Giá heo hơi 2/5: Dân Tây Nguyên sắp có heo giống "xịn", giá lợn hơi ổn định

Thiên Ngân Thứ năm, ngày 02/05/2019 05:30 AM (GMT+7)
Tập đoàn De Heus của Hà Lan và Tập đoàn Hùng Nhơn mới đây đã "bắt tay" nhau triển khai dự án phát triển đàn lợn giống cao sản theo công nghệ 4.0 tại Đắk Lắk, tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng, nhằm chuẩn bị cung ứng những đàn heo giống "xịn", có chất lượng cao ra thị trường trong 1-2 năm nữa.
Bình luận 0

Người chăn nuôi Tây Nguyên sắp có nguồn giống heo tốt

Trò chuyện với PV NTNN/Dân Việt, ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn (xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) cho biết, hiện ngành chăn nuôi lợn đang gặp rất nhiều khó khăn vì dịch bệnh, giá cả thị trường bấp bênh. Không riêng gì Tập đoàn Hùng Nhơn mà nhiều doanh nghiệp khác cũng rất lo lắng, e ngại, sợ lỗ khi đầu tư.

img

Ông Vũ Mạnh Hùng (đầu tiên bên trái ảnh) giới thiệu với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường về trang trại gà lạnh của Tập đoàn Hung Nhơn tại Bình Phước . Ảnh: T.L

Nhưng theo tính toán của Hùng Nhơn, khoảng 2 năm nữa thị trường chăn nuôi lợn của nước ta sẽ lâm vào cảnh thiếu con giống. Tại Trung Quốc, do ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi (ASF) nên giá lợn hơi của nước này đã tăng lên 50.000 – 70.000 đồng/kg. Còn tại Việt Nam, dịch tả ASF cũng đang diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu dừng lại. Dịch tả ASF càn quét tới đâu, chăn nuôi lợn bị tê liệt đến đó. Trong khi rất nhiều trang trại, hộ chăn nuôi lợn của nước ta hiện đang bị động về con giống.

“Với tình hình ngăn chặn, xử lí dịch bệnh như hiện nay, chúng tôi dự đoán nếu nhanh thì phải mất từ 9 tháng tới 1 năm Việt Nam sẽ khống chế được bệnh dịch ASF. Do đó chúng tôi đã bắt tay với Tập đoàn De Heus của Hà Lan triển khai dự án phát triển đàn lợn giống cao sản theo công nghệ 4.0 tại Đắk Lắk, tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng, nhằm chuẩn bị kế hoạch cung ứng con giống ra thị trường trong 1-2 năm nữa. Chúng tôi đầu tư dự án này cũng nhằm mục đích xây dựng chuỗi chăn nuôi khép, có vùng nguyên liệu đảm bảo an toàn từ khâu sản xuất thức ăn, con giống đến lợn thịt nhằm tiến tới xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài”- ông Hùng nói.

img

Người chăn nuôi heo Đắk Lắk và nông dân Tây Nguyên sẽ có nguồn heo giống chất lượng cao khi dự án phát triển đàn lợn giống cao sản theo công nghệ 4.0 đi vào hoạt động. Ảnh minh họa: I.T

Trước ý kiến cho rằng, sau cơn bão dịch tả lợn châu Phi, khu vực chăn nuôi nông hộ sẽ không thể “ngóc đầu” dậy được, phải nhường chỗ cho các trang trại lớn và doanh nghiệp FDI, ông Hùng nhận định: Không phải bây giờ chăn nuôi nông hộ mới bộc lộ các điểm yếu mà lâu nay, bà con nông dân vẫn thường làm ăn tự phát, chăn nuôi trồng trọt theo phong trào.

Ở một số nơi nông dân đã có liên kết sản xuất với doanh nghiệp, nhưng lại thường phá vỡ cam kết. Hễ thấy giá thu mua bên ngoài thị trường cao hơn so với doanh nghiệp là họ bán ra ngoài, tới khi giá thị trường giảm sâu, họ lại tìm đến kêu khó với doanh nghiệp. Tư duy của bà con cứ thấy lợi trước mắt là bán mà không quan tâm đến cam kết, hay những hệ lụy gây ra cho doanh nghiệp.

“Khó khăn hiện nay, cũng chính là cơ hội để người chăn nuôi thay đổi, và doanh nghiệp chúng tôi cũng phải thay đổi. Chúng tôi đã bỏ ra cả ngàn tỷ đồng để đầu tư công nghệ máy móc hiện đại, xây nhà xưởng quy mô nhằm hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu chúng tôi không thay đổi, không chú trọng công nghệ cao thì sẽ khó mà thành công được” – ông Hùng khẳng định.

Được biết, mới đây Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn đã cùng nhau ký kết biên bản ghi nhớ về thoả thuận hợp tác thành lập Công ty CP Phát triển heo giống cao sản Đắk Lắk DHN. Quy mô dự án có công suất chăn nuôi 2.400 con heo cụ kỵ (GGP) và ông bà (GP), chia làm 4 giai đoạn, với tổng vốn đầu tư khoảng 22 triệu USD (tương đương 500 tỷ VND).

Sau khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động thì hàng năm sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 22.000 con heo ông bà (GP) và bố mẹ (PS) chất lượng cao, chủ yếu là địa bàn Đắk Lắk và các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Giá heo hơi ổn định, heo cung ứng ra thị trường đảm bảo tiêu chuẩn thú y

Về tình hình giá heo hơi những ngày gần đây tại địa bàn phía Nam, cụ thể là TP.Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cho biết, hiện giá heo hơi tại TP.HCM đang trong giai đoạn ổn định, giá dao động từ 47.000 - 48.000 đồng/kg.

img

Theo ghi nhận trên thị trường heo hơi, giá heo hơi tại Nam Bộ những ngày qua đứng giá, tại miền Bắc và miền Tây một số nơi giảm giá với mức giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Ảnh minh hoạ: I.T

Tổng số lượng tiêu thụ heo trên địa bàn TP.HCM khoảng 10.000 con/ngày, trong đó từ 6.200-6.500 con/ngày của TP.HCM và 2.500-3.000 con/ngày (nhập từ các tỉnh khác).

Được biết, mỗi ngày chợ đầu mối Bình Điền tiêu thụ trung bình từ 2.200 – 2.500 con heo; chợ đầu mối Hóc Môn tiêu thụ khoảng 4.500-4.800 con/ngày. Để đảm bảo việc kiểm tra chất lượng thịt heo tại các chợ đầu mối, ngoài đội quản lý An toàn Thực phẩm của các chợ đầu mối còn có đội quản lý an toàn thực phẩm của Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM túc trực.

Lượng thịt heo tại TP.HCM được phân phối chính bởi các chuỗi của Vissan, San Hà, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, các chợ đầu mối… để từ đó cung ứng thịt heo ra thị trường.

Ông Phát cũng cho biết, hiện thịt heo được cung cấp bởi những đơn vị này đều phải đảm bảo các tiêu chuẩn về thú y, truy xuất nguồn gốc, VietGAP... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem