Giá cà phê đột nhiên tăng mạnh, tại sao thị phần cà phê của Việt Nam lại giảm ở Trung Quốc?

P.V Thứ tư, ngày 15/02/2023 19:27 PM (GMT+7)
Theo sát xu hướng giá thế giới, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục tăng mạnh.
Bình luận 0

Giá cà phê tăng mạnh

Theo thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), trên thị trường nội địa, theo sát xu hướng giá thế giới, giá cà phê nhân xô ngày 15/2 tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục tăng mạnh 500 đồng/kg. Theo đó, giá cà phê trong nước được thu mua ở khoảng 44.200-44.900 đồng/kg.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1 vừa qua, cả nước đã xuất khẩu 142.500 tấn cà phê, thu về kim ngạch hơn 310 triệu USD. Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu đã giảm mạnh đến 38% cả về lượng và giá trị.

Tuy nhiên, theo MXV, xuất khẩu giảm đột biến trong tháng 1 nguyên nhân chủ yếu do bà con hạn chế bán hàng nghỉ Tết Nguyên đán. Còn so với tháng 2/2022, tháng có cùng kỳ nghỉ lễ, xuất khẩu cà phê trong tháng đầu năm nay đã tăng 2% về lượng và chỉ giảm 3,6% về trị giá.

Cà phê - Ảnh 1.

Giá cà phê tăng mạnh. Trong ảnh: Thu hoạch cà phê tại huyện Krông Năng (Đắk Lắk). Ảnh: Hoàng Gia

Giá cà phê xuất khẩu tăng

Tháng 1/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.178 USD/tấn, tăng 1,0% so với tháng 12/2022, nhưng giảm 4,0% so với tháng 1/2022.

Tháng 1/2023 so với tháng 12/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang nhiều thị trường truyền thống giảm, nhưng xuất khẩu sang Italy, Indonesia tăng rất mạnh. 

Đáng chú ý, Trung Quốc đang là thị trường tiềm năng của xuất khẩu cà phê. Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong giai đoạn 2017 – 2022, tốc độ nhập khẩu cà phê của Trung Quốc tăng trưởng bình quân 25,1%/năm, từ 262,25 triệu USD năm 2017 tăng lên mức cao nhất 717,96 triệu USD vào năm 2022. 

Tại Trung Quốc, cà phê hòa tan, cà phê chế biến sẵn đang chiếm thị phần lớn nhờ sự tiện lợi trong việc sử dụng. Đây được coi là yếu tố thúc đẩy tiêu thụ cà phê chế biến tại thị trường đông dân số nhất thế giới này.

Năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu cà phê từ trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Việt Nam là một trong những nguồn chính.

 Tuy nhiên, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh, từ 10,61% trong năm 2021 xuống 6,91% trong năm 2022. 

Thị hiếu tiêu dùng của người dân Trung Quốc ngày càng ưa chuộng cà phê chế biến, cà phê pha chế sẵn chất lượng cao từ châu Âu, Mỹ. 

Trong khi đó, ngành cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê Robusta dưới dạng thô. Các doanh nghiệp ở Trùng Khánh hiện chủ yếu nhập cà phê Robusta của Việt Nam về để chế biến, pha trộn vì có lợi thế về giá, vận chuyển. 

Chính vì vậy, dù được đánh giá là thị trường tiềm năng cho Việt Nam xuất khẩu cà phê nhưng thị trường Trung Quốc có tính cạnh tranh cao. Trong khi tỷ trọng đầu tư cho chế biến sâu vẫn chưa cao, các doanh nghiệp Việt nên chú trọng đến chất lượng cà phê xuất khẩu, ngay cả đó là cà phê thô.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem