Giá cà phê nhân Đắk Lắk giữ mức cao nhất, vì sao chủ lò sấy "chơi bài" đổi cà phê tươi lấy cà phê nhân?

Duy Hậu Thứ sáu, ngày 17/12/2021 05:36 AM (GMT+7)
Giá cà phê nhân tại một số nơi ở Tây nguyên hôm nay giảm nhẹ, tuy nhiên giá vẫn phổ biến ở mức hơn 40.000 đồng/kg. Giá cà phê nhân Đắk Lắk giữ mức cao nhất là 41.400 đồng/kg. Vào vụ hái cà phê, vì sao các chủ lò sấy ở Tây Nguyên "chơi bài" đổi cà phê tươi lấy cà phê nhân chứ không sấy thuê?
Bình luận 0

Giá cà phê nhân hôm nay đồng loạt giảm 300 đồng/kg

Giá cà phê nhân hôm nay tại các tỉnh Tây Nguyên đều đồng loạt giảm 300 đồng/kg. Theo đó, cà phê tại Lâm Đồng, cà phê nhân xô được mua với giá 40.600 đồng/kg. Các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai cà phê được thu mua với mức 41.300 đồng/kg. Riêng giá cà phê Đắk Lắk có mức giá cao nhất so với các tỉnh còn lại, được thu mua ở mức 41.400 đồng.

Giá cà phê hôm nay giảm nhẹ, các chủ lò sấy quyết không làm thuê vì sao? - Ảnh 1.

Cà phê của nông dân huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) trong niên vụ này năng suất tăng. Các vườn cà phê có năng suất cao đa số là các vườn cà phê còn trẻ, tái canh; trồng giống cà phê mới; áp dụng các kỹ thuật thâm canh...Ảnh: Duy Hậu.

So với năm 2020, trong niên vụ cà phê này, sản lượng cà phê tại Tây Nguyên được dự báo tăng nhẹ. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông nhận định, do diễn biến thời tiết thuận lợi, nên trong niên vụ này, năng suất cà phê tăng khoảng 3%, đạt trung bình hơn 2,7 tấn/ha.

Đặc biệt, tại huyện Đắk Mil (Đắk Nông), năng suất cà phê đạt khá cao. Ông Nguyễn Văn Quảng (xã Đức Minh, huyện Đắk Mil) cho biết, năm nay thời tiết diễn biến thuận lợi nên cà phê sinh trưởng, phát triển tốt. 

"Thời điểm cà phê ra hoa, đậu quả cũng không bị sâu bệnh tấn công nên tỷ lệ rụng trái non rất thấp. Do đó, năng suất cà phê năm nay tăng hơn nhiều năm trước đây...", ông Quảng khẳng định.

"Do giá cả phân bón, giá nhân công, giá xăng dầu, giá vận chuyển...tăng nên dù giá cà phê tăng nên thu nhập của nông dân tăng nhưng không đáng bao nhiêu. Nhưng nếu thị trường cà phê ổn định ở mức giá này, nông dân trồng cà phê chúng tôi vẫn rất phấn khởi".- ông Quảng nói.

Cũng theo ông Quảng, với mức giá cà phê nhân trên 40.000 đồng/kg, nông dân trồng cà phê đang rất vui. 

Ông Quảng cho hay, các năm trước, giá cà phê thường tăng ở cuối vụ và chỉ giữ được đà tăng một thời gian ngắn. Riêng năm nay, giá cà phê tăng ngay từ đầu vụ và liên tục giữ ổn định ở mức hơn 40.000 đồng/kg. 

“Nếu giá cà phê giữ mức hơn 40.000 đồng/kg như hiện nay, gia đình tôi thu về trên 150 triệu đồng/hơn 2ha cà phê. Đây là mức thu cao nhất từ trước đến nay đối với gia đình tôi"- một nông dân khác tại xã Đức Minh cho biết.

Vì sao các lò sấy cà phê thà bỏ không chứ dứt khoát không sấy thuê?

Do không có điều kiện phơi, sấy, nhiều nông dân trồng cà phê vẫn phải chấp nhận đổi cà phê tươi lấy cà phê nhân và chấp nhận một khoản lỗ nhất định.

Trong khi nhiều nông dân vui vì giá cà phê năm nay đang ổn định ở mức cao thì nhiều nông dân lại chẳng mấy vui. 

Ông Vũ Hữu Đào (Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) tính toán: "Mỗi ha cà phê cần trên 45 triệu đồng chi phí phân bón, tưới nước, công chăm sóc, thu hoạch...Trừ các chi phí, gia đình tôi có lãi hơn 30 triệu đồng/ha. So với trước đây, khi giá cà phê thấp nhưng giá vật tư, phân bón thấp thì lợi nhuận tăng thêm cũng không đáng kể".

Giá cà phê hôm nay giảm nhẹ, các chủ lò sấy quyết không làm thuê vì sao? - Ảnh 2.

Nhiều nông dân không có điều kiện phơi sấy cà phê đành phải chấp nhận đổi cà phê tươi cho các chủ lò sấy và chịu một khoản lỗ. Ảnh: Duy Hậu.

Nhiều nông dân cũng cho rằng, năm nay, giá các loại phân bón tăng từ 20%-30%; các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 15%-20% so với trước...Do đó, dù giá cà phê tăng nhưng nông dân chủ yếu "lấy công làm lời" chứ chưa có lãi cao.

Tại một số nơi, đối với nhiều hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo nếu trồng cà phê còn phải gánh thêm một khoản chi phí khác. Một nông dân tại xã Ea Tân, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) cho biết, năm nay các chủ lò sấy cà phê đều "đình công", dứt khoát không sấy cà phê thuê cho nông dân.

Theo nông dân này, những năm trước, các lò sấy nhận sấy cà phê thuê cho nông dân với mức 1,2 triệu đồng/tấn nhân. Tuy nhiên, năm nay tất cả các lò sấy đều từ chối sấy thuê. Họ yêu cầu đổi cà phê tươi lấy cà phê nhân. Mức đổi phổ biến là 4,6 ký tươi lấy 1 ký nhân.

"Nếu cà phê chín đều, đạt thì cứ 4,2 ký tươi sẽ thu về được 1 ký nhân. Tuy nhiên, vì nhiều nông dân không có điều kiện phơi, sấy đành phải chấp nhận đổi cho các chủ lò sấy với tỷ lệ 4,6 ký tươi lấy 1 ký nhân"- nông dân này cho biết.

Cũng theo nông dân này, với tỷ lệ đổi như trên, mỗi tấn cà phê nhân các chủ lò sấy thu về khoảng 2,7-3 triệu đồng. Như vậy, so với việc sấy thuê, việc đổi cà phê nhân lấy cà phê tươi giúp các chủ lò sấy tăng thêm thu nhập hơn 1,5 triệu đồng/tấn cà phê nhân.

"Đây chính là nguyên nhân mà các chủ lò sấy "đình công". Họ thà bỏ không lò sấy chứ nhất định không sấy thuê. Ai chấp nhận đổi thì chỉ cần thu cà phê xong là họ cho xe tới chở cà phê tươi về. Do không có sân phơi, không có tiền đầu tư lò sấy, rất nhiều nông dân đành phải chấp nhận đổi dù biết bị thiệt"- nông dân này nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem