Giá cà phê hôm nay, Đắk Lắk tăng nhẹ, vì sao các giống cà phê vối chín muộn lại có lợi cho nông dân?

Duy Hậu Thứ hai, ngày 28/03/2022 11:44 AM (GMT+7)
Giá cà phê hôm nay tại Đắk Lắk tiếp tục tăng nhẹ. Thị trường cà phê Robusta tại Tây Nguyên cũng dịch chuyển theo hướng tích cực với hai ngày tăng giá liên tiếp. Vì sao các giống cà phê chín muộn lại có nhiều ưu điểm, có lợi cho nông dân?
Bình luận 0

Giá cà phê hôm nay, Đắk Lắk tiếp tục tăng nhẹ

Giá cà phê hôm nay tại Đắk Lắk tiếp tục có biến động tích cực. Hiện cà phê Robusta tại Đắk Lắk được mua trung bình ở mức 41.500 đồng/kg. Như vậy, so với hai ngày trước, giá cà phê tại Đắk Lắk tăng thêm 300 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay tại Đắk Lắk tăng nhẹ, cà phê vối chín muộn có ưu điểm gì? - Ảnh 1.

Mô hình cà phê vối chín muộn tại huyện Krông Búk (Đắk Lắk). Ảnh: WASI.

Thị trường cà phê Robusta tại Tây Nguyên trong hai ngày qua cũng có biến động theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, mức tăng chỉ đạt từ 300-400 đồng/kg.

Tại các huyện Di Linh, Lâm Hà, TP.Bảo Lộc (các vùng trọng điểm cà phê của Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay chạm mốc 41.000 đồng. Các vùng TP.Gia Nghĩa, huyện Đắk R'Lấp (tỉnh Đắk Nông), huyện Đắk Hà (tỉnh Kon Tum) và các vùng trọng điểm cà phê Robusta của Gia Lai, giá cà phê hôm nay được mua trung bình 41.400 đồng/kg.

Như vậy trong tuần qua, giá cà phê Robusta "rơi" mất 300 đồng/kg. Đầu tuần trước, cà phê Robusta trong nước hầu như không có biến động. Tuy nhiên sau đó liên tiếp có 2 ngày rớt giá và tăng nhẹ trở lại vào cuối tuần.

Vì sao các giống cà phê vối có nhiều ưu điểm nổi trội, có lợi cho nông dân?

Cà phê chín muộn là một sản phẩm được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) lai tạo. Theo một cán bộ tại WASI, có hai giống cà phê Robusta chín muộn được lai tạo đó là TR14, TR15.

Giá cà phê hôm nay tại Đắk Lắk tăng nhẹ, cà phê vối chín muộn có ưu điểm gì? - Ảnh 2.

Mô hình cà phê vối chín muộn tại huyện Ia Grai (Gia Lai). Ảnh WASI.

Quan sát cho thấy, các giống này có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với nhiều vùng sinh thái khác nhau. Tại các vùng trồng, hai giống TR14, TR15 cho năng suất ổn định đạt trên 5,5 tấn nhân/ha.

Chất lượng hạt cà phê nhân của các giống này cũng được đánh giá cao. Đặc biệt, cà phê TR15 được đánh giá là cà phê đặc sản.

Cũng theo các nhà nghiên cứu tại WASI, hai giống TR14, TR15 có thời điểm chín khá muộn. Thời điểm cho thu hoạch rơi vào cuối tháng 1 và trong tháng 2 hàng năm.

Điều này là một ưu điểm giúp nông dân giảm được lượng nước tưới trong mùa khô, giảm áp lực về nhân công và sân phơi. Điều này sẽ giúp cho người trồng cà phê tiếtkiệm được chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng giá trị xuất khẩu.

"Kết quả trồng khảo nghiệm cho thấy, các giống cà phê chín muộn có nhiều ưu điểm vượt trội hơn giống đối chứng về cả chất lượng và năng suất. Tại một số vùng, các chỉ tiêu này chưa thể hiện rõ nhưng chất lượng quả và hạt của các giống này vẫn cao hơn giống đối chứng. Đáng chú ý, hầu hết các vườn khảo nghiệm chưa thấy xuất hiện bệnh gỉ sét"- một cán bộ bộ môn cây công nghiệp tại WASI cho biết.

"Sau 42 tháng ghép TR14 và TR15 cho năng suất khá cao. Tại các vùng năng suất trung bình 2 vụ thu hoạch đầu của giống TR14 biến động từ 3,85 – 4,05 tấn nhân/ha, tăng từ 21,99% đến 29,03%; giống TR15biến động từ 3,64 – 4,38 tấn nhân/ha, tăng từ 17,42% – 31,93% so với giống đối chứng. Do đó chúng tôi đề nghị nhân rộng các mô hình giống cà phê vối chín muộn tại các tỉnh Tây Nguyên thông qua các dự án khuyếnnông, dự án nông thôn mới…"- cán bộ này cho biết thêm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem