Gây sức ép với FED, ông Trump đẩy thế giới tiến gần đến chiến tranh tiền tệ

17/07/2019 16:52 GMT+7
Nhiều chuyên gia tài chính nhận ra, các ngân hàng Trung Ương đang bị lôi kéo vào một cuộc chiến tiền tệ mà có khả năng sẽ gây ra sự đình trệ trên thị trường ngoại hối.

Cắt giảm lãi suất là chưa đủ, ông Trump muốn phá giá đồng USD

Nới lỏng chính sách tiền tệ từ lâu đã là tâm điểm tranh cãi của thị trường, giới chính trị gia, các Ngân hàng Trung Ương và cục Dự trữ Liên bang FED. Phiên điều trần trước Hạ viện và Thượng viện hồi tuần trước, Chủ tịch FED Jerome Powell đã ám chỉ một đợt cắt giảm lãi suất ngay cuối tháng 7 này dựa trên những triển vọng ảm đạm của nền kinh tế. Ngân hàng Anh và Ngân hàng Trung Ương Châu Âu sau đó cũng báo hiệu những dấu hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ để đưa kinh tế ra khỏi triển vọng suy thoái.

Dù gợi ý cắt giảm lãi suất gần đây của FED có thể khiến Tổng thống hài lòng, ông Trump vẫn nhấn mạnh việc làm suy yếu đồng bạc xanh để tạo nên bước đột phá mạnh mẽ cho nền kinh tế Mỹ. 

Hôm 3.7 không phải lần đầu tiên ông Trump cáo buộc Ngân hàng Châu Âu cũng như Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ để phá giá đồng Euro và NDT, điều sẽ làm tăng lợi thế cạnh tranh thương mại với Mỹ. Tất nhiên, việc FED cắt giảm lãi suất sẽ khiến đồng bạc xanh suy yếu đôi chút. Nhưng với Trump, điều này chưa đủ.

Phố Wall nhanh chóng dự đoán về một động thái của ông Trump trong việc làm suy yếu đồng USD, sau hàng loạt phát ngôn chỉ trích EU và Trung Quốc. Ông Trump cũng hướng mũi nhọn vào 4 lần tăng lãi suất của FED, điều khiến đồng USD trở nên mạnh tương đối.

Có bằng chứng cho thấy Trump có lý về việc đồng USD quá mạnh. Chỉ số Big Mac hồi tuần trước cho thấy gần như tất cả các loại tiền tệ đều bị định giá thấp hơn đồng USD. Nhiều chuyên gia chỉ ra nguyên nhân là do các nền kinh tế khác yếu kém hơn kinh tế Mỹ; hơn nữa USD là tiền tệ dự trữ toàn cầu, nhu cầu đồng USD mang tính liên tục. Chính Tổng thống Trump đã khẳng định điều đó trên Twitter tuần trước, khi thừa nhận đồng USD “là đồng tiền thống trị ở bất cứ đâu trên thế giới, và sẽ luôn như vậy”.

Một khi Ngân hàng Trung Ương hành động, giá trị đồng bạc xanh sẽ giảm khoảng 5 - 10% để trở lại trạng thái cân bằng, theo chiến lược gia của BoA. “Điều đó sẽ gây nên một cuộc chiến tiền tệ”.

Cú bắt tay giữa Powell và Trump: nguy cơ chiến tranh tiền tệ

Ông Thanos Vamvakidis, chiến lược gia toàn cầu của BoA thừa nhận dù không đồng ý với hành động nhắm mục tiêu trực tiếp vào tiền tệ của Trump, thì chính sách đồng USD mạnh có lẽ nên chấm dứt. “Người ta lập luận rằng nền kinh tế Mỹ mạnh nên đồng USD cũng phải mạnh. Thực chất, ta có thể thay thế điều này bằng một chính sách kích thích tăng trưởng mạnh mẽ hơn.”

“Ngân hàng Trung Ương không thể tạo thêm nhiều áp lực lên lãi suất vay vì nó đang tiệm cận mức thấp nhất trong lịch sử, vì vậy cách duy nhất để nới lỏng chính sách tiền tệ là làm suy yếu giá trị đồng tiền” - ông Thanos Vamvakidis cho hay.

"Chính quyền có nhiều cách để làm suy yếu đồng USD. Họ có thể từ bỏ chính sách đồng USD mạnh đã thực hiện trong 2 thập kỷ, hoặc yêu cầu Bộ tài chính tăng nguồn cung USD ra thị trường để giảm giá trị - điều đã không xảy ra từ năm 1995 dưới thời Bill Clinton đến nay." - chiến lược gia Michael Cahill của Goldman Sachs nhận định. “Các chiến lược thương mại bất ngờ của Donald Trump trong nhiều năm qua đã tạo nên một nhận thức rằng mọi thứ đều có thể dưới thời ông”.

Trump sẽ cần cái bắt tay từ FED để phá giá đồng USD

Có một lựa chọn tốt hơn cho Trump, đó là can thiệp hoàn toàn vào thị trường ngoại hối, khiến đồng USD yếu hơn, đồng JPY mạnh hơn và chứng khoán quốc tế đỏ lửa. Tuy nhiên, Trump cần FED làm đồng minh trong kế hoạch này.

Bộ Tài chính Mỹ có thẩm quyền quyết định chính sách tiền tệ, nhưng FED mới là kẻ nắm giữ lượng tài sản chủ yếu trong nền kinh tế. Quỹ ổn định tiền tệ của Bộ tài chính chỉ có khoảng 22 tỷ USD, trong khi gần 5.000 tỷ USD được giao dịch mỗi ngày trên thị trường ngoại hối. Mọi nỗ lực riêng lẻ của Kho bạc Nhà nước sẽ thất bại, trừ khi có thêm bàn tay của FED ở phía sau.

Ngay cả khi FED tham gia chiến dịch đồng USD suy yếu của Trump, nền kinh tế Mỹ chưa chắc đã đạt được một “cú hích” như kỳ vọng, nếu không muốn nói là trắng tay. 

“Nếu tất cả các Ngân hàng đều đang cố gắng phá giá tiền tệ để đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế, thì tương quan giá trị tiền tệ không thực sự thay đổi. Khi đó, nền kinh tế Mỹ thực chất không được hưởng lợi gì dù thế giới đang bước vào một cuộc chiến tiền tệ” - ông Thanos Vamvakidis nhận định.

“Chúng ta đang trong một cuộc chiến tiền tệ, nhưng chẳng ai thừa nhận điều đó”.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục