Giá lợn hơi đi ngược chiều, nhà nông thấp thỏm

Thiên Hương Thứ hai, ngày 28/11/2022 13:40 PM (GMT+7)
Nhiều tháng qua, giá các sản phẩm chăn nuôi như thịt lợn, gia cầm liên tục có chiều hướng giảm, đặc biệt giá lợn hơi đang ở mức dưới giá thành. Điều này khác hẳn với quy luật bình thường, bởi những tháng cuối năm thường là cao điểm về nhu cầu tiêu thụ thịt lợn, thị trường lẽ ra phải sôi động, mua bán nhộn nhịp…
Bình luận 0

Một số chuyên gia nhận định, do sản lượng thịt lợn dồi dào, nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm nên dẫn đến giá lợn hơi liên tục giảm. Điều này khiến người chăn nuôi lâm vào cảnh thua lỗ trong chính mùa cao điểm.

Nguồn cung tăng, nhu cầu tiêu thụ giảm

Bình thường, tầm từ tháng 11 dương lịch hàng năm là thịt lợn, thịt gà bắt đầu bước vào chu kỳ tăng giá, do nhu cầu tiêu thụ tăng để phục vụ chế biến các mặt hàng tết. Tuy nhiên, hiện nay thị trường tiêu thụ khá ảm đạm, giá lợn hơi duy trì mức thấp khiến bà con chăn nuôi cũng không dám đầu tư mạnh tay cho lứa hàng cuối năm.

Cụ thể, tại các tỉnh phía Bắc như Sơn La, Hà Nam, Hưng Yên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc…, giá lợn hơi hiện chỉ đạt 50.000 – 53.000 đồng/kg. Các tỉnh miền Trung, miền Nam cũng không khá hơn, dao động từ 52.000 – 53.000 đồng/kg.

Thấp thỏm với giá lợn hơi - Ảnh 1.

Trang trại nuôi lợn của ông Hoàng Đình Quê ở thôn Quỳnh Sơn, xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Khương Lực

"Vấn đề không phải chỉ là đảm bảo đủ lương thực thực phẩm cho tiêu dùng dịp tết, mà còn là đảm bảo thu nhập cho người chăn nuôi. Nếu với giá lợn hơi như hiện nay, thì cả người chăn nuôi và doanh nghiệp đều không có lãi, nếu tình trạng này kéo dài mãi thì bà con không thể trụ nổi".

Ông Nguyễn Xuân Dương

Giá lợn hơi bán tại các công ty lớn cũng đang trong xu hướng giảm, cụ thể, giá lợn hơi (loại 3 máu loại 110kg/con) của Công ty CP Chăn nuôi C.P chi nhánh miền Nam hiện đạt 57.000 đồng/kg; loại từ 111 - 125kg/con giá 56.000 đồng/kg.

Tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM) – nơi bán buôn thịt lợn mảnh lớn nhất cả nước, việc tiêu thụ cũng trầm hẳn lại so với các năm trước, giá thịt lợn mảnh dao động từ 70.000 - 130.000 đồng/kg, tùy loại. Sản lượng lợn hơi tiêu thụ tại chợ này đạt bình quân 5.000 con/ngày, trong khi lúc cao điểm chợ này bán 7.000 - 8.000 con.

Nhận định về tình hình này, ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, giá cả tiêu thụ thường phụ thuộc vào thị trường, sức mua. Giá lợn hơi hiện nay thấp do các nguồn tiêu thụ đều giảm, như các bếp ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể giảm lượng thu mua do cắt giảm lao động; giảm giờ làm...

Đại diện Công ty CP Chăn nuôi C.P cũng cho biết, sức mua trên thị trường hiện nay rất thấp, nhiều cơ sở chế biến thậm chí vẫn chưa bước vào mùa sản xuất cuối năm. Mỗi ngày, C.P bán ra khoảng 13.000 con lợn thịt, giảm khoảng 5.000 - 6.000 con so với lúc cao điểm trước đó. Mức giảm này kéo dài 1 - 2 tháng nay và khả năng sức mua chưa khả quan trong thời gian tới.

Than thở với PV NTNN, chị Đặng Thị Thoa - chủ trang trại nuôi lợn quy mô 200 nái, 1.000 lợn thịt ở xã An Linh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương cho biết, ngày 27/11, giá lợn hơi tại địa bàn đạt 52.000 đồng/kg. Với giá này, trại của chị đang bị thua lỗ khoảng 6.000 - 8.000 đồng/kg lợn hơi. Tính ra cứ mỗi con lợn xuất chuồng, chị bị lỗ khoảng 600.000 - 800.000 đồng.

Chị Thoa cho biết, hơn 2 năm trở lại đây, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, hiện lên tới 350.000 đồng/bao, cộng với chi phí phòng chống dịch bệnh tăng cao nên đã giá đẩy giá thành chăn nuôi tăng cao. Tình hình này khiến gia đình chị phải gồng gánh thua lỗ suốt nhiều tháng qua.

Chị Thoa còn chụp ảnh gửi cho PV xem chi tiết chi phí nuôi lợn thịt. Theo đó, riêng tiền thức ăn chăn nuôi đã lên tới 5,45 triệu đồng/con (với điều kiện lợn giống tự chủ được). Nếu cộng thêm ngày công, chi phí điện, nước, hao hụt, lãi suất ngân hàng thì giá thành chăn nuôi hiện khoảng 60.000 đồng/kg. 

Giá lợn hơi đi ngược chiều, nhà nông thấp thỏm - Ảnh 4.

Bức ảnh chị Đặng Thị Thoa gửi cho phóng viên thống kê chi tiết chi phí thức ăn nuôi lợn thịt, chưa tính công chăm sóc, điện nước, hao hụt...

"Theo tôi biết một số người trong nghề đã phải giảm đàn, hoặc treo chuồng không dám nuôi nữa, vì càng nuôi nhiều càng lỗ nhiều. Nhà tôi ngoài trang trại của gia đình, tôi còn nuôi gia công 3.000 con lợn thịt nên mới trụ được đến giờ này" - chị Thoa tâm sự.

Theo các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Bình Dương, người nuôi lợn nhỏ lẻ chủ yếu là lấy công làm lời nhưng với giá bán như hiện nay thì hầu như ai cũng lỗ.

Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cũng nhận định, nguồn cung thịt lợn trong nước tăng trong khi sức mua yếu nên đã gây áp lực lớn đến giá lợn hơi. Ước tính tổng đàn lợn cả nước đến cuối tháng 10/2022 đạt khoảng hơn 28,6 triệu con, sản lượng ước đạt 3,23 triệu tấn thịt lợn, tăng 13,6% so với cùng thời điểm năm 2021. 

Bên cạnh đó, tổng đàn gia cầm của cả nước cũng tăng khoảng 5,2%, đạt 533 triệu con, cung cấp 13,4 tỷ quả trứng; đàn bò 6,41 triệu con, đàn trâu 2,27 triệu con… Đó là chưa tính nguồn cung thực phẩm từ thủy sản, dê, cừu và nhập khẩu.

Tìm nhiều kênh tiêu thụ, giúp tăng giá lợn hơi

Trao đổi với PV NTNN, ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết: "Với giá lợn hơi như hiện nay thì người chăn nuôi không có lãi. Do vậy, chúng ta cần tìm nhiều giải pháp thúc đẩy tiêu thụ. Nếu xuất khẩu thịt lợn được thì tốt quá, thậm chí đó là giải pháp hiệu quả nhất về lâu dài cho ngành chăn nuôi, giúp người chăn nuôi có lợi nhuận để đảm bảo duy trì sản xuất ổn định".

Thấp thỏm với giá lợn hơi - Ảnh 3.

Về dự báo thị trường thịt lợn cuối năm, ông Dương nhận định giá lợn hơi sẽ không có biến động lớn. Căn cứ vào 2 lý do, một là chăn nuôi lợn, gia cầm, trâu bò trong nước đang khôi phục và phát triển tốt. Hai là sản lượng thịt lợn và các loại thực phẩm nhập khẩu khác đang có xu hướng tăng nhanh. 

 Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, quý III/2022, Việt Nam nhập khẩu 191,58 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 417,75 triệu USD, tăng 4,4% về lượng và tăng 24,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, giá lợn hơi "chạm đáy" sẽ tác động đến việc tái đàn, nếu cứ giữ đà giảm, bà con sẽ không mặn mà chăn nuôi, khó đảm bảo cung ứng thịt cho dịp tết. Giải pháp để cân đối cung cầu, đầu tiên phải là sức mua, tìm kiếm thị trường xuất khẩu, đồng thời đẩy mạnh chế biến sâu, tăng cường thu mua giết mổ cấp đông thịt lợn trong các tháng cuối năm. Kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường ký kết các hợp đồng tiêu thụ lợn thịt với các trang trại chăn nuôi để tạo nguồn cung ổn định phục vụ công tác bình ổn và bảo đảm thu mua lợn thịt cho người chăn nuôi với giá cả hợp lý... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem