Giá heo hơi hôm nay 8/5: Khan hiếm lợn giống, dân ở đây đổi kế sách

Thu Thủy Thứ sáu, ngày 08/05/2020 05:15 AM (GMT+7)
Sau một thời gian bị hoành hành bởi dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn nái trên địa bàn Hải Phòng bị thiệt hại nặng nề dẫn đến nguồn giống khan hiếm. Mặc dù giá heo hơi đang tăng cao, rất hấp dẫn nhưng người chăn nuôi cũng không dám mạnh tay tái đàn lợn, nhất là với những hộ từng nếm trải nỗi đau vì dịch tả thì hầu như đều đi tìm kế sách khác.
Bình luận 0

Sau thời gian công bố đã khống chế thành công dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi trên địa bàn TP.Hải Phòng đã bắt đầu tái đàn trở lại để góp phần cân đối nguồn thực phẩm, khôi phục kinh tế, bình ổn giá cả thị trường khi “bão dịch” đi qua.

Lợn giống khan hiếm

Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng, tổng đàn lợn trên địa bàn thành phố hiện ước đạt 137.390 con, bằng 42,23% so với cùng kỳ. Trong đó, số lượng lợn nái là khoảng 12.000 con, chiếm 8,73% tổng đàn, số lợn đực giống là 205 con chiếm 0,16% tổng đàn, số lợn thịt là 108.160 con, chiếm 78,72% tổng đàn, số lợn con theo mẹ là 17.025 con chiếm 12,39% tổng đàn lợn.

Tỉ lệ lợn nái khá thấp trong tổng đàn lợn dẫn đến nguồn con giống khan hiếm, giá lợn giống bị đẩy lên cao, người dân không tiếp cận được con giống, việc tái đàn gặp khó.

Anh Đặng Xuân Lợi - chủ gia trại thuộc xã Tân Viên (huyện An Lão, Hải Phòng) cho biết, xã Tân Viên nơi anh ở là đơn vị trọng điểm của huyện An Lão về chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, sau khi dịch tả châu Phi bùng phát tại địa phương hồi năm ngoái, nhiều trại bị tiêu huỷ vì nhiễm bệnh thì đến nay hầu như nhà nào chuồng cũng bỏ không, một số hộ chuyển sang nuôi gà, vịt…

Gia đình anh cũng bị thiệt hại trên 200 con lợn thịt, trên 60 con lợn nái trong đợt dịch tả lợn châu Phi khủng khiếp vừa qua. Đến nay cũng mới tái đàn được 30 lợn nái mẹ, với giá giống tăng ở mức 12-13 triệu đồng/1 con lợn nái như hiện nay, anh Lợi cho biết gia đình gần như không có khả năng tăng thêm như trước.

img

Sau dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn nái tại Hải Phòng đã bị giảm đi số lượng lớn

Ông Phạm Văn Học ở xã Tiên Minh (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) cho biết, trang trại của gia đình ông thường xuyên nuôi với quy mô gần 200 lợn nái, hàng trăm con lợn thịt. Từ khi bị thiệt hại do dịch đến nay, trang trại đã bị giảm số lượng so với trước rất nhiều.

Trên thị trường, giá lợn giống đang tăng cao kỷ lục, gần 3 triệu đồng/con nhưng ông cũng chỉ có khả năng duy trì đều đặn ở mức 90 con nái như hiện nay để cung cấp con giống tại địa phương.

Trao đổi cùng PV Dân Việt, ông Mai Văn Lượng- Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tiên Lãng, Hải Phòng cho biết, hiện nay nguồn con giống tại các doanh nghiệp lớn cung cấp con giống sau những thiệt hại phải tiêu hủy đàn nái cũ đến nay cũng đã có dấu hiệu khôi phục. Tuy nhiên vẫn chưa có dôi dư lợn giống để bán ra thị trường tự do mà chỉ phục vụ cho nhu cầu tại chỗ của doanh nghiệp và trại vệ tinh của họ. Vì vậy các cơ sở chăn nuôi nhỏ, rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung con giống để  tiếp tục tái đàn.

Tái đàn với vật nuôi khác?

Sau dịch tả lợn châu Phi, giá lợn hơi liên tục tăng cao nhưng nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn Hải Phòng vẫn đang thận trọng, cân nhắc trong việc đầu tư.

Bà Hoàng Thị Thêm (xã Vĩnh An, Vĩnh Bảo) đã mạnh dạn chuyển sang nuôi gà sau khi bị thất thu từ đàn lợn thịt. Bà Thêm còn cân nhắc đến phương án người chăn nuôi muốn tái đàn trở lại thì phải mua lợn giống gần 3 triệu/1 con, nuôi sau 5- 6 tháng mới được bán mà lúc đó nếu lợn thịt không duy trì được mức giá như hiện nay thì người chăn nuôi sẽ thua lỗ nặng. Vì vậy trong lúc này gia đình bà tạm thời chuyển hướng không nuôi lợn.

img

Nhiều hộ chăn nuôi lợn chuyển sang nuôi gà, vịt sau "bão dịch"

Cũng trong tình trạng lo lắng dịch bệnh và thua lỗ, ông Mai Văn Vít thôn Hoàng Mai (xã Đồng Thái, huyện An Dương, Hải Phòng) chia sẻ, gia đình ông đã không đủ kiên nhẫn để chờ đợi thời gian thành phố công bố hết dịch nữa mà chuyển hướng ngay sang nuôi bò thương phẩm. Cả gia đình ông trông mong vào việc chăn nuôi, dừng công việc này là  sẽ không có thu nhập trang trải cuộc sống.

Hơn nữa, sau đợt dịch, số lợn nái bị chết, buộc phải tiêu hủy nhiều khiến nguồn giống tại địa phương trở nên khan hiếm. Giá lợn giống đắt đỏ, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như gia đình ông không tiếp cận được con giống để nuôi. 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chi Cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng cho biết thêm, tính đến tháng 3/2020, các địa phương của Hải Phòng đã tổ chức thực hiện tái đàn lợn trở lại được 1.998 cơ sở, với quy mô tái đàn 66.331 con lợn. Có 2.474/ 19.256 cơ sở đã chuyển đổi chăn nuôi lợn sang vật nuôi khác như gà, ngan, vịt, trâu, bò…

Để đảm bảo triển khai tái đàn tăng đàn hiệu quả, Thành phố đã chỉ đạo các địa phương tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi và công tác phòng chống dịch bệnh. Tổ chức thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức đồng thời rà soát, thống kê toàn bộ các hộ, cơ sở chăn nuôi lợn trên địa bàn để có giải pháp hướng dẫn tái đàn theo quy định.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem