“Ghế nóng” LienVietPostBank thay ông Nguyễn Đức Hưởng đã có chủ

Trần Giang Thứ tư, ngày 28/03/2018 19:03 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Đình Thắng đã chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank thay ông Nguyễn Đức Hưởng theo kết quả bầu cử các chức danh tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2018.
Bình luận 0

Chiều nay, ngày 28.3, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã tổ chức ĐHĐCĐ 2018 với một số nội dung được thông qua như tăng vốn điều lệ lên 10 nghìn tỷ đồng, bầu thành viên HĐQT và ban kiểm soát năm nhiệm kỳ 2018 – 2023, với ông Nguyễn Đình Thắng làm chủ tịch HĐQT thay ông Nguyễn Đức  Hưởng.

Cụ thể, HĐQT đã trình ĐHĐCĐ phương án phát hành thêm 286.874.941 cổ phiếu, bao gồm 5% cổ phiếu năm 2017 cho cổ đông hiện hữu và Cán bộ nhân viên ngân hàng để tăng vốn điều lệ từ gần 7.500 tỷ đồng hiện nay lên hơn 10.368 tỷ đồng.

HĐQT LienVietPostBank đã tiến hành họp phiên thứ nhất nhiệm kỳ 3 để bầu các chức danh HĐQT và phân công các thành viên HĐQT phụ trách các Ủy ban gồm: Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT; Ông Phạm Doãn Sơn, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Tổng Giám đốc; Ông Nguyễn Đức Cử – Phó Chủ tịch HĐQT; Ông Dương Công Toàn, Thành viên HĐQT; Bà Chu Thị Lan Hương – Thành viên HĐQT; Ông Lê Hồng Phong – Thành viên HĐQT; Ông Huỳnh Ngọc Huy, Thành viên HĐQT; Bà Dương Hoài Liên, Thành viên HĐQT độc lập

Vì lý do sức khỏe, Ông Nguyễn Đức Hưởng thôi tham gia HĐQT của LienVietPostBank và là cố vấn cao cấp của ngân hàng; vì lý do công việc, Ông Nguyễn Văn Huynh thôi tham gia HĐQT.

Ông Nguyễn Đức Hưởng nói lời chia tay

Tại đại hội, ông Nguyễn Đức Hưởng chia sẻ LienVietPostBank bước vào tuổi lên 10, nhưng đã trúng đến 7 năm sóng gió do khủng hoảng toàn cầu liên quan đến Việt Nam. Tuy nhiên, nếu các cổ đông đã đầu tư trong 10 năm thì mức sinh lời thu về là 104%. Bên cạnh đó, “10 năm tuy ngắn ngủi nhưng LienVietPostBank đã có thương hiệu, “hiệu được thương” trong lòng dân chúng”, ông Hưởng nói.

img

Ông  Nguyễn Đức Hưởng cho biết vẫn là "Hưởng Liên Việt" (Ảnh: MH)

Qua một thập kỷ, hoạt động của ngân hàng xoay quanh 4 trụ cột chính: tổng tài sản, nguồn nhân lực, công nghệ hóa và quản trị điều hành. Ông Hưởng cho biết, nếu LienVietPostBank làm được 100 đồng thì 30 đồng cho con người, 50 đồng kinh doanh, 20 đồng cho hạ tầng.

Sau khi ông Dương Công Minh về đầu quân cho Sacombank hồi giữa tháng 6.2017, ông Nguyễn Đức Hưởng đã thay ông Minh giữ vị trí Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank. Tuy nhiên, cận Tết Nguyên Đán 2018, ông Nguyễn Đức Hưởng cho biết đã đưa ra quyết định về điểm dừng của mình: Chuyển giao vị trí Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank để tập trung cho sức khỏe, nhưng vẫn tiếp tục đồng hành cùng Ngân hàng với vai trò cố vấn cao cấp. Được biết, ông Hưởng đã bị bệnh cách đây 5-6 tháng.

Ông Hưởng trải lòng với các cổ đông, “Sau khi tôi bị bệnh thì đâu đó có tin đồn, ông Hưởng bán hết cổ phần và nghỉ luôn để qua ngân hàng khác. Nói như vậy là không hiểu tôi. Mặc dù không giữ chức Chủ tịch nữa, nhưng tôi vẫn còn nắm giữ cổ phiếu của LienVietPostBank và nắm giữ thông qua người thân của mình”.

Ông Hưởng khẳng định: giá cổ phiếu LPB hiện nay đang thấp và đang có tiềm năng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng mua. Giá cổ phiếu trên thị trường có thể trồi sụt nhưng giá xuống thì ông sẽ mua.

Lý do đặt kế hoạch lợi nhuận khiêm tốn

Tại đại hội, cổ đông cũng băn khoăn về kết quả lợi nhuận khiêm tốn của HĐQT LienVietPostBank. Về băn khoăn này, ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank, cho biết kế hoạch lợi nhuận năm nay đưa ra ở mức khiêm tốn, tuy nhiên “lùi một bước, tiến ba bước”.

“Nguyên nhân là bởi, dự kiến hết năm 2019, LienVietPostBank có kế hoạch mở hết phòng giao dịch ở tất cả các huyện nhằm tăng cường bán lẻ, kéo theo đó là chi phí về mạng lưới, nhân sự nên sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận. Bên cạnh đó, theo giải trình của Ban lãnh đạo, vì phải tiếp tục ưu tiên dành nguồn lực cho việc mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin, tỷ lệ cổ tức dự kiến cho năm 2018 không thấp hơn 12%.”, ông Sơn giải thích.

img

Lợi nhuận trước thuế quý I.2018 của LienVietPostBank đạt 500 tỷ đồng (Ảnh: MH)

Ông Sơn cũng khẳng định LienVietPostBank không cho vay đầu tư sân golf Him Lam, ngày xưa có nhưng chúng tôi đã tất toán xong. Riêng về  cho vay mắc ca, LienVietPostBank đang chuẩn bị điều kiện cần thiết để hiện thực hóa việc cho vay trồng mắc ca (quy hoạch về giống, về sản phẩm, về đất đai,…). Với mắc ca, Ngân hàng chỉ cho vay vài chục tỷ đồng, không có nhiều.

Ông Sơn cho biết thêm, năm vừa qua, LienVietPostBank hợp tác độc quyền với Bảo hiểm Dai-Ichi, phân phối trên kênh bưu điện. Trong 2017, thu phí mảng bảo hiểm của Ngân hàng ở mức hạn chế vì liên quan đến việc mở rộng mạng lưới, đào tạo nhân sự. Tuy nhiên, bảo hiểm là một trong những hoạt động tăng nguồn thu rất tốt cho Ngân hàng. Riêng trong năm 2017, thu phí bảo hiểm đạt 26 tỷ, kỳ vọng năm nay đạt 80 tỷ đồng.

Ông Sơn cho biết thêm, kết quả kinh doanh quý I.2018, lợi nhuận trước thuế đã trích hết các khoản thì đạt hơn 500 tỷ đồng. Do vậy, kế hoạch cả năm đạt 1.800 tỷ đồng là con số an toàn.

Tân Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đình Thắng sinh năm 1957, giữ cương vị Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank từ tháng 4/2017, Thành viên HĐQT từ năm 2008, Chủ tịch Ủy ban Công nghệ của LienVietPostBank từ năm 2013. Ông Thắng là người chỉ đạo trực tiếp xây dựng và phát triển Thẻ phi vật lý Ví Việt (gọi tắt là Ví Việt) - sản phẩm thanh thanh toán online mới mang tính đột phá của LienVietPostBank.

Ngoài công tác tại LienVietPostBank, ông Thắng còn tham gia và đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng tại các tổ chức khác như: Phó Chủ tịch Hội tin học Việt Nam nhiệm kỳ V, VII, VIII; Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam nhiệm kỳ I, II, III.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem