Giá cà phê tiếp tục giảm, nông dân không mặn mà tái canh

22/02/2020 06:08 GMT+7
Giá cà phê nhân xô tại hầu hết các tỉnh Tây Nguyên phiên hôm nay (22/02) mất 100 đồng xuống mức 30.900 – 31.400 đồng/kg. Mức chi phí đầu tư cao trong khi lợi nhuận thu về thấp đã khiến nhiều nông dân không còn thiết tha với việc tái canh vườn cà phê.
Giá cà phê tiếp tục giảm, nông dân không mặn mà tái canh - Ảnh 1.

Giá cà phê giảm nhẹ trên sàn giao dịch thế giới

Tham khảo giá cà phê nhân xô tại Việt Nam   

Giá cà phê tiếp tục giảm, nông dân không mặn mà tái canh - Ảnh 2.

Nguồn: Tin Tây Nguyên

Trên thị trường thế giới, cà phê trên hai sàn giao dịch đồng loạt xuống giá. Arabica kỳ hạn tháng 3 giảm 3,2 cent, tương đương 3% xuống ở 103,6 US cent/lb; kỳ hạn tháng 5 mất 4,05 cent, tương đương 3,72% chốt tại 104,95 US cent/lb. Giá arabica giảm xuống mức thấp nhất 1 tuần do hoạt động bán tháo tiếp tục diễn ra và đồng real Brazil giảm xuống mức thấp kỷ lục so với USD. Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 3 và tháng 5 đều sụt giảm 11 USD, tương ứng với 0,87% và 0,85% xuống mức 1.251 USD/tấn và 1.279 USD/tấn.

Theo Reuters, tại Châu Á, giao dịch cà phê ở cả Việt Nam và Indonesia tuần này đều trầm lắng vì nông dân Việt Nam không muốn bán ra khi giá thấp, trong khi thị trường Indonesia chờ đợi cà phê vụ mới sau vài tháng nữa.

Dịch bệnh Covid-19 đã làm các nhà phân tích kinh tế lo ngại. Họ cho rằng không dễ để lấy lại sức mua hàng hóa bình thường. Thị trường cà phê yếu do thừa sức bán nhưng lại thiếu mua.

Nông dân "chán vườn", không muốn tái canh

Tại nhiều huyện thuộc tỉnh Đắk Lắk – thủ phủ trồng cà phê lớn nhất cả nước – nông dân đang không muốn đầu tư tái vườn mặc dù các lứa cây cũ đã già cỗi, cho năng suất kém.

Nguyên nhân là bởi sau một vụ cà phê, trừ hết chi phí đầu tư thì lợi nhuận thu về không còn là bao. Ngoài ra, nhiều hộ không muốn tái canh lại cà phê do chi phí đầu tư cải tạo cao. Trong khi phải mất đến 3 năm sau mới được thu, giá vật tư nông nghiệp lại tăng, khiến việc đầu tư chăm sóc cà phê gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ tái canh cũng không hề dễ dàng.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn có hơn 41.000 hecta cà phê già cỗi, cần được tái canh. Tuy nhiên đến nay, địa phương mới thực hiện tái canh và ghép cải tạo được hơn 31.000 hecta, chưa đạt kế hoạch đã đề ra.

Mặc dù giá cả xuống thấp, lợi nhuận đem lại cho người nông dân hiện tại không còn cao tuy nhiên, cà phê vẫn là cây trồng chủ lực của các tỉnh Tây Nguyên. Chính vì vậy, các địa phương cần có những định hướng, lộ trình cụ thể để khắc phục những khó khăn, tồn tại, nếu không, sẽ khó hoàn thành chương trình tái canh cà phê.

Mai Trang
Cùng chuyên mục