Giá cà phê nhân Đắk Lắk "nằm im" ở mức nào, rệp sáp phá hại cây cà phê ra sao?

Duy Hậu Thứ hai, ngày 28/02/2022 11:39 AM (GMT+7)
Sau khi rơi về mốc 41.000 đồng/kg, giá cà phê nhân Đắk Lắk "nằm im" suốt 4 ngày qua. Tại các tỉnh Tây Nguyên giá cà phê cũng chững lại. Rệp sáp là trong những loại côn trùng ký sinh thường thấy trên cây cà phê. Loài côn trùng này phá hại như thế nào đối với cà phê?
Bình luận 0

Giá cà phê nhân Đắk Lắk tiếp tục "nằm im"

Giá cà phê nhân Đắk Lắk hôm nay vẫn giữ ở mức 41.000 đồng/kg. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp, giá cà phê Robusta tại Đắk Lắk không có biến động. Trước đó, giá cà phê Robusta tại Đắk Lắk có hai đợt giảm giá liên tiếp, tổng mức giảm 800 đồng/kg.

Giá cà phê nhân Đắk Lắk "nằm im" ở mốc 41.000 đồng/kg, rệp sáp có hại như thế nào đối với cà phê? - Ảnh 1.

Giá cà phê nhân tại Đắk Lắk hôm nay tiếp tục "nằm im". Ảnh: Hoàng Lộc.

Tại các tỉnh Tây Nguyên khác, cà phê nhân cũng không có biến động về giá. Các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, cà phê Robusta vẫn được mua trung bình ở mức 40.900. Tại Lâm Đồng, giá cà phê nhân xô đang được mua 40.400 đồng/kg.

Thông tin từ thị trường cà phê thế giới, giá cà phê hôm nay cũng không biến động. Tuy nhiên, theo một số đánh giá, cà phê Robusta đang có xu hướng giảm. Lý do là các quốc gia sản xuất cà phê lớn đang bắt đầu bán ra lượng cà phê lớn. Trong khi đó, giá cà phê Arabica điều chỉnh tăng sau phiên đã giảm rất mạnh trước đó.

Giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 5/2022 tại phiên giao dịch cuối tuần trước giảm 1 USD/tấn và giảm 6 USD/tấn đối với kỳ hạn giao tháng 7/2022. Khối lượng giao dịch trung bình.

Trong khi đó, giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York kỳ hạn giao tháng 5/2022 tăng nhẹ, giao dịch ở mức 238,65 cent/lb- tăng 0,75 cent/lb. Tuy nhiên, đối với kỳ hạn giao tháng 7/2022, giá cà phê Arabica giảm 0,3 cent/lb. Khối lượng giao dịch khá.

Rệp sáp có hại như thế nào đối với cây cà phê?

Rệp sáp là một loại côn trùng xuất hiện khá phổ biến trên cây cà phê. Theo kỹ sư nông nghiệp Lê Đăng Hưng, rệp sáp có thể gây hại cho cả rễ và quả cà phê. Loài côn trùng này có thể xuất hiện quanh năm. Nếu nông dân không xử lý kịp thời, rệp sáp có thể khiến cây cà phê suy kiệt đến chết.

Giá cà phê nhân Đắk Lắk "nằm im" ở mốc 41.000 đồng/kg, rệp sáp có hại như thế nào đối với cà phê? - Ảnh 2.

Một chùm quả cà phê bị rệp sáp tấn công. Ảnh: Duy Hậu.

Rệp sáp gây hại cho rễ cà phê thường sống trong đất, bán xung quanh rễ cà phê. Loài côn trùng này sẽ dùng miệng chích hút nhựa cây để sinh sống. Đồng thời chúng sẽ tiết ra một lớp sáp phủ lấy rễ cây, làm cho cây không lấy được nước và chất dinh dưỡng. Điều này khiến cho cây suy kiệt, nếu tình trạng trầm trọng hơn, cây có thể chết.

Không chỉ thế, các vết thương do rệp sáp gây ra còn khiến các loại nấm bệnh có cơ hội tấn công vào rễ cà phê.

Đối với loại rệp sáp gây hại lá non và quả cà phê, chúng thường phát triển mạnh ở đầu mùa mưa. Chúng đẻ trứng vào các nách lá, chùm quả, chùm bông...

Sau khi sinh nở, con non sẽ chích hút nhựa cây khiến chồi non, bông và cả quả cà phê. Với mật độ dày, rệp sáp có thể làm rụng hết trái non, cành cà phê bị khô héo.

"Nông dân cần thường xuyên cắt cành cho vườn cà phê thông thoáng. Vào mùa khô, nông dân nên cung cấp đủ nước cho cây cà phê. Bà con cũng cần thường xuyên thăm vườn, kiểm tra kỹ các nách lá, chùm bông ở gần mặt đất để kịp thời phát hiện rệp sáp"- kỹ sư Hưng nói.

Cũng theo kỹ sư Hưng, hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc trị rệp sáp. Bà con có thể tham khảo, tư vấn cán bộ nông nghiệp tại địa phương để có lựa chọn chính xác. Hàng năm, bà con cũng có thể định kỳ phun một số loại thuốc để phòng rệp sáp. Tuy nhiên, các loại thuốc này có độc tính khá cao, bà con có thể cân nhắc hoặc phải có biện pháp bảo vệ sức khỏe khi sử dụng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem