch giữa tỷ lệ tài sản dài hạn và ngắn hạn đã giảm. Trước đó, trong 2 năm 2015 và 2016, giá trị tài sản dài hạn của VNSteel đều cao hơn tài sản ngắn hạn khá nhiều, điều này là phù hợp với một công ty sản xuất công nghiệp nặng

Ngoài ra, tài sản cố định - một bộ phận cấu thành phần lớn tài sản dài hạn của VNSteel lại sụt giảm. Đây là dấu hiệu cho thấy VnSteel thay vì chú trọng đến hoạt động mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết.

Thực tế này vẫn tiếp diễn khi ở BCTC quý III/2019 khi giá trị tài sản cố định của doanh nghiệp tiếp tục giảm hơn 220 tỷ đồng. Trong đó, nguyên giá tài sản cố định hữu hình trong năm dù tăng thêm 35 tỷ đồng, song giá trị hao mòn luỹ kế tăng tới 247 tỷ đồng.

Còn khoản mục đầu tư tài chính dài hạn tiếp tục gia tăng gần 200 tỷ đồng, chủ yếu do tăng giá trị đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết.

Kết quả, dù các khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý đều giảm, do doanh thu và lãi từ các công ty liên doanh, liên kết giảm nên lãi sau thuế quý III/2019 của VNSteel chỉ đạt gần 42 tỷ đồng, giảm 71,3%.

Tính lũy kế 9 tháng, VNSteel đạt 17.982 tỷ đồng doanh thu, giảm 2% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động bán thành phẩm, hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất với 17.690 tỷ đồng, giảm 1,5%. Trong khi đó, hoạt động cung cấp dịch vụ đem về hơn 406 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 393 tỷ đồng của 9 tháng 2018.

Doanh thu hoạt động tài chính 9 tháng ở mức 202 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ là 74 tỷ đồng nhờ đột biến trong khoản cổ tức, lợi nhuận được chia tăng từ 12 tỷ đồng (cùng kỳ) lên thành 145 tỷ đồng.

Công ty báo lãi trước thuế 504 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ nhưng vượt 68% kế hoạch cả năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem