Giá cà phê nhân Đắk Lắk hôm nay giảm nhẹ, bệnh thán thư gây hại cây cà phê ra sao, cách phòng ngừa?

Duy Hậu Thứ bảy, ngày 12/03/2022 12:15 PM (GMT+7)
Giá cà phê nhân Đắk Lắk hôm nay giảm nhẹ. Giá xăng dầu tăng cao, dân băn khoăn chọn phương pháp tưới để tiết kiệm. Bệnh thán thư gây hại thế nào, phòng trị ra sao?
Bình luận 0

Giá cà phê giảm nhẹ, giá dầu tăng cao, dân băn khoăn chọn cách tưới có lợi

Giá cà phê nhân Đắk Lắk hôm nay giảm nhẹ so với hôm 10/3. Hiện cà phê Robusta tại Đắk Lắk được mua với giá 40.800 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg. Trong tuần, cà phê Robusta tại Đắk Lắk có hai đợt tăng giá. Mức giá hiện tại so với đầu tuần tăng thêm được 1.000 đồng/kg.

Giá cà phê nhân Đắk Lắk hôm nay giảm nhẹ, bệnh thán thư gây hại thế nào, phòng trị ra sao? - Ảnh 1.

Bệnh thán thư gây khô quả cà phê. Ảnh: Duy Hậu.

Tại các vùng trọng điểm cà phê Robusta khác của Tây Nguyên, giá cà phê cũng đồng loạt tăng thêm 1.000 đồng so với đầu tuần. Hiện cả phê Robusta tại Tây Nguyên được mua trong khoảng từ 40.200- 40.800 đồng.

Nông dân Tây Nguyên đang bước vào vụ tưới cà phê. Cùng thời điểm này, giá xăng dầu đang tăng cao khiến nông dân hết sức lo lắng.

Anh Lê Văn Thành (xã Ea Dah, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) cho biết: "Với giá dầu như hiện tại, nếu tưới cà phê bằng béc thì sẽ rất "phê". Thế nhưng nếu tưới dí thì gia đình phải thuê người. Chả biết phải làm sao cho có lợi".

Anh Hồ Sĩ Lợi, cùng xã thì phân tích: "Nếu tưới dí thì mất khoảng 2,5 lít dầu/tiếng nhưng tới béc thì mất khoảng 2,7-3 lít/tiếng. Nhưng tưới béc thì nhàn, tưới dí thì phải mất ít nhất 4 công/ha. Nếu phải thuê công tưới thì mất 1 triệu/ha. Như vậy, nếu gia đình nào thuê nhân công để tưới dí thì sẽ tốn kém hơn so với tưới béc".

Bệnh thán thư gây hại thế nào đối với cây cà phê, cách phòng trị ra sao

Theo kỹ sư nông nghiệp Lê Văn Định, thán thư là một dịch hại khá phổ biến trên cây cà phê. Bệnh thường phát triển mạnh vào đầu mùa mưa. Bệnh có do một loại nấm gây ra. Cây cà phê bị bệnh sẽ dẫn đến khô cành, thối quả, khô quả...

Giá cà phê nhân Đắk Lắk hôm nay giảm nhẹ, bệnh thán thư gây hại thế nào, phòng trị ra sao? - Ảnh 2.

Một cà cà phê bị bệnh thán thư. Ảnh: Duy Hậu.

Trên cành cà phê, ban đầu vết bệnh chỉ là những đốm nhỏ màu nâu hơi lõm xuống ở những đốt giữa cành, sau lan rộng hết chiều dài của đốt. Bệnh thường tấn công những cành nhỏ đang hóa gỗ, nếu nặng có thể gây hại cả những cành lớn và thân cây, chỗ bị bệnh chuyển thành mầu nâu đen, làm lá bị rụng, cành bị khô rồi chết.

Trên lá, vết bệnh xuất hiện những đốm màu nâu đen, sau đó lan rộng dần, trên đó có các vòng đồng tâm. Nếu nặng các vết bệnh liên kết lại với nhau thành từng mảng khô, màu nâu sẫm hay nâu đen.

Trên quả, bệnh thường tấn công mạnh ở giai đoạn quả đã thành thục, ở vị trí gần cuống quả hoặc tại điểm tiếp xúc giữa hai quả với nhau. Ban đầu vết bệnh chỉ là một đốm tròn nhỏ màu đen, hơi lõm xuống, sau lan rộng khắp vỏ quả, ăn sâu vào trong nhân làm quả bị thối, khô đen và rụng sớm.

Theo kỹ sư Định, để phòng trừ bệnh thán thư, nông dân nên trồng cà phê ở mật độ vừa phải. Quá trình canh tác, nông dân cần thường xuyên cắt tỉa những cành sâu bệnh, cành nằm sâu trong tán lá không có khả năng cho trái.

Đối với vườn cà phê có cây che bóng, nông dân cũng cần tỉa bớt cành cây che bóng để vườn cây thông thoáng, khô ráo. Đồng thời, nông dân cũng chú ý bón phân đầy đủ, cân đối, đúng kỹ thuật.

Ngoài những biện pháp trên, nông dân có thể tư vấn cán bộ nông nghiệp địa phương để sử dụng một số thuốc hóa học phòng trị bệnh. Vào tháng mùa mưa, nông dân có thể sử dụng thuốc Carbenzim 500FL phun định kỳ khoảng 20 ngày/lần để phòng ngừa bệnh.

"Carbenzim 500FL là thuốc trừ nấm, có khả năng nội hấp. Ngoài đặc tính được cây hấp thu nhanh qua lá, thuốc còn có khả năng loang trải và bám dính tốt nên hạn chế được sự rửa trôi do nước mưa. Nông dân nên tư vấn cán bộ nông nghiệp địa phương để có cách phòng trị bệnh phù hợp nhất"- kỹ sư Định nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem