Gạo “chức năng” có như thực phẩm chức năng?

Thứ ba, ngày 29/04/2014 07:21 AM (GMT+7)
Gạo đen, gạo than, gạo huyết rồng là tên gọi của loại gạo giàu dược tính, có thể xem đó là tố chất làm thương hiệu lúa gạo. Sản phẩm sản xuất ra bán được, nhưng doanh nghiệp vẫn gặp khó trong mở rộng thị trường.
Bình luận 0
Gạo đen hữu cơ Hoa Sữa của công ty Viễn Phú từng được biết đến như thực phẩm chức năng do chứa đầy đủ các thành phần dinh dưỡng thiết yếu, các hoạt chất sinh học… đặc biệt rất thích hợp cho những người bị bệnh tiểu đường và ăn kiêng (giảm cân).
Gạo tím cẩm: nhìn là đã muốn ăn. Ảnh: Hoàng Lan
Gạo tím cẩm: nhìn là đã muốn ăn. Ảnh: Hoàng Lan

“45.000 đồng/kg gạo đen Hoa Sữa, trong khi gạo mắc nhất hiện nay khoảng 28.000 – 30.000 đồng/kg. Với giá cả và công dụng của gạo đen, một người dùng 4 – 5kg/tháng để duy trì sức khoẻ có thể chấp nhận được”, chị Kim Trang, giám đốc tiếp thị – bán hàng, công ty Viễn Phú nói.

Viễn Phú dự kiến khai thác một vùng 4.000ha, nhưng hiện nay mới sử dụng lên 600ha tại ấp An Phú, xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Theo Kim Trang, năm 2013, gạo đen đưa ra thị trường hút mạnh hơn gạo trắng hữu cơ Hoa Sữa do mối quan tâm của người tiêu dùng trong việc ăn cơm chữa bệnh.

Chị Kim Trang thừa nhận giới hạn khi chỉ khoảng 30% sản phẩm của Viễn Phú tham gia thị trường nội địa, trong khi 70% xuất khẩu, giá xuất đang tốt hơn trong nước 3 – 4 lần.

Viễn Phú sử dụng phân dơi, than bùn, phân bón hữu cơ sinh học nhập khẩu từ Mỹ theo tiêu chuẩn của tổ chức OMRI-US; áp dụng các nguyên tắc chính của liên đoàn Nông nghiệp hữu cơ quốc tế IFOAM về canh tác hữu cơ, và khát khao của công ty này là chỉ cần 1% dân số tại Việt Nam dùng sản phẩm của Viễn Phú. Nhưng đó là điều chưa thể xảy ra trong 5 – 10 năm nữa nếu sản lượng gạo hàng năm của Viễn Phú chỉ khoảng 300 – 400 tấn/năm. Mở rộng diện tích đang là thử thách lớn vì thực ra với giá bán 45.000 đồng/kg gạo, Viễn Phú chưa có lời. Mô hình hữu cơ tốn tiền tỉ và từ nguồn vốn tự chủ đã đến lúc phải vay ngân hàng.

Thách thức lớn thứ hai là trong khi quỹ đầu tư nước ngoài như VBCF đã hỗ trợ, thì các ngân hàng trong nước lại thiếu mạnh dạn do nhận thức mức độ về sản phẩm sạch, an toàn.

ADC là một trong những nơi tổ chức sản xuất và chào bán gạo tím than khá sớm. Nguồn cung khoảng 100 – 110 tấn lúa, tương đương 70 – 75 tấn gạo lứt thực sự chưa thấm vào đâu.

Trồng lúa bán gạo trị bệnh được hợp tác xã (HTX) Tân Cường theo đuổi từ năm 2008, giống lúa Basmati – loại gạo giàu sắt, đường thấp – bán ra chợ Tam Nông, người mua về ăn để chữa bệnh. Nhưng nhà cung cấp “gạo chức năng” này, ông Nguyễn Văn Trãi, giám đốc HTX Tân Cường cho biết phải ngưng sản xuất sau bốn năm tìm kiếm cách tháo gỡ, nhưng không hết vướng mắc: thiếu vốn, thiếu cơ sở vật chất, thiếu kinh nghiệm phát triển thị trường.

Tại Tam Nông, vụ đông xuân Basmati có năng suất 6 tấn/ha (vụ hè thu giảm hơn 1 tấn/ha), chi phí sản xuất thấp nên mua lúa với giá 5.200 – 5.500 đồng/kg lúa nông dân đã có lời. Sản xuất có vẻ đơn giản, nhưng mở thị trường là việc khó dù cả thế giới biết Basmati có những giá trị đặc biệt.

Ông Trãi cho biết dự án ADB đồng ý hỗ trợ HTX xây hai kho (1.000 tấn/kho), một lò sấy 45 tấn/mẻ, nhưng cái mà HTX thèm nhất là nhà máy xay xát lúa gạo. Để có một cụm đồng bộ khoảng 30 tỉ đồng. HTX đang xin UBND tỉnh Đồng Tháp vay lãi suất “nhẹ” 20 tỉ đồng, HTX tự huy động 10 tỉ đồng đối ứng để làm cụm chế biến. Có cụm này rồi , HTX sẽ phát triển thành công ty cổ phần, huy động vốn từ các thành phần trong huyện và liên kết với doanh nghiệp các nơi.

Trồng lúa thơm, đặc sản chức năng như Basmati cung ứng cho thị trường nội địa, chỉ cần 3 – 4 tỉ đồng là có thể đạt sản lượng trên một vài ngàn tấn lúa. Vấn đề là kết nối cung – cầu như thế nào?

“Để sản phẩm sạch, hữu cơ, có dược tính có chỗ đứng trên thị trường”, Kim Trang cho rằng cần phải có một chiến lược quốc gia khuyến khích sản xuất sạch. Đặc biệt phải kiểm soát, ngăn chặn, không cho hàng không an toàn vào thị trường.

Ý kiến chuyên gia: Ăn đúng cách mới có hiệu quả

Theo tài liệu của viện Dinh dưỡng quốc gia, gạo lứt là loại gạo chỉ xát vỏ trấu ngoài, còn nguyên lớp vỏ cám bên trong. Nhờ vậy, hạt gạo rất giàu chất xơ và có nhiều dưỡng chất quan trọng: các loại vitamin (B1, B2, B3, B6…), canxi, sắt, kẽm. Lượng đạm được giữ lại cũng khá cao (7,6% đạm/100g gạo). Phương pháp ăn gạo lứt, muối vừng trị bệnh được coi là công trình nghiên cứu của một giáo sư người Nhật. Sau khi được tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận, phong trào ăn loại thực phẩm này nhanh chóng lan ra nhiều nước. Trước đây, nhắc đến gạo thực dưỡng, loại gạo có tác dụng trong việc ngăn ngừa và hỗ trợ trong quá trình trị bệnh người ta chỉ nghĩ đến gạo lứt. Hiện nay, trên thị trường xuất hiện khá nhiều loại gạo thuộc nhóm thực dưỡng như gạo đen, gạo mầm, gạo Ấn Độ, gạo tím than…

TS Nguyễn Thị Lâm, phó viện trưởng viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, so với gạo trắng, gạo lứt chứa nhiều dinh dưỡng nhưng lại khó ăn hơn. Với thành phần của gạo lứt như đã nói ở trên, gạo lứt nói chung có tác dụng tốt cho sức khoẻ nên không riêng gì người bệnh mà người khoẻ mạnh cũng nên ăn để phòng ngừa bệnh tật. Riêng với những người mắc các bệnh tiểu đường, rối loạn mỡ máu, béo phì… thì gạo lứt thật sự là thực phẩm lý tưởng để cải thiện sức khoẻ.

Do cũng là ngũ cốc như gạo trắng nên cơm gạo lứt có thể ăn với các đồ ăn kèm khác mà không kiêng kỵ gì. Cũng theo chỉ dẫn của TS Lâm, trước khi nấu nếu ngâm gạo trong nước ấm một lúc, sẽ đánh thức được thêm một số chất dinh dưỡng khác. Tuy nhiên cần lưu ý, vì gạo lứt có quá nhiều chất dinh dưỡng nên ăn sẽ lâu tiêu hơn cơm bình thường. Tốt nhất chỉ những người đã trưởng thành hãy nên ăn. Còn trẻ em thì không nên, vì quá trình tiêu hoá chậm hơn người lớn.

Còn gạo huyết rồng trồng ở vùng nước ngập sâu, hạt lúa mẩy, màu đỏ nâu, bẻ đôi hạt gạo vẫn còn màu đỏ bên trong, cơm gạo huyết rồng càng nhai càng có vị ngọt và béo bùi. Gạo lứt và gạo huyết rồng khác nhau. Nếu như gạo lứt có tác dụng tốt cho người mắc bệnh tiểu đường thì gạo huyết rồng lại ngược lại. Lý do là do gạo huyết rồng có chỉ số đường huyết thuộc nhóm cao, không phù hợp cho bệnh nhân tiểu đường. Loại gạo này có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho trẻ em vì hàm lượng dinh dưỡng cao.

“Dù đây là những loại gạo có tác dụng tốt cho sức khoẻ nhưng người tiêu dùng không nên quá lạm dụng. Ăn uống điều độ, hợp lý và khoa học chứ không nên ăn quá nhiều và nghe theo các quảng cáo. Với mỗi người, đặc biệt là người có bệnh trước khi sử dụng các loại gạo này cần có sự tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ”, TS Lâm có lời khuyên.

Lệ Hà ghi


Hoàng Lan (Thế giới Tiếp thị) (Hoàng Lan (Thế giới Tiếp thị))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem