“Ghế nóng” thêm “nóng”, SHB và HDBank sẽ có nhân tố mới?

Huyền Anh Thứ ba, ngày 29/03/2022 09:53 AM (GMT+7)
Trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay (ĐHĐCĐ), việc bầu thành viên Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới tại các ngân hàng vẫn là chuyện được giới đầu tư quan tâm. "Ghế nóng" tại SHB, HDBank liệu có nhân tố mới hay không là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra?
Bình luận 0

ĐHĐCĐ ngân hàng: "Ghế nóng" thêm "nóng", SHB và HDBank sẽ có nhân tố mới?

Ngày 20/4 tới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) theo dự kiến sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 tại Hà Nội.

Đến thời điểm hiện tại, các tài liệu phục vụ cho ĐHĐCĐ lần này chưa được ngân hàng công bố. Tuy nhiên, tại thông báo phát đi vào cuối tháng 1/2022 về đề cử, ứng cử thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát tới cổ đông, SHB cho biết, theo quy định của Pháp luật, năm 2022, Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017 – 2022 sẽ hết nhiệm kỳ. ĐHĐCĐ của ngân hàng lần này sẽ tiến hành bầu thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới 2022 - 2027.

Tính đến thời điểm hiện tại, SHB hiện có 7 thành viên HĐQT gồm ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển), ông Võ Đức Tiến, ông Nguyễn Văn Lê, ông Thái Quốc Minh, ông Phạm Công Đoàn, bà Nguyễn Thị Hoạt và ông Trịnh Thanh Hải. Ba thành viên Ban Kiểm soát gồm ông Phạm Hòa Bình, bà Lê Thanh Cẩm và bà Phạm Thị Bích Hồng.

Theo dự kiến, HĐQT SHB nhiệm kỳ mới này sẽ bao gồm 7 thành viên, trong đó tối thiểu 1 thành viên HĐQT Độc lập và 3 thành viên Ban Kiểm soát.

“Ghế nóng” thêm “nóng”, SHB và HDBank liệu có biến lớn? - Ảnh 1.

ĐHĐCĐ năm nay, Bầu Hiển sẽ phải đưa ra lựa chọn 1 trong 2 "ghế nóng" ngân hàng hoặc doanh nghiệp. (Ảnh: SHB)

Đáng chú ý, theo Khoản 4, Điều 34, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã quy định rất rõ về những trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ như sau: "Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là chủ tịch, thành viên HĐQT; chủ tịch, thành viên HĐTV; Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác".

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2018, nhưng người quản lý, người điều hành và các chức danh khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được bầu, bổ nhiệm trước đó được tiếp tục đảm nhiệm chức vụ đến hết nhiệm kỳ hoặc đến hết thời hạn bổ nhiệm.

Tại SHB, hiện bầu Hiển là Chủ tịch HĐQT SHB, cũng là Chủ tịch Tập đoàn T&T. Vì vậy, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, lần này bầu Hiển sẽ phải đưa ra quyết định chọn 1 trong 2 "ghế nóng".

Tuy nhiên, trong một lần trao đổi với báo giới vào năm 2018, bầu Hiển cho biết: Ông sẽ thôi chức ở Tập đoàn T&T và ở lại SHB. Trên thực tế, trong thời gian ngồi "ghế nóng" tại T&T, ông Hiển không dành quá nhiều thời gian điều hành trực tiếp. Thậm chí, có thời gian ông Hiển dành toàn thời gian ở SHB và cả một, hai tháng liền không sang T&T. Tuy nhiên, "mọi chuyện vẫn ổn".

Tương tự, HĐQT Ngân hàng HDBank cũng vừa có thông báo đến cổ đông về tiêu chuẩn, điều kiện ứng cử, đề cử bầu thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2022-2027.

Theo đó, HĐQT nhiệm kỳ mới của HDBank gồm 9 thành viên, trong đó có 2 thành viên HĐQT độc lập.

Điều đáng quan tâm, là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng HDBank - bà Lê Thị Băng Tâm cũng đang kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch Công ty Vinamilk, nên khả năng trong kỳ đại hội lần này, bà Tâm sẽ phải đưa ra lựa chọn.

Quá khứ, nhiều doanh nhân chọn "ghế nóng" ngân hàng

Thực tế, ngay sau khi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2018, nhiều doanh nhân đã đưa ra quyết định làm "ông chủ" ngân hàng, rời bỏ "ghế nóng" tại doanh nghiệp làm nên tên tuổi của mình.

Chẳng hạn ông Đỗ Minh Phú rời ghế Chủ tịch Doji để đảm nhận chức vụ Chủ tịch TPBank; bà Thái Hương rời ghế Chủ tịch TH True Milk, chọn làm CEO BacABank, hay như trường hợp của ông Dương Công Minh quyết định chọn làm ngân hàng và "bỏ" Him Lam.

Tại thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng, lựa chọn ngân hàng là hành động khôn ngoan bởi "mạnh vì gạo, bạo vì tiền", làm chủ ngân hàng vẫn hơn làm chủ doanh nghiệp.

“Ghế nóng” thêm “nóng”, SHB và HDBank liệu có biến lớn? - Ảnh 3.

Nguồn: BCTC

Dưới sự chèo lái của các "ông chủ" như ông Đỗ Minh Phú, bà Thái Hương hay ông Dương Công Minh, kết quả kinh doanh tại ngân hàng của những "ông chủ" này ngày càng chuyển biến tích cực.

Chẳng hạn như tại TPBank, nếu năm 2018 lợi nhuận trước thuế chỉ 2.258 tỷ đồng thì đến năm 2021 đạt 6.038 tỷ đồng. Hay như tại Sacombank lợi nhuận không chỉ tăng trưởng gấp đôi kể từ 2018 đến nay, tốc độ xử lý nợ xấu của nhà băng này cũng tích cực. Ngân hàng đã thu hồi gần 72.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng trong 5 năm qua.

Ngược lại, ông Vũ Văn Tiền rời ghế Chủ tịch ABBank, chọn làm Chủ tịch Tập đoàn Geleximco; ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng) rời ghế Chủ tịch Kienlongbank để đảm nhận chức vụ Chủ tịch Đồng Tâm Group và bà Nguyễn Thị Nga rời ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị SeABank để đảm nhận vị trí Chủ tịch Tập đoàn BRG.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào của những "ông chủ" này đều kinh doanh thành công. Tiêu biểu như Đồng Tâm Group của bầu Thắng, trong mấy năm gần đây lợi nhuận sa sút, nếu năm 2017 lợi nhuận trước thuế đạt 243 tỷ đồng thì đến năm 2020, con số này chỉ còn ở mức 149 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem