Giá cước vận tải biển tăng 400 - 500%, Bộ NNPTNT đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cùng làm ngay một việc

P.V Thứ sáu, ngày 07/01/2022 15:37 PM (GMT+7)
Trước phản ánh của doanh nghiệp về việc giá cước vận tải biển tăng cao lên đến 400 - 500%, container phục vụ vận tải xuất khẩu thiếu trầm trọng, ngày 7/1, Bộ NNPTNT có công văn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cùng làm việc với các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển tìm giải pháp.
Bình luận 0

Chi phí vận tải biển tăng 400 - 500%, thiếu container, Bộ NNPTNT kiến nghị khẩn

Trước phản ánh của doanh nghiệp về việc giá cước vận tải biển tăng cao, thiếu container phục vụ vận tải xuất khẩu, ngày 7/1, Bộ NNPTNT có công văn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cùng làm việc với các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển tìm giải pháp.

Công văn số 123/BNN-VP do Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam ký gửi Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ, trong hai năm vừa qua, dịch bệnh Covid-19 tác động lớn đến vận tải xuất khẩu.

Cụ thể, chi phí đã tăng gấp nhiều lần so với trước đây, riêng giá cước vận tải biển tăng cao lên đến 400 - 500%, thêm vào đó là vấn đề thiếu container phục vụ vận tải xuất khẩu. 

Theo Bộ NNPTNT, dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp, việc xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản sang thị trường Trung Quốc qua biên giới các tỉnh phía Bắc đang gặp nhiều khó khăn khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo hạn chế thông quan hàng nông sản do dịch Covid và Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách “Zero covid”. 

Giá cước vận tải biển tăng 400 - 500%, Bộ NNPTNT đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cùng làm ngay một việc - Ảnh 1.

Theo Bộ NNPTNT, chi phí đã tăng gấp nhiều lần so với trước đây, riêng giá cước vận tải biển tăng cao lên đến 400 - 500%, thêm vào đó là vấn đề thiếu container đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu nông sản. Ảnh: Tự Trung.

Hiện tại nhiều mặt hàng nông sản đến mùa vụ thu hoạch, đặc biệt là rau quả tươi như thanh long, mít, xoài… 

Riêng mặt hàng thanh long, theo báo cáo từ các tỉnh, có khoảng 300.000 tấn cần tiêu thụ trong 3 tháng đầu năm 2022. 

Trong bối cảnh xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu bằng đường bộ bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp chuyển hướng xuất khẩu thông qua đường biển, đường sắt, tuy nhiên vướng mắc là thiếu container lạnh từ các hãng tàu đã tác động lớn đến sự chuyển hướng xuất khẩu nói trên.

 Nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản, rau quả tươi trong thời gian tới qua vận tải đường biển, đường sắt, giảm thiểu ách tắc cho xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản của Việt Nam qua các tỉnh biên giới phía Bắc, Bộ NNPTNT đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ NNPTNT làm việc với các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển tại Việt Nam tìm giải pháp cho vấn đề thiếu container lạnh và giá thuê container tăng quá cao để giải quyết vấn đề hiện tại và phát triển xuất khẩu nông sản bền vững. 

Cần giải quyết vấn đề thiếu container

Tại Diễn đàn kết nối tiêu thụ thanh long do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 6/1, ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit, bên phía Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo Việt Nam về việc nên xuất khẩu thanh long theo đường chính ngạch. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam không nghe theo khuyến cáo và chỉ xuất đi đường bộ chứ không xuất theo đường biển. 

Theo đó, ông Nguyễn Khắc Huy khuyến cáo các doanh nghiệp cần giải quyết vấn đề thiếu vỏ container để chuyển qua hình thức xuất khẩu qua đường biển.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần khắc phục vấn đề có virus SARS-CoV-2 trên quả thanh long và các thùng hàng.

Ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty Rồng Đỏ - công ty có 15 năm xử lý đóng gói xuất khẩu trái cây tươi vào EU, Mỹ, Úc... cũng kiến nghị, các bộ ngành, địa phương quan tâm đến 'tàu riêng lạnh/đông lạnh/lạnh có kiểm soát không khí' phục vụ phát triển bền vững cho nông sản Việt Nam đi thị trường tất cả các nước nói chung và Trung Quốc nói riêng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem