Gia đình ông chủ Gỗ Trường Thành còn bao nhiêu cổ phiếu TTF?

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 26/08/2016 16:11 PM (GMT+7)
Sau khi cô “con gái rượu” Võ Diệp Cẩm Vân của nguyên chủ tịch Võ Trường Thành bán hơn 100 nghìn cổ phiếu TTF, số cổ phiếu mà gia đình đại gia gỗ còn nắm giữ tại doanh nghiệp này là hơn 19,2 triệu cổ phiếu, chiếm khoảng 13,34% vốn điều lệ…
Bình luận 0

Mới đây nhất, bà Võ Diệp Cẩm Vân, con gái ông Võ Trường Thành (cựu Chủ tịch HĐQT của Gỗ Trường Thành - mã chứng khoán TTF) vừa báo cáo giao dịch cổ phiếu TTF. Theo đó, trong khoảng thời gian từ 3.8 đến 22.8, bà Cẩm Vân đã bán hết gần như toàn bộ hơn 100.000 cổ phiếu TTF mà bà sở hữu. Hiện bà Vân chỉ còn nắm 7 cổ phiếu của TTF.

Như vậy, sau khi bà Võ Diệp Cẩm Vân bán toàn bộ số cổ phiếu của TTF, số lượng cổ phiếu của gia đình ông Võ Trường Thành vẫn còn khá lớn, hơn 19,2 triệu cổ phiếu, tương đương với 13,34% vốn điều lệ.

img

Từ mức giá trên 43.000 đồng, cổ phiếu TTF liên tục giảm xuống dưới mệnh giá, có thời điểm thấp nhất vào ngày 19.8 giá cổ phiếu TTF chỉ còn 8.100 đồng/CP.

Cụ thể, ông Võ Trường Thành còn nắm giữ 14,7 triệu cổ phiếu TTF, chiếm tỷ lệ 10,17%. Vợ ông Thành là bà Diệp Thị Thu nắm giữ hơn 3,9 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 2,72%. Riêng con trai ông Võ Trường Thành là ông Võ Diệp Văn Tuấn, hiện vẫn đang là Phó tổng Giám đốc của TTF đang nắm giữ hơn 650 nghìn cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 0,45%.

Như vậy, sau hai thập niên sáng lập và “cầm lái” Gỗ Trường Thành (thành lập từ năm 1993), ông Võ Trường Thành chính thức mất quyền kiểm soát doanh nghiệp này từ ngày 12.8. Nguyên nhân được đưa ra là do ông Thành đã không hoàn thành đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong tình hình khó khăn khẩn cấp của công ty.

Trước đó, Dân Việt đã thông tin, sau “sự cố” phát hiện sai lệch sổ sách liên quan đến hàng tồn kho, cổ phiếu TTF đã trải qua 24 phiên giảm sàn liên tục. Từ mức giá trên 43.000 đồng, cổ phiếu TTF liên tục giảm xuống dưới mệnh giá, có thời điểm thấp nhất vào ngày 19.8 giá cổ phiếu TTF chỉ còn 8.100 đồng/CP.

img

 ông Võ Trường Thành chính thức mất quyền kiểm soát doanh nghiệp này từ ngày 12.8.

Tuy nhiên, từ ngày 22.8, TTF đã xuất hiện lượng khớp lệnh rất lớn và có 4 phiên tăng trần liên tiếp, quay đầu tăng lên 10.400 đồng/cổ phiếu (ngày 25.8.2016) với gần 10 triệu cổ phiếu khớp lệnh. Đến thời điểm giao dịch đầu giờ chiều 26.8, cổ phiếu TTF đã tăng lên 11.100 đồng/CP.

Ở một diễn biến khác, HĐQT Gỗ Trường Thành cũng vừa chuyển cho cơ quan điều tra một số phát hiện sai lệch nghiêm trọng.

Cụ thể, trong các thế chấp bằng hàng tồn kho tại một số ngân hàng thương mại (hiện đang còn dư nợ), các thế chấp này có dấu hiệu lập khống giá trị về tải sản đảm bảo để thế chấp vay ngân hàng. Việc lập khống này dẫn đến Công ty Trường Thành có nguy cơ mất vốn tự có, gây thiệt hại trực tiếp đến các cổ đông.

Ngoài ra, trong báo cáo tài chính trước đây của TTF, khoản bảo lãnh cho Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng DLC không được ghi nhận. Liên quan đến nghiệp vụ này, TTF bảo lãnh cho DLC vay tại Ngân hàng Việt Á với nghĩa vụ cần thực hiện khoảng 90 tỷ đồng. Tổng hạn mức bảo lãnh mà HĐQT của TTF đã duyệt cho công ty DLC là 420 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay TTF đã chính thức phát hành bảo lãnh cho DLC giá trị bao nhiêu thì không ghi chép trên sổ sách, bộ phận kế toán không lưu giữ các văn bản liên quan như Nghị quyết HĐQT, văn bản bảo lãnh đã phát hành...

Điều này tiềm ẩn khả năng TTF phải trích lập dự phòng ít nhất 90 tỷ đồng trong trường hợp DLC không trả được nợ.

Nghiêm trọng hơn, ban lãnh đạo cũ còn bị phát hiện có dấu hiệu thực hiện các giao dịch ảo, giao dịch khống mà không có hàng hóa tương ứng giữa công ty mẹ  (TTF) và các công ty liên quan, trong đó nổi cộm là 2 công ty DLC và Công ty xây dựng nông lâm nghiệp Trường Sơn.

Tất cả những giao dịch này nhằm nâng khống doanh thu, tạo lợi nhuận ảo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem