Giá củ su hào, “giá” CPI

Thứ ba, ngày 25/02/2014 06:05 AM (GMT+7)
Những người nông dân, đã phải ra đồng từ mùng 2 tết, để… thả bò trong những ruộng rau, có lẽ chẳng biết CPI là gì. Chỉ đơn giản là cả năm trông vào luống rau ngày tết giờ đã coi như trắng tay.
Bình luận 0
Biểu đồ chỉ số CPI theo tháng từ 1.2013 - 2.2014. Nguồn BizLive
Biểu đồ chỉ số CPI theo tháng từ 1.2013 - 2.2014. Nguồn BizLive

“Rau đã rẻ mà còn không có người mua, chúng tôi phải mang về cho bò, cho lợn ăn, rồi làm cả phân bón nữa cô à...”- đây là lời tâm sự thật như đếm của một nông dân được đăng trên báo Quảng Ninh, chỉ 48 tiếng trước.

Những người nông dân, đã phải ra đồng từ mùng 2 tết, để… thả bò trong những ruộng rau, có lẽ chẳng biết CPI là gì. Chỉ đơn giản là cả năm trông vào luống rau ngày tết giờ đã coi như trắng tay. Thật kỳ lạ cho một dịp tết không sốt giá. Không khan hàng. Không tăng giá. Không phải là do quản lý tốt, mà căn nguyên là bởi cái ví của người tiêu dùng giờ đã cạn, đã rỗng.

Giờ đây, khi tết đã qua, cỏ vẫn mọc cao hơn cả rau trên đồng ruộng. Cải quá lứa đã trổ hoa. Cho cũng không có người muốn xin. Còn bán ư? Một xe rau chỉ được chừng 50.000 đồng, không bõ, mà xăng thì lại vừa tăng giá.

CPI là gì ư? Ở Sóc Trăng chẳng hạn, CPI hiện thân trong tình trạng “1 kg bắp cải de chỉ bán được 1.000 đồng, tính ra mỗi ký lỗ gần 3.000 đồng”.

Đã có một kỷ lục về chỉ số giá được lập khi CPI tháng tết đứng chết ở con số 0,55%, thấp nhất trong 10 năm qua. Thấp đến “ngoài tầm ước lượng của giới quan sát”. Để dễ hình dung, mức CPI của hai đầu tàu kinh tế Hà Nội và TP.HCM lần lượt chỉ 0,49, thậm chí 0,24%, mức thấp nhất trong các tháng 2 kể từ năm 1976 đến nay.

Đối với nông dân, những thuật ngữ kinh tế vĩ mô “chỉ số giá tiêu dùng” quá sức xa lạ, “cầu tiêu dùng đang thấp đến đáy” là gì thì cũng khó hiểu. CPI chỉ đơn giản là bi kịch khi không cần phải giáo sư, tiến sĩ gì họ cũng có thể tính toán được rằng “5 kg rau sạch chỉ bằng đúng 1 cốc trà đá”.

Nhưng củ su hào hay kg bắp cải chỉ là một hình ảnh của sự ế ẩm đang lan tràn trong nền kinh tế với “chỉ số sale off” (khuyến mãi, giảm giá) vượt ngưỡng 50%, còn chỉ số tồn kho đang giống như một sự đe dọa.

Giá củ su hào, hay kg bắp cải, đối với nông dân, đơn giản là trắng tay, là sự bọt bèo của mồ hôi nước mắt.

Giá của những tấm biển sale off, là tồn kho, là đình trệ, là thất nghiệp.

Giá của tất thảy những biểu hiện đó là sức mua đang nằm dưới ngưỡng kiệt quệ. Và người dân đang phải đối phó bằng cách thắt lưng buộc bụng.

Chính những người nông dân, bằng sự khốn khó của mình đang nhìn thấy rất rõ hậu quả, chứ không phải là hệ quả của một mức CPI thấp kỷ lục.

Còn nhân dân? Một cuộc khảo sát do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia thuộc (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) thực hiện đưa ra con số có tới 34,1% tự đánh giá thu nhập của họ quá thấp.

Thật khó để có thể bán nổi 1 củ su hào hơn 2.000 đồng khi cái túi tiêu dùng đang bị thắt chặt. Thật khó để nói về những dấu hiệu “xuất hiện phục hồi của nền kinh tế” khi cơ sở nền tảng lại là sự giảm phát.
Đào Tuấn (Đào Tuấn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem