Gia Lai sẽ "dẹp loạn" các công trình điện áp mái xây trên đất trái phép

Đình Văn - Thu Hồng Thứ năm, ngày 27/08/2020 18:52 PM (GMT+7)
Ngày 27/8, theo thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai, ông Đỗ Tiến Đông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh thay mặt UBND tỉnh Gia Lai, ký thay Chủ tịch tỉnh văn bản sẽ xử lý các tổ chức, cá nhân tự ý xây trang trại và điện áp mái khi chưa chuyển sang đất nông nghiệp khác.
Bình luận 0

Ồ ạt xin chỉ tiêu điều chỉnh đất

Đây là động thái siết chặt quản lý của tỉnh Gia Lai, trước bối cảnh các trang trại điện áp mái "thi nhau" xin phép được xây dựng khá ồ ạt.

Gia Lai  sẽ "dẹp loạn" các công trình điện áp mái xây trên đất trái phép - Ảnh 1.

Tỉnh Gia Lai chỉ đạo kiểm soát các trường hợp công trình vi phạm về điện áp mái. Ảnh: Nam Phương

Theo đó, tỉnh Gia Lai sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm xây dựng công trình trang trại và điện áp mái khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất, đăng ký biến động đất đai, chuyển sang đất nông nghiệp khác để thực hiện các dự án nông nghiệp theo đúng quy định pháp luật.

Gia Lai yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở ngành, địa phương kiểm tra, tổng hợp danh sách các công trình, dự án có vi phạm; kết quả xử lý, báo cáo đề xuất gửi về UBND tỉnh trước ngày 7/9.

Tìm hiểu của PV Dân Việt, nhiều huyện thị tại Gia Lai "xin được" điều chỉnh các loại đất (đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm…) thành đất nông nghiệp khác để làm các trang trại và điện áp mái.

Gia Lai  sẽ "dẹp loạn" các công trình điện áp mái xây trên đất trái phép - Ảnh 2.

Các dự án điện áp mái được nhiều hộ cá thể, tổ chức đầu tư xây dựng. Ảnh: Nam Phương

Ví như huyện Đức Cơ xin đề xuất điều chỉnh giảm đất trồng cây hàng năm khác (trên 170ha) để chuyển sang đất nông nghiệp khác. Tuy nhiên, kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của huyện được tỉnh phê duyệt thì đất nông nghiệp khác là 20ha.

Huyện Đắk Pơ đề xuất xin điều chỉnh đất nông nghiệp là trên 421ha. Trong đó, kế hoạch sử dụng đất năm 2020 được tỉnh phê duyệt thì đất nông nghiệp khác là hơn 37ha.

Huyện Ia Grai đề xuất xin điều chỉnh đất nông nghiệp tại 13 xã, thị trấn là 500ha. Tuy nhiên, kế hoạch sử dụng đất năm 2020 được tỉnh phê duyệt, đất nông nghiệp khác là hơn 60 ha.

Khó kiểm soát… dễ gây nhiều hệ lụy

Chỉ tiêu xin điều chỉnh là nhu cầu của các huyện, từ đó đề xuất. Trường hợp tỉnh đồng ý cho phép thì được điều chỉnh, trường hợp ngược lại thì các huyện sẽ không được phép điều chỉnh, chờ kế hoạch sử dụng đất cho các năm tới.

Gia Lai  sẽ "dẹp loạn" các công trình điện áp mái xây trên đất trái phép - Ảnh 3.

Năng lượng mặt trời tạo hiệu ứng về “cuộc đua” trong xây dựng tại Gia Lai. Ảnh: Nam Phương

Việc tỉnh giao các sở ngành đi kiểm tra thực tế các công trình trang trại và điện áp mái là phòng trường hợp các dự án điện áp mái đã được xây dựng, giờ xin được điều chỉnh sang đất nông nghiệp khác để "hợp thức hóa".

Các công trình trang trại và điện áp mái khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất, đăng ký biến động đất đai, chuyển sang đất nông nghiệp khác sẽ gây ra nhiều hệ quả. Đó là ô nhiễm môi trường, dễ xảy ra cháy nổ, mất cảnh quan đô thị. Nguy hại hơn, việc xin điều chỉnh sang đất nông nghiệp khác một cách ồ ạt, sẽ phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu, an ninh lương thực. Ngoài ra, tạo hiệu ứng về "cuộc đua" trong xây dựng điện áp mái.

Tại Gia Lai, nhiều cá nhân, trong đó có cán bộ cũng đua nhau mua đất rẫy của người dân, chạy quy hoạch đấu nối với Công ty Điện lực để làm điện năng lượng mặt trời áp mái, với vốn đấu tư trên 12 tỷ đồng/ha và tự ý áp trên mái.

Huyện Chư Sê từng cảnh báo

2 tháng trước, ngày 25/6, huyện Chư Sê có văn bản 1175 cảnh báo, tại địa phương đã xảy ra tình trạng các tổ chức, cá nhân thi công các công trình năng lượng điện mặt trời một cách tự phát. Các dự án điện năng lượng mặt trời áp mái thường xin phép chủ trương đầu tư theo hình thức dự án nông nghiệp công nghệ cao. Sau khi xây dựng công trình sẽ lắp đặt hệ thống pin mặt trời trên mái, không đúng với nội dung xin phép xây dựng và tư ý áp trên mái nhà đang sử dụng. Từ đó, UBND huyện Chư Sê tăng cường kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện các dự án chưa xin phép.

Thu Hồng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem