Giá lợn giống tăng cao, nhà nông thấp thỏm tái đàn

Minh Huệ Chủ nhật, ngày 22/03/2020 16:25 PM (GMT+7)
Nhiều địa phương đã công bố hết bệnh dịch tả lợn châu Phi, cộng với giá lợn hơi duy trì mức cao nên nhiều nông hộ và trang trại đang mạnh tay tái đàn. Lãnh đạo Bộ NNPTNT cũng cho rằng cần đẩy nhanh tốc độ tái đàn lợn, không nên do dự nữa. Tuy nhiên, cản ngại là virus dịch tả lợn châu Phi vẫn ẩn nấp đâu đó trong môi trường, giá lợn giống đang rất cao...
Bình luận 0

Giá lợn giống cao

Kể từ khi dịch tả lợn châu Phi hoành hành, các địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã phải tiêu hủy khoảng 28.822 con lợn của hơn 4.000 hộ dân. Đến nay, dịch bệnh này cơ bản được kiểm soát, người chăn nuôi đã rục rịch nuôi lợn trở lại.

Ông Cao Văn Dương (ở thôn Tân Biên, xã Tiến Bộ, Yên Sơn) cũng đang tái đàn sau thời gian tạm nghỉ vì dịch bệnh, tuy nhiên số lợn vào đàn đợt này chỉ bằng 30% so với trước.

img

Bộ NNPTNT khuyến khích người dân, các trang trại tái đàn bằng nguồn giống sạch, đảm bảo an toàn sinh học. Ảnh: T.N

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, đàn lợn nái cả nước hiện còn khoảng 2,7 triệu con; đàn giống thuần chủng vẫn còn khoảng 109.000 con, tương đương 90% so với trước khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra.

Do đó cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn lợn, không có chuyện thiếu con giống.

Theo ông Dương, do giá lợn giống đang rất cao, từ 2 - 2,5 triệu đồng/con nên ông cũng khá "run tay" khi đầu tư. Để hạn chế rủi ro nên ông chọn giải pháp nuôi ít, khi dịch bệnh được kiểm soát chắc chắn mới tính đến lấp đầy các ô chuồng.

Ông Phạm Văn Cảnh- Giám đốc HTX Chăn nuôi Hợp Lực (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) - nơi đang nuôi khoảng 2.500 lợn thịt và 300 lợn nái - cho biết, giá lợn hơi tại Hà Tĩnh và các vùng lân cận đang dao động quanh mức 84.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với tháng 2.

Mỗi tuần, ông Cảnh xuất bán cho thương lái khoảng 500 con lợn thịt. Với giá thành sản xuất khoảng 42.000 - 45.000 đồng/kg, ông Cảnh thu lãi khoảng 42.000 đồng/kg lợn hơi.

Ông Cảnh cho biết, đây là mức lãi hiếm có đối với người chăn nuôi lợn. Dù vậy, tại Hà Tĩnh, bà con vào đàn rất dè dặt, và những hộ dám tái đàn thì chủ yếu tái đàn lợn thịt. Chưa ai có khả năng tái đàn lợn bố mẹ do lo ngại dịch tả lợn châu Phi quay lại tấn công, ăn cả “sổ đỏ” như hồi bão giá năm 2017.

Nhận thấy đây là cơ hội hiếm có để gỡ lại vốn đã ném vào “canh bạc” nuôi lợn, đầu năm 2020 ông Cảnh đã đánh liều đầu tư gần 3 tỷ đồng mua thêm 250 con lợn nái hậu bị và tăng thêm 1 chuồng lợn thịt vài trăm con. Giá lợn hậu bị hiện nay đang rất cao, lên tới hơn 11 triệu đồng/con nên ông Cảnh cho biết, chi phí sản xuất con giống chắc chắn sẽ tăng lên, kéo theo giá thành tăng.

Tương tự, anh Trần Thế Trung (ở huyện Thanh Oai, Hà Nội) cũng cho biết, gia đình anh đang nuôi khoảng 600 con lợn thịt. Nhận định giá lợn hơi còn duy trì mức cao trong vài tháng nữa nên mới đây anh Trung đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua hơn 100 con lợn hậu bị về nuôi để chủ động nguồn lợn giống phục vụ sản xuất, đồng thời loại dần đàn nái cũ, kém năng suất.

"Ở nông thôn, không chăn nuôi, trồng trọt thì biết làm gì ra tiền? Tiếc công sức xây dựng chuồng trại, tôi vẫn cố gắng duy trì, đầu tư vào "canh bạc" nuôi lợn để tìm cơ hội gỡ gạc, trả nợ. Hết bão giá, rồi bão dịch, quanh xã tôi 10 người nuôi lợn thì 9 người bị thua lỗ, chán quá phải bỏ nghề. Tôi chẳng qua đâm lao phải theo lao mà thôi" - anh Trung nói.

Không để tái đàn thành “tái dịch”

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại “thủ phủ” nuôi lợn của miền Bắc là huyện Bình Lục (Hà Nam), việc chăn nuôi của bà con vẫn chưa thể trở lại bình thường. Có thời điểm, xã Đồng Du (huyện Bình Lục) thống kê được 12.000 con lợn trong chuồng nuôi của các hộ dân, nhưng nay tổng đàn lợn chỉ còn khoảng 2.000 con (bao gồm cả lợn nái và lợn đực giống). Nguồn cung tại chỗ khan hiếm nên hầu hết lợn nhốt trong các ô chuồng tại Chợ đầu mối gia súc, gia cầm Bình Lục đều được nhập từ Bình Định và các tỉnh phía Nam.

Ông Nguyễn Xuân Lộc - Trưởng ban quản lý chợ này cho biết, gần đây giá lợn hơi liên tục biến động, thương lái lùng mua hàng khắp nơi nhưng cũng không mua được nhiều do thị trường rất khan hiếm. Tại các vùng chăn nuôi ở Hà Nam và khu vực lân cận, người dân tái đàn khó khăn do giá con giống tăng cao, dịch tả lợn châu Phi vẫn đang uy hiếp đàn lợn.

“Nông hộ cạn vốn do trước đó đã bị thiệt hại bởi dịch bệnh, nay các doanh nghiệp, trại lớn cũng không bán lợn giống ra ngoài mà để nuôi nên các hộ nhỏ lẻ hết cửa tái đàn. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng không khuyến khích các nông hộ tái đàn do cơ sở hạ tầng phục vụ chăn nuôi không đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Thực tế, các nông hộ cũng sợ dịch nên tái đàn rất ít, chỉ các trại quy mô lớn mới dám đầu tư” - ông Lộc cho hay.

Tìm hiểu của phóng viên, bên cạnh một số hộ tái đàn có kiểm soát thì vẫn có những hộ tái đàn theo kiểu “đánh bạc”, mua lợn giống trôi nổi, không có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Ông Bế Văn Tỉnh - nhân viên thú y xã Trung Yên (Sơn Dương, Tuyên Quang) cho biết, một số hộ dân ở địa bàn đã mua lợn giống không có giấy tờ kiểm dịch của cơ quan chuyên môn, đang được theo dõi, giám sát chặt chẽ, không để “tái đàn thành tái dịch”.

Theo Bộ NNPTNT, đến nay 99% số xã có dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới, nhiều địa phương đã đủ điều kiện công bố hết dịch. Do đó, lãnh đạo Bộ NNPTNT cũng đã chỉ đạo các địa phương, các doanh nghiệp tập trung cho việc tái đàn lợn mà không cần phải do dự. Song song với đó, các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp cũng không được chủ quan, phải đảm bảo an toàn dịch bệnh trong tái đàn.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem