Gánh nặng trích lập dự phòng ở các ngân hàng có thể còn tăng trong quý II/2023

Quốc Hải Thứ năm, ngày 01/06/2023 11:32 AM (GMT+7)
Trong quý I/2023, mặc dù tỷ lệ hình thành nợ xấu cao nhưng chi phí tín dụng lại không tăng tương ứng. Điều này có thể là do các ngân hàng đang chờ những quy định và cơ chế mới về cơ cấu nợ từ NHNN được ban hành vào tháng 4. Vì vậy, gánh nặng trích lập dự phòng có thể còn tăng trong quý II/2023.
Bình luận 0

Trong báo cáo mới phát hành về ngành ngân hàng của SSI Research, đơn vị này nhận định, chất lượng tài sản tại các ngân hàng trong quý 1/2023 đang giảm nhanh hơn dự kiến, không chỉ xuất phát từ thị trường bất động sản mà còn từ các lĩnh vực khác do tình hình kinh tế không thuận lợi. 

Chưa kể, nợ xấu và nợ nhóm 2 tăng đáng kể 24% và 44% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ nhóm 2 và nợ xấu lần lượt là 2,54% và 1,76% tính tại thời điểm cuối quý I/2023.

Gánh nặng trích lập dự phòng ở các ngân hàng có thể còn tăng trong quý 2/2023 - Ảnh 1.

Theo SSI Research, gánh nặng trích lập dự phòng ở các ngân hàng có thể còn tăng trong quý 2/2023. Ảnh: Vietbank

"Trong quý I, các tác động đối với ngành ngân hàng được thể hiện qua những yếu tố như tăng trưởng tín dụng yếu đi, tỷ lệ hình thành nợ xấu cao hơn dự kiến, NIM thu hẹp nhiều hơn kỳ vọng và thu nhập ngoài lãi chậm lại", chuyên gia của SSI Research, nêu.

Nhu cầu tín dụng yếu đi, NIM thu hẹp ở nhiều ngân hàng

Theo đánh giá của SSI Research, nhu cầu tín dụng yếu trong 4 tháng đầu năm. Cụ thể, trong nhóm ngân hàng mà đơn vị này nghiên cứu, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 12% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với quý I/2022 (20%) và tương đương với quý I/2020. Động lực tăng trưởng chính đến từ các khoản cho vay ngắn hạn cho doanh nghiệp, ngoại trừ TCB và MSB. 

Dư nợ cho vay ngành bất động sản & xây dựng vẫn đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, có thể thấy rõ tại một vài ngân hàng. Do tình hình kinh tế thế giới và trong nước không mấy thuận lợi nên các lĩnh vực khác chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn.

"Kết quả này cũng phù hợp với số liệu toàn hệ thống ngân hàng, trong đó tăng trưởng tín dụng chung chỉ đạt khoảng 3% so với đầu năm (+10% so với cùng kỳ) và tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là 9,78% so với đầu năm, tính tại thời điểm cuối tháng 4/2023.

"Trái ngược với chính sách tiền tệ tại các quốc gia trên thế giới, các ngân hàng tại Việt Nam có thể xem xét thêm các đợt cắt giảm lãi suất cho vay để kích cầu tín dụng trong quý II/2023, đó là lý do tại sao chúng tôi cho rằng NIM sẽ chạm đáy trong nửa đầu năm 2023.

Trong năm 2023, chúng tôi giả định NIM sẽ giảm 15 điểm cơ bản so với cùng kỳ xuống 3,82% (so với 3,8% trong quý I/2023)", theo SSI Research.

Ngoài ra, NIM tại các ngân hàng cũng thu hẹp nhiều hơn kỳ vọng so với quý trước do lãi suất cho vay giảm để kích cầu tín dụng và hạn chế hình thành nợ xấu. Nhìn chung, NIM giảm 24 điểm cơ bản so với quý trước trong đó VPB là ngân hàng có NIM thu hẹp nhiều nhất, ngược lại VIB lại ghi nhận mức NIM tăng trưởng tốt trong quý I/2023. 

"Đối với hầu hết các ngân hàng, do nhu cầu tín dụng chưa hồi phục, nên các ngân hàng không thể chuyển toàn bộ mức tăng trong lãi suất huy động sang lãi suất cho vay khách hàng và mức chênh lệch này đã thu hẹp khoản 31 điểm cơ bản so với quý trước. 

Tuy nhiên, VIB là ngân hàng có thể chuyển phần lớn mức tăng lãi suất huy động sang cho khách hàng điều này giúp VIB nới rộng NIM nhưng đánh đổi với việc nợ xấu tăng cao.  Trong khi đó, MBB và CTG cũng có hệ số NIM khá ổn định so với các ngân hàng trong hệ thống", chuyên gia SSI Research, nhận định.

Gánh nặng trích lập dự phòng ở các ngân hàng có thể còn tăng trong quý 2/2023 - Ảnh 3.

Khách hàng vay vốn tại Agribank. Ảnh: Quốc Hải

Ngoài diễn biến lãi suất đầu ra đầu vào, các yếu tố như CASA vẫn tiếp tục sụt giảm, nợ quá hạn tăng cao và các Ngân hàng bắt đầu phân bổ tài sản nhiều hơn vào trái phiếu Chính phủ & trái phiếu ngân hàng (MBB, ACB, OCB, HDB, VIB, TPB) là những nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng NIM bị thu hẹp.

Chưa kể, từ quý II/2023, thu nhập ngoài lãi giảm tốc do việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng cũng như hoạt động xuất nhập khẩu chững lại.

Tăng trưởng tín dụng dần phục hồi trong nửa cuối năm 2023?

Theo SSI Research, đơn vị này đang theo dõi việc hạ lãi suất có giúp nhu cầu tín dụng phục hồi hay không đặc biệt là trong thời điểm mà tổng cầu quốc tế và nội địa đều đang rất yếu do tình hình kinh tế không thuận lợi. 

"Nếu nhu cầu tín dụng chưa thể hồi phục trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng lãi suất huy động tiếp tục giảm thêm 0,5% đến 1% từ nay đến cuối năm. Với việc cắt giảm lãi suất huy động như vậy thì lãi suất cho vay cũng có thể được giảm nhiều hơn đối với các khách hàng có điểm tín dụng tốt và giảm ít hơn đối với các khách hàng/lĩnh vực có rủi ro cao hơn", chuyên gia SSI Research, nhận định.

Theo đó, nhu cầu tín dụng có thể dần phục hồi vào cuối năm, đặc biệt là đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu và lĩnh vực bất động sản. 

"Chúng tôi ước tính tăng trưởng tín dụng đạt 12,9% so với cùng kỳ ở các ngân hàng mà chúng tôi nghiên cứu, và khoảng 10-12% cho toàn hệ thống", SSI Research, dự báo.

Ngoài ra, NIM có thể tiếp tục giảm trong quý II/2023 nhưng có thể hình thành đáy trong nửa đầu năm 2023. 

Nợ xấu có thể đạt đỉnh trong nửa đầu năm 2023 nhưng gánh nặng trích lập dự phòng vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong các quý tới do các ngân hàng sẽ cân nhắc cẩn trọng khả năng trả nợ của khách hàng trước khi quyết định cơ cấu lại các khoản vay đó. 

"Chúng tôi ước tính chi phí tín dụng ở mức 1,5% cho năm 2023, trong đó chi phí tín dụng ở nhóm NHTMNN là 1,34% (so với 1,42% trong quý I/2023) và ở nhóm NHTMCP là 1,63% (so với 1,5% trong quý I/2023)", SSI Research, đúc kết.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem