Giá cả giảm sút, ngành cao su muốn lấy đất làm... khu công nghiệp

Trần Khánh Thứ hai, ngày 01/06/2020 16:56 PM (GMT+7)
Tiêu thụ ô tô trên toàn cầu giảm mạnh, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Một số nhà máy sản xuất lốp xe vẫn đóng cửa, hoặc sản xuất cầm chừng, khiến giá cao su tiếp tục ảm đạm.
Bình luận 0

Hiệu quả kinh doanh kém nên yêu cầu giảm diện tích, cơ cấu lại sản xuất được đặt ra cấp thiết ở khắp các tỉnh trồng cao su ở miền Đông Nam Bộ.

Tiêu thụ ô tô giảm mạnh

Theo Cục Xuất Nhập Khẩu (Bộ Công Thương), giá cao su tháng 5 tiếp tục ở mức thấp do nhu cầu giảm.

Trong 4 tháng đầu năm, tiêu thụ ô tô của Trung Quốc đạt 5,8 triệu chiếc, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2019. Dự báo cả năm 2020 sẽ giảm 15-20%. Tại Ấn Độ, doanh số bán ô tô gần như bằng 0 vì chính sách phong tỏa toàn quốc kéo dài. Số ô tô bán ra tại Anh trong tháng 4 cũng giảm 97% so với tháng trước, đạt 4.321 chiếc, mức thấp nhất kể từ năm 1946.

Tiêu thụ ô tô giảm khiến giá cao su tiếp tục ảm đạm - Ảnh 1.

Công nghiệp sản xuất lốp ô tô. Ảnh IT

Đáng lo là giá cao su có thể còn giảm khoảng 10-15% trong quý II vì mùa thu hoạch cao su ở các nước Đông Nam Á thường vào khoảng tháng 4-6 hàng năm. Trong khi đó, nhu cầu cao su tự nhiên ở các thị trường chủ chốt, nhất là Mỹ và châu Âu dự báo sẽ còn ở mức thấp trong nhiều tháng nữa.

Hiện một số nhà máy sản xuất lốp xe tại châu Âu, châu Á vẫn đóng cửa, hoặc chỉ sản xuất cầm chừng. Giá dầu thô đang ở mức thấp cũng tác động tới thị trường cao su tự nhiên, do giá cao su tổng hợp sẽ ở mức thấp và cạnh tranh mạnh mẽ với cao su tự nhiên.

Như tại Ấn Độ, các nhà sản xuất lốp xe sử dụng 60% cao su tự nhiên và 40% cao su tổng hợp. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể hoán đổi khi giá cao su tổng hợp rẻ, chỉ bằng 2/3 so với cao su tự nhiên.

Trong nước, hoạt động xuất khẩu hàng hóa vẫn còn gặp khó do ảnh hưởng dịch Covid-19, cho dù một số nước dần dỡ bỏ cách ly và được kỳ vọng nhu cầu nhập khẩu tăng trở lại.

Tiêu thụ ô tô giảm khiến giá cao su tiếp tục ảm đạm - Ảnh 2.

Thu mua mủ cao su ở Tây Ninh.

Theo Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, nhóm hàng nông sản xuất khẩu trong tháng 5 chỉ ước đạt 0,7 triệu USD; giảm gần 22% so tháng trước đó. Trong khi mặt hàng thanh long xuất tăng khá so với cùng kỳ thì mặt hàng cao su tính đến thời điểm hiện tại vẫn không xuất khẩu được.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, sản phẩm mủ cao su trên địa bàn tỉnh Bình Thuận chỉ tiêu thụ nội địa, nên kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này đóng góp vào nhóm nông sản là bằng 0.

Được biết, năm 2020, nhóm nông sản tham gia xuất khẩu Bình Thuận được giao chỉ tiêu đem về cho địa phương tổng cộng 11,3 triệu USD, riêng mặt hàng cao su là 1,9 triệu USD.

Ráo riết quy hoạch

Sau thời gian cách ly xã hội vì dịch Covid-19, đến nay các nhà máy chế biến ở miền Đông Nam bộ mới bước vào đầu mùa cạo. Giá mủ cao su Bình Phước trong tháng 5 giữ ở mức trung bình khoảng 230 đồng/TSC (giá mủ nước tính theo độ).

Đến cuối tháng 5, giá thu mua mủ nước của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng tăng lên mức 260 đồng/TSC. Theo Cục xuất nhập khẩu, mặc dù đã tăng trở lại, nhìn chung giá mủ nguyên liệu trên cả nước vẫn ở mức thấp.

Giá bán mủ cao su xuống thấp nhiều năm qua góp phần kéo giảm hiệu quả kinh doanh. Yêu cầu giảm diện tích, cơ cấu lại sản xuất được đặt ra cấp thiết ở khắp các vùng trồng cao su.

Tiêu thụ ô tô giảm khiến giá cao su tiếp tục ảm đạm - Ảnh 3.

Giá mủ cao su vẫn ở mức thấp

Ông Đỗ Minh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Tổng công ty cao su Đồng Nai cho biết, dự kiến đến năm 2025, công ty sẽ chuyển đổi 2.000ha đất cao su sang đầu tư khu công nghiệp - lĩnh vực có doanh thu, lợi nhuận tốt hơn.

Theo ông Tuấn, việc chuyển đổi này là phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và phát triển nguồn vốn nhà nước của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam.

Công ty này còn đang triển khai các bước hợp tác với Công ty CP sữa Vinamilk mở trang trại chăn nuôi bò sữa theo hướng công nghệ cao tại Đồng Nai. Đây được coi là 1 trong những giải pháp ứng phó khi thị trường giá cao su chưa phục hồi; nâng cao hiệu quả sử dụng đất và chuyển đổi sang mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Tổng công ty cao su Đồng Nai hiện quản lý gần 37.000ha đất. Dự kiến đến năm 2030, tổng công ty sẽ đề xuất chuyển đổi tổng cộng hơn 18.000ha từ quỹ đất cao su sang trồng cây nông nghiệp ngoài cây cao su; phát triển khu công nghiệp, khu dân cư và công trình hạ tầng xã hội tại các địa phương

Tiêu thụ ô tô giảm khiến giá cao su tiếp tục ảm đạm - Ảnh 4.

Tỉnh Tây Ninh dự kiến sẽ thu hẹp những diện tích trồng cao su không hiệu quả

Tại Tây Ninh, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiếu hụt lao động, đặc biệt là giá "vàng trắng" giảm thấp khiến ngành công nghiệp cao su Tây Ninh gặp không ít khó khăn.

Theo báo cáo hoạt động của Công ty CP cao su Tân Biên, giai đoạn 2014-2018, nhiều chỉ tiêu giảm dần qua các năm từ sản lượng đến doanh thu. Giá bán mủ cao su qua các năm giảm dần xuống mức thấp. Giai đoạn 2009-2013 giá bình quân khoảng 58,9 triệu đồng/tấn thì 2014-2018 chỉ còn 34,8 triệu đồng/tấn, giảm gần 70%.

Do những khó khăn hiện tại, Công ty CP cao su Tân Biên dự kiến sẽ điều chỉnh thu hẹp diện tích đất canh tác cao su truyền thống xuống còn 64%. 36% diện tích còn lại sẽ ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực có thế mạnh như hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư, năng lượng mặt trời và nông nghiệp công nghệ cao

Theo Cục xuất nhập khẩu, lũy kế 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cao su ước đạt 340.000 nghìn tấn, giảm gần 31% về lượng và 30% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá xuất khẩu cao su bình quân cả nước ở mức 1.380 USD/tấn, gần 32 triệu đồng/tấn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem