Gặp nhân chứng của Đoàn tàu Không số huyền thoại trên biển năm xưa

Trần Phượng Thứ sáu, ngày 22/10/2021 11:54 AM (GMT+7)
Đường Hồ Chí Minh trên biển là tuyến đường vận chuyển chiến lược, chi viện cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hoạt động thầm lặng của những người lính trên Đoàn tàu Không số đã mang lại những chiến công hiển hách đóng góp vai trò rất to lớn vào thắng lợi của công cuộc kháng chiến cứu quốc.
Bình luận 0

Tiền thân của những con tàu Không số

Theo cụ Trần Văn Lịch (SN 1942) - nhân chứng lịch sử của Đoàn tàu Không số huyền thoại trên biển năm xưa, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Thời kì này, cuộc cách mạng chuyển từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh có vũ trang.

Đầu năm 1960, Đoàn vận tải thuỷ Sông Gianh 603 mở chuyến hàng vận tải đầu tiên nhưng bị thất bại, Tổng Quân uỷ có quyết định ngừng hoạt động vận tải thuỷ. Trong khi đó, những nơi sâu xa nhất của miền ven biển khu 5 Đồng Bằng Nam Bộ đang cần sự chi viện. Cùng thời điểm đó, Đoàn 559 (Đoàn Trường Sơn) vận tải đường bộ chưa vươn tới được những vùng sâu, vùng xa nêu trên. Cách mạng muốn phát triển được phải có sự viện trợ của miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.

Hải Phòng: Gặp gỡ nhân chứng của Đoàn tàu Không số huyền thoại trên biển năm xưa - Ảnh 1.

Cụ Trần Văn Lịch kể về hồi ức trên những chuyến đi của Đoàn tàu Không số. Ảnh: Trần Phượng

Trước tình thế nêu trên, Bộ Chính trị, Tổng Quân uỷ Trung ương tìm giải pháp và xác định để chi viện được những thứ cần thiết từ miền Bắc vào miền Nam chỉ có đường biển. Đây chính là điều kiện sống còn của cách mạng miền Nam.

Tháng 8/1961 - 5/1962, có 5 con thuyền đi từ miền Nam vượt biển ra Bắc để gặp Trung ương xin vũ khí. 4 con thuyền thuận lợi ra được Bắc trong tháng 8/1961, còn 1 thuyền bị hỏng ngang đường nên tháng 5/1962 mới ra được.

Ngày 23/10/1961, Tổng Quân uỷ thành lập Đoàn 759 (Đoàn vận tải biển chi viện chiến trường miền Nam). Đoàn 759 ngày nay là Lữ đoàn 125 Hải quân, tiền thân của Đoàn tàu Không số.

Hải Phòng: Gặp gỡ nhân chứng của Đoàn tàu Không số huyền thoại trên biển năm xưa - Ảnh 2.

Con tàu C41 ngày nay là HQ 671 kỷ vật Quốc gia, đang được trưng bày ở bảo tàng Hải quân. Đây là con tàu 2 lần được phong là đơn vị tàu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Ảnh nhân vật cung cấp.

Đoàn tàu Không số là những con tàu vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện hàng hóa, vũ khí, cán bộ cao cấp, các sĩ quan, bác sỹ, … cho chiến trường miền Nam. Nhân dân yêu mến gọi những con tàu đó là tàu Không số vì khi hoạt động, số hiệu tàu được thay đổi liên tục, không giữ nguyên số hiệu của Bộ quốc phòng. Khi đi trên công hải (những tuyến đường vận tải quốc tế), những con tàu Không số phải giả dạng những tàu đánh cá, tàu câu cá, tàu dầu để vào được tới bến Cà Mau, các bến của miền Trung, Bến Tre, Trà Vinh, Bà Rịa (Vũng Tàu), ven biển khu 5 có Đức Phổ (Quảng Ngãi), Vũng Rô (Quảng Ngãi) nhằm đảm bảo bí mật quân sự.

Tự hào khi làm nhiệm vụ trên con tàu 2 lần được phong Anh hùng

Cụ Trần Văn Lịch sinh ra trong gia đình có 3 anh em đều tham gia quân ngũ. Riêng cụ Lịch, tháng 5/1964 nhập ngũ, khi đó 22 tuổi, chưa lập gia đình và đang làm công nhân viên của Xí nghiệp cơ khí Hòn Gai (Quảng Ninh).

Tháng 2/1964, chàng thanh niên Trần Văn Lịch đi lính nghĩa vụ Hải quân vào E170 huấn luyện cơ bản (đóng tại Tiên Yên, Quảng Ninh). Tháng 5/1964 anh được tuyển vào Đoàn tàu Không số cùng với hàng trăm anh em. Để đáp ứng được công việc tại đơn vị mới, anh và đồng đội được huấn luyện tại K35 (Đồ Sơn, Hải Phòng) về công tác thủy nghiệp, thủy thủ, đi tàu, bắn súng…

Hải Phòng: Gặp gỡ nhân chứng của Đoàn tàu Không số huyền thoại trên biển năm xưa - Ảnh 3.

Chiến sĩ thuỷ thủ Trần Văn Lịch (phía trên, bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng đồng đội khi cùng tham gia huấn luyện cơ bản. Ảnh nhân vật cung cấp.

Tháng 10/1964, anh Lịch được điều xuống tàu C41 làm chiến sĩ thủy thủ của tàu này. Con tàu C41 ngày nay là HQ 671. Tàu gồm 17 người: Thuyền trưởng, Chính trị viên, 2 thuyền phó, thủy thủ trưởng, còn lại là các thành viên khác trực thuộc điều hành tàu và thợ máy, vô tuyến điện, pháo thủ, hàng hải viên. Con tàu HQ 671 chính là kỷ vật Quốc gia, đang được trưng bày ở bảo tàng Hải quân. Đây là con tàu 2 lần được phong là đơn vị tàu Anh hùng Lực lượng vũ trang về vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.

Cụ Trần Văn Lịch chia sẻ thêm, cụ làm thủy thủ tàu C41 từ năm 1964 đến năm 1965. Giai đoạn năm 1965 – 1966, được cử đi học trường sỹ quan Hải quân (nay là Học viện Nha Trang). Năm 1967,  Lịch về làm thủy thủ trưởng tàu 198 của Đoàn tàu không số. Tới năm 1969, cụ nhận nhiệm vụ làm thuyền phó của tàu 401. Năm 1976 thì cụ về cuộc sống đời thường và chuyển ngành sang Công ty Lâm sản Hải Phòng thuộc Bộ Lâm nghiệp. Năm 1985, cụ chuyển công tác sang Xí nghiệp vận tải Đông Đô, trực thuộc Bộ Giao thông.

1 chuyến đi 2 thắng lợi và dấu ấn mở bến đầu tiên

Cũng theo lời kể của cụ Trần Văn Lịch, quá trình tham gia nhiệm vụ trên tàu Không số có nhiều kỉ niệm đáng nhớ. Cụ tham gia nhiệm vụ trên 3 chuyến tàu của Đoàn tàu Không số.

Tham gia nhiệm vụ của Đoàn tàu Không số khi còn trẻ, chưa lập gia đình, lại được huấn luyện bài bản nên khi tiếp cận nhiệm vụ trên tàu, chàng thanh niên Trần Văn Lịch toàn không có cảm giác bỡ ngỡ.

Gặp nhân chứng của Đoàn tàu Không số huyền thoại trên biển năm xưa - Ảnh 5.

Cụ trần Văn Lịch chia sẻ về những chuyến đi trên con tàu Không số

Chuyến đi đầu đời lính gắn với Đoàn tàu Không số của cụ là xuất phát từ Hải Phòng vào bến Vàm Lũng (Cà Mau). Khi xuống tàu được sống cùng với đồng đội người miền Nam rất chan hòa, nhiệt tình, độ lượng, cởi mở, coi nhau như gia đình. Thêm nữa, thanh niên miền Bắc tiếp thu việc rất nhanh nên công việc rất thuận lợi.

Trong quá trình công tác, cụ Lịch có tình cảm thân thiết, gắn bó với đồng đội là Nguyễn Công quê ở Quảng Bình. Sau này, người đồng đội trở thành Chính trị viên của Đoàn tàu Không số.

Hải Phòng: Gặp gỡ nhân chứng của Đoàn tàu Không số huyền thoại trên biển năm xưa - Ảnh 6.

Cụ Trần Văn Lịch chụp ảnh lưu niệm khi thăm lại chiến trường xưa. Ảnh nhân vật cung cấp.

Hải Phòng: Gặp gỡ nhân chứng của Đoàn tàu Không số huyền thoại trên biển năm xưa - Ảnh 7.

Cụ Trần Văn Lịch chụp ảnh lưu niệm khi thăm lại chiến trường xưa. Ảnh nhân vật cung cấp.

Chuyến đi đầu tiên, tàu bị gặp nạn mắc cạn ở vùng Nam Hoàng Sa nên bị chậm chuyến đi mất 12 giờ. Do điều kiện tiếp cận khó khăn nên con tàu không nhận được sự hỗ trợ nhưng tàu đã tự lực thoát nạn và tiếp tục hành trình vào bến Vàm Lũng (Cà Mau).

Trước đó, cũng tại vùng cạn biển xa, Đoàn cũng đã có 2 tàu bị mắc cạn nhưng không ra được phải thu vũ khí về và phá hủy tàu để đảm bảo bí mật. Tại khu vực mắc cạn, các đảo biển xa, xung quanh khu vực cạn đều do ngụy quyền Sài Gòn nắm giữ. Khi hoàn thành nhiệm vụ quay về, tàu được cấp trên đánh giá cao bởi 1 chuyến đi giành được 2 thắng lợi. Thắng lợi thứ nhất đó là vượt được tình trạng mắc cạn, không bị rơi vào tình thế phải phá hủy tàu và tiếp tục được chuyến đi. Thắng lợi thứ hai đó là mọi người đã cùng nhau vượt qua hoạn nạn, giao vũ khí thành công cho cách mạng miền Nam.

Chuyến đi thứ 2 cũng là chuyến đi với dấu ấn đặc biệt tại bến Vũng Rô. Chuyến đi đặc biệt ở chỗ, đó là chuyến đi mở bến mới. Bến này khi đó chưa có tàu nào đặt chân tới thì tàu của cụ tham gia nhiệm vụ là tàu đầu tiên cập bến nhưng khi vừa vào bến thì gặp địch. Thời tiết rất xấu, sóng to, gió lớn, quân địch không chịu được gian khổ đã tự rút và tàu của ta tranh thủ luồn lách vào bến thành công.

Chuyến thứ 3 là chuyến tàu xuất phát vào cảng Sa Kỳ (Đức Phổ, Quảng Ngãi). Tàu này bị địch phát hiện, 2 bên bắn nhau và cụ Trần Văn Lịch đã hỗ trợ đồng đội Ngô Quốc Thái (quê Quảng Bình) bị địch bắn bị  thương lên bờ giao cho du kích. Mọi người trên tàu cùng nhau vượt Trường Sơn vô cùng gian khổ để quay trở về hậu cứ tại Hải Phòng mất thời gian khoảng 3 tháng.

Hải Phòng: Gặp gỡ nhân chứng của Đoàn tàu Không số huyền thoại trên biển năm xưa - Ảnh 8.

Gia đình hiện tại của cụ Trần Văn Lịch. Ảnh nhân vật cung cấp.

Quay trở về cuộc sống đời thường, không theo ngành nữa nhưng những ký ức năm xưa, những mối quan hệ đồng đội vẫn thân thiết. Năm 1990, cụ tham gia Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển. Năm 2012 – 2014, cụ Lịch nhận vai trò mới là Hội trưởng Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển quận Hải An. Từ năm 2014 – 2018, cụ làm Hội phó Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển TP.Hải Phòng. Từ 2018 đến nay, cụ Lịch làm Hội trưởng Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển TP.Hải Phòng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem