Giá gà giảm, khó cạnh tranh, nông dân tiếp tục điêu đứng vì gia cầm?
Thị trường gia cầm đang diễn ra hết sức sôi động do nhu cầu tăng cao
Gà là đối tượng dễ thích nghi, có thời gian sinh trưởng và phát triển ngắn, quay vòng vốn nhanh, phù hợp với chuyển đổi tạm thời. Hơn nữa, việc cải tạo chuồng trại từ chăn nuôi lợn sang chăn nuôi gia cầm cũng đơn giản, chi phí thấp. Bởi vậy mà số lượng gà đã tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Ông Trần Hữu Hậu - hộ chăn nuôi ở Cẩm Mỹ kể, từ tháng 3/2019, gà trống có giá 45.000 đồng/kg; gà mái có giá 55.000 đồng/kg; tăng 5.000 đồng so với tháng 2. Từ cuối tháng 7 đến nay, giá gà thả vườn lại tiếp tục tăng. Có thời điểm lên đến 60.000 - 70.000 đồng/kg, hiện tại đang dao động quanh mức 55.000 - 60.000 đồng/kg.
Theo ông Trần Văn Quang - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y Đồng Nai, tình hình chăn nuôi gia cầm đang có nhiều chuyển biến tích cực khi tổng đàn đã tăng hàng triệu con so với cùng kì năm ngoái.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các ngành chức năng, nông dân không nên tái đàn tự phát và chạy theo phong trào bởi tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ mất cân đối cung - cầu. Đặc biệt là dễ bị cạnh tranh bởi gà nhập ngoại. Hiện nay, gà nhập khẩu đang tăng mạnh với ưu thế vượt trội về giá. Nếu như trước đây 50.000 đồng/kg thì thời gian gần đây đã giảm gần 1 nửa, khoảng 28.000 đồng/kg. Một con gà khoảng 1kg nhập từ Hàn Quốc có giá chỉ từ 54.000 đồng/kg đang được bày bán rất nhiều ở các siêu thị. Trong khi đó, giá gà tam hoàng của Việt Nam 70.000 đồng/kg, gà ta hơn 200.000 đồng/kg. Mức giá này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các hộ chăn nuôi trong nước.
Tránh đi vào vết xe đổ của ngành chăn nuôi lợn
Việc tăng đàn ồ ạt, thiếu kiểm soát sẽ rất khó để quản lí, phòng bệnh khi mà dịch H5N6 đã lần đầu tiên xuất hiện ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cụ thể, đầu tháng 8, dịch cúm gia cầm type A, chủng H5N6 đã xuất hiện ở 2 trại chăn nuôi tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc. Trong đó có đàn gà 9.000 con của bà Khánh, với khoảng 1.500 con của 1 hộ dân khác ngụ cùng xã đột ngột chết hàng loạt.
Gà mắc dịch chết hàng loạt khiến nhiều người chăn nuôi điêu đứng
Ảnh minh họa
Sau khi phát hiện dịch bệnh, cán bộ thú y đã tiến hành tiêu hủy khẩn cấp toàn bộ số gà, khử độc tiêu trùng và suất 230.000 liều vaccine cúm H5N6 cho địa phương trong vùng có dịch.
Về lâu dài, Sở NN&PTNT cùng các Bộ, ban ngành cần thống kê, tổng hợp số lượng đàn vật nuôi, sản lượng thịt hơi xuất chuồng, cơ cấu vật nuôi hằng tháng trên địa bàn từ nay đến cuối năm nhằm cân đối cung - cầu thực phẩm.
Tùy thuộc vào đặc điểm địa hình từng vùng để có những kế hoạch chăn nuôi phù hợp. Với vùng trũng, các địa phương cần hướng người dân chuyển sang nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi tập trung; vùng đồi gò nên phát triển chăn nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ... Đối với các hộ khi nuôi gia cầm hay vật nuôi khác, cần nắm chắc kỹ thuật, bảo đảm vệ sinh khu vực chăn nuôi; các địa phương cần tăng cường vận động hộ dân tham gia hợp tác xã, liên kết với các doanh nghiệp, bếp ăn tập thể... nhằm chủ động bao tiêu sản phẩm trước khi tái đàn.